An ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp

Theo Ủy ban Dân tộc, từ đầu năm đến nay, cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến dân tộc, tôn giáo. Tuy nhiên, tình hình ANTT vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nảy sinh những vấn đề mới.

BĐBP Hà Giang tiếp nhập công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép do lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả. Ảnh: Xuân Minh

Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật

Đánh giá về tình hình ANTT vùng DTTS và miền núi 6 tháng đầu năm 2018 của Ủy ban Dân tộc cho thấy, tình hình khiếu kiện của công dân trong vùng đồng bào dân tộc, các vụ việc vi phạm pháp luật như mua bán, vận chuyển chất ma túy, tàng trữ chất nổ, vũ khí quân dụng, mua bán người, vượt biên trái phép qua biên giới, phá rừng vẫn còn xảy ra, diễn biến phức tạp.

Theo thống kê, tại khu vực biên giới và vùng đồng bào DTTS, lực lượng chức năng các tỉnh đã phát hiện 300 trường hợp vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. BĐBP và các cơ quan chức năng khác phát hiện 18 vụ, bắt giữ 30 đối tượng, trong đó có 22 đối tượng là người DTTS, 2 đối tượng mang quốc tịch Lào về hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Các lực lượng chức năng đã thu giữ 464 bánh herroin, 16,2kg ma túy tổng hợp dạng đá; 14.150 viên ma túy tổng hợp... cùng nhiều tang vật khác có liên quan.

Tính đến hết tháng 6-2018, cơ quan chức năng các địa phương đã tiêu hủy 508 khẩu súng kíp, súng bắn hơi cồn..., riêng tỉnh Thanh Hóa tiêu hủy 489 khẩu súng các loại và 60 nòng súng. Đây là số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà lực lượng chức năng đã tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp và do lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Hoạt động mua bán người có giảm về số lượng, nhưng tính chất phức tạp của vụ việc gia tăng. Tại khu vực biên giới và vùng DTTS, lực lượng chức năng các tỉnh Quảng Ninh và Nghệ An đã phát hiện 3 vụ, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán người, giải cứu thành công 3 nạn nhân người dân tộc Thái.

Lôi kéo người dân theo đạo trái pháp luật

Ngoài các vụ việc vi phạm pháp luật do cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, miền núi nổi lên hoạt động truyền đạo trái pháp luật, đặc biệt là hoạt động của “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ”.

Theo thông tin từ cơ quan công an, các thành viên của hội thánh này tuyên truyền lừa bịp, lôi kéo, dụ dỗ người dân tin vào những điều phi lý, tập hợp tín đồ, thu lợi bất chính từ tiền “dâng phẩm” của các tín đồ. Tình trạng này diễn biến khá phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm xáo trộn trong cuộc sống của người dân.

Tại các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, lực lượng an ninh đã phát hiện 20 đối tượng tuyên truyền trái pháp luật về “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” cho người dân. Cơ quan chức năng cho biết, các đối tượng này thuyết giảng rằng đi theo “Đức Chúa Trời mẹ” sẽ được ban phép màu và gặp nhiều may mắn, bệnh tật tự tiêu tán...

Tại địa bàn tỉnh Điện Biên, các đối tượng tuyên truyền về “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” chủ yếu cho học sinh trung học phổ thông. Còn tại Lai Châu, đến đầu năm 2018, “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ” đã lôi kéo được 30 người tham gia, thuộc đủ các thành phần, lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên đến các tiểu thương, thậm chí cả cán bộ công chức Nhà nước.

Khi nhập vào tổ chức này, mỗi thành viên phải tuân thủ các quy định về việc cầu nguyện, thực hiện các điều kiêng kỵ và đặc biệt là nộp 1/10 thu nhập hằng tháng cho tổ chức. Số tiền này không được ghi chép, không được công khai.

Đầu tháng 5-2018, lực lượng Công an Lai Châu phát hiện thu giữ 26 quyển kinh thánh, 1 máy tính xách tay và một số giấy tờ liên quan dùng để tuyên truyền đạo. Trước đó, Công an thành phố Lai Châu đã triệt phá thành công 1 nhóm đối tượng xấu chuyên truyền đạo trái phép do Lý Chỉn Lẻng (sinh năm 1994, trú tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ) và Đỗ Quang Khuê (sinh năm 1996, thường trú tại thành phố Lai Châu), khu vực trưởng của “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” tại Lai Châu cầm đầu.

Trong khi đó, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, lực lượng an ninh phát hiện và ngăn chặn 3 người tham gia tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” từ Đà Nẵng vào Hội An để truyền đạo trái pháp luật, thu giữ nhiều tài liệu có liên quan đến việc truyền đạo. Cơ quan Công an cũng phát hiện 5 người có hộ khẩu thường trú tại huyện Quế Sơn (Quảng Nam), làm việc tại Đà Nẵng tham gia vào tổ chức “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” tại Đà Nẵng.

Đặc biệt, ngày 9-5, tại thành phố Tam Kỳ, cơ quan chức năng phát hiện 3 đối tượng ở tỉnh khác đến lưu trú, sử dụng 1 con dấu và nhiều tài liệu để lôi kéo người dân vào “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” và tổ chức sinh hoạt trái pháp luật trên địa bàn. Các lực lượng chức năng tại các địa phương đã kịp thời tổ chức tuyên truyền cho dân hiểu và có biện pháp tự phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo gây phức tạp về ANTT.

Một điều đáng lo ngại là hiện nay, đã xuất hiện một số đối tượng FULRO lưu vong móc nối với người DTTS ở xã Ia Hla, huyện Chư Phư, tỉnh Gia Lai để lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Hiện tại, các cơ quan chức năng địa phương đang đấu tranh, bóc gỡ, đưa các đối tượng liên quan ra kiểm điểm, giáo dục trước nhân dân.

Chặt phá rừng vẫn còn xảy ra nghiêm trọng

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Dân tộc, tại các tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk tính từ đầu năm đến nay, xảy ra 228 vụ phá rừng với 134.506ha rừng bị tàn phá. Cơ quan chức năng thu giữ 665,842m3 gỗ tròn, xẻ các loại và nhiều phương tiện máy móc dùng để phá rừng.

Trong số các vụ phá rừng ở khu vực đồng bào DTTS từ đầu năm đến nay, có những vụ phá rừng quy mô lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như vụ phá rừng tại huyện Ea Súp, Đắk Lắk ngày 14-5-2018. Trong quá trình tuần tra tại Tiểu khu 238 (thuộc địa phận xã Ea Bung, huyện Ea Súp), Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê, BĐBP Đắk Lắk đã phát hiện, bắt quả tang 3 đối tượng đang dùng cưa xăng cắt hạ cây rừng trái phép. Qua công tác điều tra, lực lượng chức năng xác định tổng diện tích rừng bị cắt hạ là 18ha. Nhóm người trên khai nhận phá rừng để làm nương rẫy.

Một vụ phá rừng nghiêm trọng khác được ghi nhận tại Quảng Nam. Các đối tượng đã chặt phá 33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào có tuổi đời hàng trăm năm ở xã Chal Val, huyện Nam Giang, Quảng Nam với khối lượng trên 235m3.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/an-ninh-trat-tu-vung-dan-toc-thieu-so-con-tiem-an-nhieu-yeu-to-phuc-tap/