An ninh năng lượng - Những nguy cơ tiềm ẩn

Dù đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu năng lượng phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân, nhưng vẫn còn những vướng mắc từ cơ chế khiến chương trình phát triển nguồn điện ở nước ta còn chậm. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến tại 'Diễn đàn An ninh năng lượng cho phát triển bền vững' do Bộ Công Thương tổ chức.

Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển: Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

Bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ quan điểm: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, Nghị quyết 55 đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Nguyễn Tuấn Anh: Cần xây dựng Luật Năng lượng tái tạo

Chương trình phát triển nguồn điện tới năm 2045 đáp ứng cơ bản nhu cầu phụ tải, vận hành an toàn, có dự phòng, độ tin cậy cung cấp điện đạt khoảng 99,86%; đáp ứng được mục tiêu đa dạng hóa nguồn điện, bảo đảm sự hài hòa, cân bằng giữa các miền; tỷ lệ của các nguồn điện than ở mức phù hợp, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió; áp dụng công nghệ tiên tiến, linh hoạt, hiệu suất cao, giảm phát thải vào môi trường...

Để chương trình phát triển nguồn điện thực hiện đúng với kế hoạch, cần phải sớm sửa đổi Luật Điện lực để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vận hành hệ thống tích hợp nguồn năng lượng tái tạo và phát triển thị trường điện. Đồng thời, cần xây dựng Luật Năng lượng tái tạo để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc đầu tư năng lượng tái tạo, tạo chuỗi cung ứng thích hợp đối với ngành điện, cụ thể: Cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án nguồn điện; cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải; cơ chế mua - bán điện trực tiếp giữa doanh nghiệp phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện...

Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy: Còn nguy cơ tiềm ẩn về an ninh năng lượng

Cùng với quá trình phát triển của đất nước, an ninh năng lượng của Việt Nam đang ngày càng được tăng cường. Từ một nước phải nhập khẩu năng lượng, từ thiếu điện triền miên phải cắt điện luân phiên, đến nay về cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu điện. Công nghiệp dầu khí đã phát triển vượt bậc ở tất cả các khâu thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Ngành than về cơ bản cung cấp đủ nhu cầu than trong nước.

Tuy nhiên, tỷ trọng điện sản xuất từ nguồn năng lượng nhập khẩu đang tăng dần. Công suất các nguồn điện hiện nay đã tới hơn 60 nghìn MW, có thể đáp ứng cho nhu cầu phụ tải với công suất lớn nhất (Pmax) trên 41 nghìn MW. Nhưng hệ thống điện vẫn tiềm ẩn khả năng cung cấp thiếu hụt điện năng khi gặp những năm ít nước do tỷ trọng thủy điện lớn, có thể xảy ra thiếu điện trong giai đoạn tới. Công suất truyền tải điện giữa các miền còn lớn. Hệ thống điện vẫn còn một số nguy cơ có thể dẫn đến rã lưới, gây mất điện trên diện rộng trong thời gian ngắn. Chất lượng điện còn thấp đối với các hộ có yêu cầu chất lượng điện cao.

Toàn cảnh diễn đàn

Toàn cảnh diễn đàn

Cung cấp than gặp nhiều thách thức khi lượng tài nguyên đang xuống thấp, khai thác gặp nhiều khó khăn khi phải xuống sâu dưới lòng đất nên phải nhập khẩu than đáp ứng cho nhu cầu trong nước.

Còn đối với dầu mỏ và khí đốt, tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Mặt khác, tiềm năng dầu khí ở vùng nước nông không còn nhiều, nhiều mỏ dầu khí chủ lực đang trong giai đoạn suy kiệt, sản lượng dầu khai thác giảm mạnh. Tổng quy mô hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam thấp hơn yêu cầu (tối thiểu 90 ngày nhập ròng). Các mỏ khí tự nhiên đang khai thác cũng suy giảm, các mỏ khí mới chậm đưa vào khai thác so với yêu cầu.

Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) Ngô Thúy Quỳnh: Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguyên liệu thô

Ngành Dầu khí và Than cùng với ngành Điện đã khẳng định là những phân ngành năng lượng trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Cần phải rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm phát luật về dầu khí, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế. Mặt khác, cần tiếp tục xây dựng cơ chế đặc thù đối với lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế về quản trị, tài chính... phù hợp để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí Việt Nam, đặc biệt trong việc gia tăng trữ lượng dầu khí.

Trưởng ban Điện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Nguyễn Huy Vượng: Với hơn 50 năm triển khai thăm dò, khai thác dầu khí trên Biển Đông, Petrovietnam có đủ kinh nghiệm thực tiễn, năng lực triển khai xây dựng các dự án điện gió kể cả tại vùng nước sâu, xa bờ.

Tùng Dương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/an-ninh-nang-luong-nhung-nguy-co-tiem-an-593922.html