Án oan sau vụ sát nhân hàng loạt chấn động Hàn Quốc 30 năm trước

Yoon ngồi tù 20 năm với tội danh giết hại bé gái 13 tuổi vào năm 1988 tại vùng Hwaseong, Hàn Quốc. Gần 30 năm sau, ông xin tái thẩm vụ án để đòi lại sự trong sạch.

Mùa thu năm 1988, một bé gái 13 tuổi bị cưỡng hiếp và sát hại ngay tại giường của mình. Tội ác đó, diễn ra ở bất kỳ nơi nào khác, sẽ gây nên cú sốc lớn.

Nhưng nó lại diễn ra ở Hwaseong, vùng nông thôn gần thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nơi các vụ sát nhân bất ngờ diễn ra liên tiếp đến kinh hoàng. Cô gái đã là nạn nhân thứ 8 bị sát hại chỉ trong vòng 2 năm ở Hwaseong.

Gần một năm sau án mạng, cảnh sát đến nhà một người thợ trong vùng tên Yoon, 22 tuổi. Theo trí nhớ của Yoon, cảnh sát xuất hiện ngay trước khi ông kịp dùng bữa tối, mời ông lên làm việc và hứa hẹn "sẽ không mất nhiều thời gian đâu".

Họ đưa ông đến phòng thẩm vấn nhỏ ở đồn cảnh sát địa phương. Yoon bị giữ lại trong 3 ngày. Cảnh sát chất vấn ông về vụ cưỡng hiếp và sát hại cô bé 13 tuổi. Cuối cùng, cảnh sát lấy được lời thú tội.

Theo lời khai được lưu giữ, Yoon nói mình ra ngoài đi dạo vào đúng đêm án mạng xảy ra. Anh dừng lại nghỉ chân một vài lần. Bệnh bại liệt hồi nhỏ khiến ông di chuyển khập khiễng đến mức được miễn nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Gần nửa đêm, Yoon nhìn thấy một căn nhà còn sáng đèn và bỗng cảm thấy "ham muốn cưỡng hiếp", như lời kể của ông được điều tra viên ghi lại.

Yoon, người đàn ông mắc bệnh bại liệt từ nhỏ, nói mình đã leo vào nhà và tấn công cô gái trẻ dù biết cha mẹ nạn nhân ngủ ở phòng cạnh bên. Sau vụ việc, người thanh niên 22 tuổi đốt quần áo rồi trở về.

Yoon bị kết tội cưỡng hiếp và sát hại thiếu nữ 13 tuổi ở Hwaseong, nhận án tù chung thân. Mức án được giảm sau kháng cáo. Ông ra tù sau 20 năm. Nhưng Yoon tuyên bố ông không phải kẻ thủ ác.

Trước năm 1986, tội ác kinh hoàng như án mạng nói trên là điều vô cùng lạ lẫm đối với người dân Hwaseong. Khu vực chỉ có khoảng 226.000 dân, sống rải rác ở vài ngôi làng được ngăn cách bởi những ngọn đồi với cây rừng phủ xanh và các cánh đồng lúa.

Nơi Yoon sống là làng Taean Eup. Vào thập niên 1980, nhịp sống nơi đây đã bắt đầu nhộn nhịp hơn với những quán rượu và tiệm cà phê kiểu Hàn Quốc, nơi người dân địa phương hội họp và bàn tán đủ chuyện trong làng. Nhiều người làm việc cho các nhà máy gần đó, sản xuất hàng điện tử như bóng đèn. Những người khác lo làm chuyện đồng áng. Ngay cả những hộ sống trong khu trung tâm cũng nuôi bò lấy sữa, theo lời Hong Seong Jea.

Hong từng quản lý một hiệu sửa chữa nông cụ. Yoon là nhân công của ông. Hong kể rằng người dân ở Taean Eup ai cũng biết rõ nhau. Trước khi các vụ án mạng xảy ra, chẳng có tội ác nào thật sự chấn động được người dân bàn tán, chỉ có vài vụ cướp hoặc đột nhập vặt vãnh.

"Nhưng chúng tôi đều quá nghèo, cũng chẳng có gì nhiều để mất", Hong kể.

Sự bình yên biến mất vào năm 1986. Tháng 9 năm đó, một người phụ nữ bị sát hại. Đó là án mạng đầu tiên trong chuỗi các nạn nhân mà sau này thường được nhắc đến với tên gọi "những vụ giết người ở Hwaseong".

