'An ninh mạng ở Việt Nam rất báo động'

An ninh nguồn nước, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia được cho là ba trong số thách thức an ninh phi truyền thống mà Việt Nam phải đối mặt, theo các chuyên gia Bộ Ngoại giao.

Lũ lụt lịch sử ở Trung Quốc, cháy rừng liên tục 10 ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ, giông bão nghiêm trọng ở Mỹ… Những thiên tai này đều có bàn tay của biến đổi khí hậu - một trong nhiều thách thức an ninh phi truyền thống (ANPTT) đang ngày càng trở nên gay gắt hơn, đe dọa mọi quốc gia trên Trái Đất. Không có tiếng súng đạn vang lên nhưng những thách thức ANPTT vẫn nguy hiểm không kém.

“Những vấn đề ANPTT, điển hình như đại dịch Covid-19 đã diễn ra trong 2 năm qua, đòi hỏi các nước cùng chung tay”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nói trong phần khai mạc phiên thảo luận của Bộ Ngoại giao hôm 24/11. “Vì vậy, hợp tác đa phương tiếp tục là dòng chủ đạo trong quan hệ quốc tế nói chung”.

Bao phủ những năm qua là mối lo ngại chung Mỹ sẽ không quay trở lại các diễn đàn quốc tế, nhưng Thứ trưởng Giang chỉ ra rằng diễn biến thời gian qua đã khẳng định ngay cả các nước lớn, bao gồm Mỹ, vẫn rất coi trọng chủ nghĩa đa phương.

“Chắc chắn giải pháp liên quốc gia, quản trị toàn cầu, các thể chế đa phương và ngoại giao đa phương chắc chắn là giải pháp hữu hiệu nhất”, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên thảo luận ngày 23/11. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên thảo luận ngày 23/11. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Sự trỗi dậy của thách thức phi truyền thống

PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, chỉ ra 3 thách thức ANPTT Việt Nam đang phải đối diện.

Đầu tiên, an ninh nguồn nước của Việt Nam bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, hoạt động xây đập của các nước ở thượng nguồn, sự giảm sút chất lượng nước do chất thải từ sản xuất công - nông nghiệp thẩm thấu vào đất, cùng cơ sở hạ tầng xử lý yếu kém.

“An ninh mạng ở Việt Nam cũng rất báo động”, tiến sĩ Tuấn nói. Theo ông, Việt Nam là nước hứng chịu nhiều cuộc tấn công mạng và đang đối mặt với nguy cơ từ không gian mạng, như nạn phát tán tin giả, lợi dụng không gian mạng để xâm phạm trật tự an toàn xã hội, hoặc phát tán mã độc để ăn cắp dữ liệu.

Một thách thức ANPTT khác ở Việt Nam là tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán người, buôn bán động vật hoang dã, rửa tiền, ma túy..., xuất phát một phần từ việc Internet phát triển mạnh, trở thành một kênh dụ dỗ con người phạm tội xuyên quốc gia.

Phiên thảo luận được tổ chức kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp. Ảnh: Quốc Đạt.

Ngoài ra, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi nên đã trở thành tâm điểm của mọi luồng giao thông trên thế giới. Thời gian qua, do tập trung xử lý đại dịch, các nước cũng ít hoặc không quan tâm tới loại tội phạm này.

Những vấn đề này đều đã ảnh hưởng lớn tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, tiến sĩ Tuấn nhận định.

Không chỉ Việt Nam, thế giới nói chung cũng gặp phải nhiều thách thức ANPTT, theo ông Nguyễn Hải Lưu, Phó vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế. Theo đó, hàng loạt dịch bệnh đã phát sinh trong 20 năm qua như SARS, MERS, Ebola và Covid-19. Biến đổi khí hậu cũng có nguy cơ dẫn tới suy giảm đa dạng sinh học, gây ra nhiều thiên tai và đe dọa xóa sổ nhiều quốc đảo.

Ông Lưu nhận định các mối đe dọa ANPTT có nguy cơ trở nên ngày càng trầm trọng và khó dự báo hơn. Trong cục diện đó, các nước vừa và nhỏ sẽ dễ bị tổn thương do có vị trí địa lý bất lợi, nguồn lực hạn chế và nền kinh tế phụ thuộc vào bên ngoài.

Tuy nhiên, Phó vụ trưởng Lưu cũng cho rằng các nước vừa và nhỏ, đặc biệt là Việt Nam, cũng sẽ có nhiều cơ hội tăng tiếng nói trên các vấn đề toàn cầu, tạo lợi thế đan xen lợi ích để thúc đẩy quan hệ với đối tác, nâng cao vị thế đất nước.

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Hướng đi cho Việt Nam

Tuy thách thức ANPTT có rất nhiều, nguồn lực của Việt Nam có hạn. Vì thế, câu hỏi đặt ra là “chọn lĩnh vực nào để tập trung giải quyết”.

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam cần quan tâm hai nhóm vấn đề ANPTT chính: Vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh đất nước và vấn đề Việt Nam có thể cố gián tiếp giải quyết để nâng cao vị thế quốc tế.

Đối với nhóm đầu tiên (gồm các vấn đề như tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng, an ninh thông tin, an ninh biển…), Việt Nam cần rà soát để tham gia và nâng cao hiệu quả sử dụng thể chế quốc tế, cũng như phối hợp với kênh song phương, đặc biệt là các nước lớn và các nước là “nguồn gốc” của thách thức.

Với nhóm thứ hai (bao gồm các vấn đề như an ninh khí hậu, an ninh lương thực…), Việt Nam cần tham gia sâu vào các thể chế, xác định các vấn đề trọng tâm, các vấn đề có thể đi đầu.

Để thực hiện điều này, Việt Nam có thể đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế và đưa ra sáng kiến mang dấu ấn của mình, Đại sứ Quý nhận định.

Đại sứ Quý cũng lưu ý rằng “cách chơi” của các nước lớn là “song phương khi có thể, đa phương khi cần thiết”.

“Với Việt Nam và các nước nhỏ, ngoại giao đa phương rất quan trọng. Nhưng nước lớn chỉ chọn ngoại giao đa phương khi cần thiết hoặc khi giải pháp đa phương tiết kiệm hơn và có lợi hơn giải pháp song phương”, ông Quý nói.

Trong khi đó, Đại sứ Vinh nhận định Việt Nam cần kết hợp nhiều hình thức đa phương và song phương, cũng như sử dụng luật pháp quốc tế trong giải quyết thách thức phi truyền thống. Việt Nam cũng cần lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên để phát huy nguồn lực.

“Việt Nam nên tập trung phát huy những gì Việt Nam đang làm tốt và thực sự đóng góp cho thế giới”, Đại sứ Vinh nói.

Quốc Đạt - Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-ninh-mang-o-viet-nam-rat-bao-dong-post1279361.html