Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Nhân viên nhà tang lễ bị bắt vì lấy trộm tro cốt

3 nhân viên nhà tang lễ ở miền Bắc Trung Quốc đã bị bắtvì lấy trộm tro cốt của 1 phụ nữ đã chết để bán cho 1 gia đình địa phương thực hiện hủ tục âm hôn bất hợp pháp. Những người liên quan đến vụ việc này sẽ bị xử lý ra sao?

Án Nước ngoài:

Trộm tro cốt của nữ streamer để làm lễ…âm hôn?

Cảnh sát quận Wenshang, Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, đã tạm giữ hình sự 3 công nhân của nhà tang lễ địa phương với tội danh ăn trộm tro cốt, The Beijing News đưa tin.

Theo báo cáo, 1 công nhân họ Shao đã chuyển tro cốt sau khi thi thể của người phụ nữ được hỏa táng tại nhà tang lễ, trong khi 1 công nhân khác họ Lei đã lái xe ô tô để đưa nó ra khỏi cơ sở tang lễ và 1 đồng nghiệp thứ ba họ Zhang chịu trách nhiệm liên hệ với người mua.

Tro cốt của nữ streamer bị đánh cắp để thực hiện hủ tục âm hôn. Ảnh: thepaper.cn.

Tro cốt của nữ streamer bị đánh cắp để thực hiện hủ tục âm hôn. Ảnh: thepaper.cn.

Người chết là 1 streamer đã tự tử vào tháng trước bằng cách uống thuốc trừ sâu trước sự chứng kiến của khán giả. Những người tổ chức âm hôn được cho là có thể kiếm được lợi nhuận lên tới 70.000 NDT (11.000 USD) trong tỉnh nếu người mua hài lòng với lý lịch của người phụ nữ đã chết.

Vợ Zhang nói với Beijing News rằng người mua, danh tính không được công bố, đã không đồng ý làm âm hôn nữ streamer đã chết cho người con trai xấu số của họ. Tro cốt của cô đã được trao lại cho gia đình và đưa về quê nhà ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc.

Sở Nội vụ tỉnh Sơn Đông tuyên bố sẽ trấn áp các cuộc âm hôn và cho biết họ sẽ tiến hành kiểm tra tất cả các cơ sở tang lễ, 1 quan chức của chính quyền cho biết.

Những cặp hũ tro cốt đặt trên sườn đồi ở Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Luật Việt Nam:

Có thể xử lý về 2 tội

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (tro cốt) là tội hình sự. Hành vi này không chỉ xâm phạm đến vị trí mai táng xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết theo phong tục, nghi lễ, tôn giáo của cộng đồng dân cư; xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của cá nhân người chết mà còn xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Để xác định 1 người có hành vi phạm tội Xâm phạm thi thể, mồ mả hay không, cơ quan chức năng phải làm rõ người phạm tội có thực hiện một trong các hành vi sau đây hay không?

Thứ nhất là đào, phá mồ mả. Đây là hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng mồ mả, làm cho mồ mả không còn nguyên vẹn như trước. Nếu hành vi đào, phá mồ mả, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không coi là hành vi phạm tội.

Thứ hai là chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ: Hành vi chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thường đi kèm với hành vi đào, phá mồ mả (đào phá mồ mả để chiếm đoạt đồ vật để trong quan tài); nhưng cũng có trường hợp người phạm tội không đào, phá mồ mả nhưng vẫn chiếm đoạt những đồ vật để trong mộ, trên mộ như: Lợi dụng việc đổi mộ (bốc hài cốt) để chiếm đoạt đồ trang sức chôn theo người chết; lấy các đồ vật có giá trị để trên mộ (bát hương, lọ hoa, di ảnh,...).

Ngoài hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thì các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cũng bị coi là hành vi phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Hậu quả của hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cứ xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cũng bị coi là hành vi phạm tội mà chỉ những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến thi thể, mồ mả, hài cốt mới bị coi là hành vi phạm tội.

Hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả thể hiện rõ ở việc người có hành vi (cho dù là vì bất kì mục đích gì) xâm phạm trực tiếp đến xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết, xâm phạm đến sự nguyên dạng của xác, hài cốt, tro hài cốt hoặc làm hao hụt hài cốt, tro hài cốt đã mai táng.

Về hình phạt, khoản 1 Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt như sau: Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Vì động cơ đê hèn…, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Trong vụ việc này, 3 nhân viên nhà tang lễ đã chuyển tro cốt của nữ streamer ở nhà tang lễ ra ngoài để mang bán cho những kẻ thực hiện hủ tục âm hôn (làm lễ kết hôn với người chết). Hành vi này trái với ý chí của những người thân thích của người người chết nên bị xác định là hành vi xâm phạm thi thể, tro cốt.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể xử lý những người tham gia tổ chức lễ âm hôn. Nhẹ thì xử phạt hành chính, ở mức độ nặng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hành nghề mê tín, dị đoan.

Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm.

Nếu làm chết người; thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Ánh Dương (thực hiện)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/an-nuoc-ngoai-luat-viet-nam-nhan-vien-nha-tang-le-lay-trom-tro-cot-a535826.html