Đến năm 1991, có tổng cộng 10 phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện bị giết hại trong vùng, trong đó có án mạng của thiếu nữ 13 tuổi. Trong cả 10 vụ án, các nạn nhân đều bị tấn công tình dục. Trong nhiều vụ, một phần trang phục của nạn nhân như vớ hoặc áo được sử dụng làm hung khí.

Nạn nhân bị giết hại bao gồm người nội trợ, nữ sinh và một nhân viên cửa hàng tạp hóa, theo Ha Seung Gyun, một trong các cảnh sát từng tham gia điều tra tại Hwaseong. Những nạn nhân trẻ nhất vẫn trong độ tuổi thiếu niên, còn người lớn nhất là 71 tuổi. Lý lịch các nạn nhân tạo cảm giác dường như không ai được an toàn.

Sau mỗi án mạng, người Hwaseong càng thêm lo sợ. Dân địa phương lập các nhóm tuần tra đường phố vào ban đêm, mang theo gậy gộc để phòng thân. Phụ nữ đều hạn chế ra ngoài khi trời tối.

"Thời đó không có đèn đường. Đêm xuống tối om", Park, 55 tuổi, cựu công nhân nhà máy ở làng Jinan Ri vào thập niên 1980, chia sẻ. "Tôi thường về bằng xe buýt. Nếu gặp người đàn ông nào lạ, tôi rất hoảng sợ. Tôi được bảo đừng mặc đồ đỏ và ra đường vào buổi tối".

Theo ông Ha Seung Gyun, thời điểm đó có tin đồn kẻ sát nhân hàng loạt nhắm đến phụ nữ mặc đồ màu đỏ.

Hong Seong Jea, chủ cũ của Yoon, cũng sống tại làng Taean Eup. Ông nhớ rằng tất cả đàn ông trong vùng đều sợ bị cảnh sát thẩm vấn. Cả ngôi làng trở nên im ắng đến ma mị.

"Chúng tôi lo bị nhầm là tội phạm, nên cũng không ra ngoài uống gì. Thậm chí nếu chúng tôi chẳng làm điều gì cả, mọi chuyện vẫn có thể vượt quá tầm tay", Hong kể.

Khi vụ án mạng đầu tiên xảy ra, trách nhiệm điều tra được giao cho cảnh sát địa phương. Nhưng khi số nạn nhân lên đến 3 người chỉ trong vòng 3 tháng, họ đã phải cầu cứu đến các điều tra viên từ thành phố lân cận.

"Kể từ vụ án mạng thứ ba, cảnh sát nhìn nhận đây là vụ trọng án. Nó thu hút sự quan tâm lớn của truyền thông. Người dân cảm thấy khiếp sợ", cựu thanh tra Ha Seung Gyun, một trong những nhân vật lãnh đạo cuộc điều tra, chia sẻ.

Cảnh sát biết họ đang truy tìm một kẻ sát nhân hàng loạt, nhưng manh mối quá ít. Đó là thời đại chưa có camera giám sát và công nghệ truy dấu điện thoại. Việc thu thập mẫu ADN để xét nghiệm cũng chưa được áp dụng phổ biến. Cảnh sát phải dựa vào những phương pháp "sáng tạo hơn" để truy tìm hung thủ.

Trong 5 vụ án mạng đầu tiên, các nạn nhân được phát hiện trong một khu vực có bán kính khoảng 6 km tại Hwaseong. Cảnh sát quyết định chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 2 người, lập các chốt mai phục cách nhau 100 m. Chiến thuật này cuối cùng vẫn thất bại. Nạn nhân thứ 6 bị giết hại ở nơi không có cảnh sát xuất hiện.

Một vài nữ cảnh sát còn giả dạng làm thường dân, mặc đồ đỏ với mục tiêu gài bẫy hung thủ lộ diện. Vài người khác còn tìm thầy cúng và được khuyên truy lùng một người đàn ông mất một ngón tay. Một số cảnh sát bất lực đến mức cho làm lễ trừ tà với hình nhân rơm, Ha Seung Gyun kể lại.

Nhưng các vụ án mạng vẫn tiếp diễn. Tổng số ngày làm việc của toàn bộ lực lượng điều tra vụ án lên đến 2 triệu ngày, con số kỷ lục trong lịch sử ngành, theo Yonhap.

