Án oan giết người gần 40 năm ở Vĩnh Phúc - Kỳ 2: Bất ngờ được minh oan!

Hung thủ thực sự của vụ án bị bắt, ông Trinh lẳng lặng được thả về. Tuy nhiên, gần 40 năm qua chưa một cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm về việc làm oan sai cho ông và những người khác.

(VIDEO) 40 năm đi tìm công lý từ vụ oan sai giết người.

Hung thủ thật sự bị lật tẩy sau đơn tố cáo của người tình

Tưởng chừng như vụ án giết người ở thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc bị lãng quên, và những người bị giam oan cứ thế sống kiếp tù tội. Nhưng mọi việc bất ngờ được thay đổi từ một lá đơn tố cáo nặc danh.

Hung thủ thực sự của vụ án bị bắt, ông Trinh được thả tự do.

Hung thủ thực sự của vụ án bị bắt, ông Trinh được thả tự do.

Theo ông Trinh cho biết, nhờ lá đơn tố cáo nặc danh tiết lộ hung thủ thật sự của vụ án là Nguyễn Đình Ký (công an viên của xã), từ đó công an vào cuộc điều tra và đã tìm ra hung thủ thực sự gây ra cho cái chết cho ông Chu Văn Quản (là Bí thư chi bộ thôn Vạn Thắng) lúc bấy giờ.

Sau này, ông Trinh cũng mới biết được nội tình của sự việc, theo ông Trinh cho biết: Nguyễn Đình Ký lúc đấy là công an viên, có thư tình, gián díu với một người phụ nữ trong cùng xã, việc này nhiều người biết. Khi Ký đến xin xác nhận của Bí thư chi bộ thôn là ông Quản để làm hồ sơ kết nạp Đảng.

Tuy nhiên, vì đời sống không được lành mạnh nên ông Quản không xác nhận cho Ký nên Ký đem lòng thù hận.

Và rồi, Ký đã gây ra cái chết cho ông Quản vào ngày 28/12/1979 (âm lịch), rồi chính người tình của Ký đã viết đơn tố cáo nặc danh để đổ tội cho người khác mà ở đây là 3 người trong xã là ông Trần Ngọc Trinh, ông Trần Trung Thám và ông Khổng Văn Đệ.

Và kết luận của giám định cho biết, ông Quản chết trên người có nhiều vết thương đánh vào huyệt, chỉ có người biết võ mới có thể thực hiện được việc này.

Vô tình, ông Trinh, ông Thám đều là người biết chút võ, vì ông Trinh là lính đặc công, còn em trai ông là bộ đội nên công an vin vào điều này nên đã bắt cả 2 ông đi vì liên quan đến đơn tố cáo.

Tuy nhiên, ông Trinh nói, một thời gian sau tên Ký và người tình của y "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt "nên chính người này đã làm đơn tố cáo Ký là hung thủ đã sát hại ông Quản cho công an. Chính nhờ thế, ông mới được minh oan, được tha về.

Ông Trinh được trả tự do sau bao năm trong ngục tối

Ông Trinh cho biết, vào tháng 10/1983 (âm lịch), giám thị tên là Trương đến buồng giam và thông báo tôi được thả.

Tôi được đưa lên phòng giám thị, tại đây có người giám thị Hà Khắc Tiện và ông Trương đọc lệnh thả tôi. Sau đó, cán bộ đưa cho tôi Quyết định đình cứu cho tôi tiền xe và 2 gói thuốc mang theo người.

Quyết định đình cứu khẳng định ông Trinh không phải là hung thủ giết người.

Theo quyết định đình cứu số 126 ngày 12/10/1983 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phú (cũ) do ông Vũ Quốc Hùng, Viện trưởng ký.

Theo nội dung của quyết định đình cứu: “Vào sáng ngày 28/12, tại xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú, xảy ra vụ ông Chu Văn Quản bị giết chết. Quá trình điều tra, cơ quan công an tỉnh Vĩnh Phú đã tạm giữ ông Trần Ngọc Trinh để xét hỏi những vấn đề liên quan đến vụ án.

Trước cơ quan điều tra, ông Trần Ngọc Trinh đã khai nhận là có tham gia việc giết ông Chu Ngọc Quản, và cùng với người khác, nên đã gây khó khăn cho vụ án, làm cho vụ án kéo dài.

Đến nay, qua nghiên cứu, điều tra xác minh với lời khai nhận tội của ông Nguyễn Đình Ký bị can trong vụ án trên. Có đủ cơ sở để xác định ông Trần Ngọc Trinh là người không có liên quan đến vụ giết ông Chu Văn Quản”.

Quyết định này đối với những người bị bắt là bằng chứng giúp họ minh oan, thoát khỏi cảnh tù tội. Tuy nhiên, suốt 40 năm qua nỗi đau án oan tù tội, bi kịch sau khi ra tù vẫn dai dẳng đeo bám họ.

Khi chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra bảo vệ, lấy lại công bằng cho những tháng ngày oan sai, ai là người chịu trách nhiệm?

Ngày trở về nghiệt ngã

Được thả về, cùng với quyết định đình cứu vụ án là tấm “thân tàn”. Những ngày sau đó, ông đau ốm liên hồi vì phải hứng chịu những trận nhục hình, thừa sống thiếu chết trong lúc tạm giam.

Ông Trinh cho biết, khi trở về nhà tôi phải mất 1 tháng nằm bất động trên giường, lúc đấy may có người vợ tần tảo chăm sóc, dường như sức lực lúc bấy giờ như cạn kiệt, sức khỏe giảm sút.

Cuộc sống của gia đình ông gặp nhiều khó khăn, 40 năm qua chưa có bên nào đứng ra chịu trách nhiệm về việc làm oan sai cho ông Trinh và những người khác.

Sau này, khi hồi phục phần nào, nhưng tôi không còn làm được việc nặng nữa, cuộc sống gia đình trải qua vô cùng khó khăn. “Con cái không được học hành, cái nghèo nó vẫn đeo bám trong suốt gần 40 năm qua”, ông Trinh nói trong nghẹn ngào.

Thở một tiếng dài, ông Trinh nói biết, sau khi được thả tự do về quê, tôi đã nhiều lần làm đơn kêu cứu các cơ quan chức năng ở tỉnh Vĩnh Phúc, ở Trung ương, nhưng suốt gần 40 năm qua vẫn không một ai đứng ra trả lời cho tôi về những oan khuất tôi phải chịu, những đau đớn giày vò tôi suốt 40 năm qua.

Những ngày tháng bị nghi là “kẻ giết người” tôi đã phải nếm đủ các loại hình hành hạ, bị bắt nhốt ở chuồng cọp, bị cùm chân….Mà tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, nỗi oan ức cái chết của em trai tôi cũng chưa được phơi bày sự thật…

(còn nữa)

(còn nữa)

Q. Minh- D. Khương - N. Minh- N.Thượng

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/an-oan-giet-nguoi-gan-40-nam-o-vinh-phuc--ky-2-bat-ngo-duoc-minh-oan-d99308.html