"Chúng tôi nhìn thi thể các nạn nhân và không thể giấu được cảm giác bất lực, sự căm phẫn của mình đối với kẻ sát nhân", Ha kể lại. "Sau nhiều tháng lăn lộn trên những cánh đồng truy tìm dấu vết của hung thủ, tôi có thể nói rằng sự thù hận của chúng tôi dành cho kẻ này đã vượt ngoài sức tưởng tượng".

Yoon là người duy nhất từng bị kết tội liên quan đến một trong số 10 án mạng ở Hwaseong. Tuy nhiên, cảnh sát chỉ cáo buộc anh bắt chước tên sát nhân hàng loạt. Mọi nạn nhân khác, trừ án mạng của cô gái 13 tuổi, đều bị giết hại ngoài làng Taean Eup. Cả 9 vụ án còn lại không tìm ra chân tướng hung thủ trong suốt 3 thập kỷ.

Nhiều năm trôi qua, người dân Hàn Quốc có lúc đã nghĩ rằng kẻ thủ ác đứng sau vụ án giết người hàng loạt khét tiếng nhất lịch sử đất nước sẽ không bao giờ lộ diện. Bí ẩn thậm chí đã được đưa lên màn ảnh qua bộ phim "Memories of Murder" vào năm 2003, đạo diễn bởi Bong Joon Ho, người vừa được trao giải Oscar cho bộ phim "Parasite".

Vài năm sau khi "Memories of Murder" được trình chiếu, thời hạn truy tố cho vụ án mạng gần nhất trong chuỗi ác mộng thập niên 1980 tại Hwaseong cũng kết thúc. Thậm chí nếu hung thủ được tìm thấy, sẽ không có phiên tòa xét xử nào diễn ra. Cơ hội đòi công lý cho gia đình các nạn nhân cũng tan biến.

Dù vậy, ký ức về những vụ án mạng tại Hwaseong chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí người dân địa phương. Cảnh sát cũng không chấp nhận bỏ cuộc. Đến tháng 9/2019, lãnh đạo cảnh sát tỉnh Gyeonggi Nambu, ông Ban Gi Soo, bất ngờ đưa ra tuyên bố "bom tấn".

Dựa vào xét nghiệm ADN các chứng cứ cảnh sát lưu giữ 30 năm qua, gửi cho Cơ quan Pháp y Quốc gia vào tháng 7 năm đó, cảnh sát phát hiện mẫu ADN thu thập từ hiện trường 3 vụ án khớp với một người đàn ông tên Lee Chun Jae.

Lee khi đó đang thụ án từ chung thân vì tội cưỡng hiếp và giết hại chị dâu vào năm 1994, theo thông báo của giới chức tòa án Daejeon và Bộ Tư pháp Hàn Quốc. Chỉ một tháng sau, Lee thú nhận mình là hung thủ trong cả 10 vụ án mạng từng làm rúng động cả Hàn Quốc, đồng thời tiết lộ thêm 4 nạn nhân khác.

Lee Chun Jae đưa ra lời thú tội vô cùng chi tiết. Y thậm chí có thể vẽ ra giấy bản đồ mô tả vị trí các vụ giết người, theo tiết lộ của một quan chức cơ quan cảnh sát tỉnh Gyenggi Nambu.

"Đây là vụ án quan trọng mà tất cả người dân Hàn Quốc đều thắc mắc. Các nạn nhân và gia đình của họ cần biết sự thật", người này cho biết.

Đây là bước ngoặt bất ngờ và vô cùng quan trọng cho một trong những vụ án giết người hàng loạt khét tiếng nhất lịch sử Hàn Quốc. Tuy nhiên, nó cũng đặt giới chức nước này vào một tình thế khó xử. Nếu thật sự Lee Chun Jae là hung thủ trong cả 10 vụ án mạng tại Hwaseong, bao gồm cả thiếu nữ 13 tuổi tại làng Taean Eup, thì Yoon đã phải ngồi tù đến 20 năm vì một tội ác không phải do mình gây nên.

Lời tự thú của Lee Chun Jae nếu xét riêng vẫn chưa đủ để trả lại thanh danh cho Yoon. Dưới con mắt của pháp luật, ông vẫn là một tội phạm giết người đã bị kết án.

Giờ Yoon đã ngoài 50 tuổi. Ông làm việc tại một nhà máy xử lý da thuộc ở tỉnh Chungcheong Bắc, cách thủ đô Seoul vài tiếng đi bằng tàu lửa. Vẫn dáng đi khập khiễng đó, Yoon luôn giữ cho mình vẻ ngoài vui vẻ và quản giao, nói cười thoải mái.

Ẩn sau gương mặt tươi cười đó là một cuộc đời đầy khó nhọc. Yoon nói gia đình ông phải đổi chỗ ở thường xuyên khi ông còn nhỏ. Đi học được 3 năm thì mẹ ông mất trong một tai nạn giao thông. Không lâu sau đó, người cha cũng bỏ đi biệt xứ. Yoon bỏ học và bắt đầu kiếm việc làm.

Yoon đến Hwaseong và phải ăn xin trước một nhà hàng bán gà rán gần một năm. Khi lên 11 tuổi, ông bắt đầu làm việc tại trung tâm nông cụ. Đến năm 22 tuổi, ông được cho đào tạo tại trung tâm này để trở thành một thợ máy có bằng cấp.

Trong lời khai với cảnh sát năm 1989, Yoon nói ông nghiện thuốc lá rất nặng và chưa từng quen người phụ nữ nào. Ông thậm chí chưa từng thử nói chuyện với con gái vì nghĩ "không ai thích một người khuyết tật như tôi".

Hong Seong Jae kể rằng người nhân viên cũ của mình luôn thoáng nét buồn.

"Tôi nghĩ đó là do anh ấy lớn lên trong cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Anh ta không để lộ cảm xúc gì nhiều, nhưng sửa chữa máy móc thì rất tài", Hong nói.

Theo lời kể của Yoon, anh bị cảnh sát còng tay và giam trong phòng thẩm vấn suốt 3 ngày liền. Họ gần như bỏ đói Yoon và chỉ cho anh ra ngoài đi vệ sinh. Mỗi lần Yoon cố chợp mắt, cảnh sát lại kéo anh dậy.

"Thời điểm đó như cơn ác mộng. Khi bạn không được ngủ suốt 3 ngày, bạn không thể ý thức mình đã nói gì. Bạn không nhớ mình đã làm gì. Bạn không thể suy nghĩ chính chắn", ông nói. "Bạn cứ xuôi theo những câu hỏi của họ, cứ thế cho qua".

Phải đến bây giờ Yoon mới nhận thức rõ mình đã bị ngược đãi đến mức nào. Nhưng vào thời điểm đó, ông không biết một chút gì về pháp luật. Ông thậm chí chưa học hết tiểu học.

Yoon cuối cùng đã ký tên vào 3 bản thú tội và thừa nhận trước tòa rằng ông là kẻ giết người. Ông làm những điều đó với hy vọng thoát án tử hình, để rồi được thả sau 20 năm ngồi tù.

"Anh ấy có lẽ đã cảm thấy mọi việc xảy ra quá bất công, sau biết bao nhiêu năm trong tù", Hong chia sẻ việc mất đi một người thợ giỏi như Yoon đã góp phần khiến công ty của ông không thể tiếp tục hoạt động. "Tôi đánh mất việc kinh doanh, còn anh ấy mất đi cả cuộc đời".

Tháng 12/2019, cảnh sát tỉnh Gyeonggi Nambu đã chính thức mở cuộc điều tra về 7 cảnh sát viên và 1 công tố viên từng tham gia cuộc truy tìm kẻ sát nhân hàng loạt ở Hwaseong. Họ bị cáo buộc lạm quyền trong một số vụ bắt giữ vào giai đoạn đó. Kết quả điều tra vẫn chưa được chính quyền công bố.

Theo Lee Soo Jung, giảng viên tâm lý học pháp y tại Đại học Kyonggi, trường hợp của Yoon không phải là cá biệt thời đó. Trong thập niên 1980, phương pháp ép nghi phạm thức trong thời gian dài để lấy lời khai cũng khá phổ biến.

Yoon cũng không phải trường hợp duy nhất cáo buộc bị cảnh sát tra tấn. Kim Chil Joon, luật sư biện hộ cho một số người bị tình nghi liên quan đến các án mạng tại Hwaseong, nói nhiều trường hợp đã chịu ngược đãi bởi cơ quan điều tra.

Một trong các thân chủ của Kim bị cáo buộc gây nên án mạng thứ tư và thứ năm. Ông bị tra tấn và thẩm vấn bởi cảnh sát. Phải đến năm 1995, ông mới đòi bồi thường thành công. Nhưng chỉ 2 năm sau đó, Kim tự sát vì trầm cảm và sang chấn từ giai đoạn bị bắt giữ.

Ông Ban Gi Soo, lãnh đạo cơ quan cảnh sát tỉnh Gyeonggi Nambu, năm 2019 thông báo đang làm rõ cáo buộc ngược đãi nghi phạm của một số nhân viên từng tham gia cuộc điều tra ban đầu. Trong một trường hợp, điều tra viên dùng biện pháp trấn nước nghi phạm bằng súp hải sản cay.

Yoon quyết tâm đòi lại sự trong sạch cho mình. Phiên tòa xét xử lại vụ án của ông đã bắt đầu tháng này. Theo luật sư Heo Yoon, chuyên gia tư vấn pháp lý về tái thẩm, các đơn xin xét xử lại được chấp nhận chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng số trường hợp đề xuất và thường cần có thêm chứng cứ mới.

Park Joon Young, một trong các luật sư đại diện cho Yoon, cho biết chứng cứ vụ án hiếm khi nào được lưu giữ lâu hơn 20 năm, chỉ trừ một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng như chuỗi án mạng tại Hwaseong.

Trong trường hợp của Yoon, lời thú tội của Lee Chun Jae có vai trò then chốt. Có khả năng Lee sẽ trình diện trước tòa để đối chất với 3 thẩm phán. Phiên tòa này có thẩm quyền vô hiệu hóa cáo trạng của ông Yoon.

Khả năng cao Yoon sẽ được xóa bỏ tội danh. Trong buổi đối chất vào tháng 2, trước phiên tòa tái thẩm, chủ tọa phiên tòa đã công khai xin lỗi ông Yoon về oan sai 30 năm trước.

Dù vậy, vẫn còn những khúc mắc trong vụ án. Mẫu ADN của Lee khớp với một số vụ án mạng ở Hwaseong, nhưng cảnh sát chưa thông báo tìm thấy chứng cứ ADN thể hiện mối liên hệ giữa y và vụ sát hại bé gái 13 tuổi.

Trong khi đó, mẫu tóc tìm thấy tại hiện trường lại giống với tóc của Yoon khoảng 40%, theo một báo cáo được viết vào năm 1989 bởi chuyên gia tại Cơ quan Pháp y Quốc gia Hàn Quốc. Luật sư Park cho biết những mẫu tóc này chưa được xét nghiệm ADN. Trong trường hợp kết quả cho thấy khớp với ADN của Yoon, ông Park cảnh báo khả năng mẫu tóc đã được thu thập từ Yoon và trộn lẫn vào vật chứng lấy từ hiện trường.

Yoon nộp đơn xin tái thẩm vào tháng 11/2019. Phiên tòa có thể kéo dài trong vài tháng. Trong trường hợp được tuyên vô tội, ông có thể đòi bồi thường.

Tuy nhiên, đối với Yoon, không khoản bồi thường nào có thể bù đắp 20 năm cuộc đời ông đã đánh mất sau song sắt. Dù đã được tự do gần 10 năm, thế giới xung quanh Yoon thay đổi chóng mặt đến mức ban đầu ông chỉ muốn trở vào trong tù để sống.

"Tôi mất khoảng 3 năm để thích nghi. Tôi không thể sống được. Khuôn mẫu cuộc đời tôi trong tù không hợp với thế giới mới", ông chia sẻ.

Trả lời Korean Herald, Yoon nói nếu được nhà nước bồi thường sẽ dành số tiền để giúp đỡ những người có hoàn cảnh giống mình: Tàn tật và chịu oan sai. Ông chia sẻ lúc này chỉ mong muốn hai điều là được phục hồi danh dự và một lời xin lỗi công khai từ những người đã hành xử khuất tất với ông.

Yoon nhấn mạnh ông không muốn "lời xin lỗi cá nhân, cũng không tìm kiếm sự trừng phạt dành cho những người có lỗi". Ông chỉ muốn những điều tra viên năm xưa thừa nhận những điều họ đã làm, lưu ý rằng họ sẽ không chịu án phạt nào vì thời hạn truy tố cũng không còn.

"Tôi chỉ muốn sự thật được thừa nhận một cách chính thức - rằng tôi là người vô tội - để tôi không còn tủi hổ khi nhìn gia đình mình", ông nói.

Thanh Danh
Thiết kế: Nhân Lê - Ảnh: Yonhap, AFP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-oan-sau-vu-sat-nhan-hang-loat-chan-dong-han-quoc-30-nam-truoc-post1091080.html