An ninh mạng giúp 'mạch máu' thông tin được thông suốt

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo Báo cáo chỉ số an toàn thông tin toàn cầu năm 2018 của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên 175 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đánh giá, và tăng 50 hạng so với chỉ số năm 2017, vượt 30 hạng so với mục tiêu ban đầu.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

NDĐT – Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo Báo cáo chỉ số an toàn thông tin toàn cầu năm 2018 của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên 175 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đánh giá, và tăng 50 hạng so với chỉ số năm 2017, vượt 30 hạng so với mục tiêu ban đầu.

Nhiều tín hiệu vui về an toàn, an ninh mạng

Trả lời tại phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong năm qua, ngành công nghệ thông tin và truyền thông nước nhà đã có bước phát triển, xếp hạng bưu chính tăng 5 hạng từ 50 lên 45 trong số 172 quốc gia. Chỉ số ứng dụng viễn thông và công nghệ thông tin tăng hạng từ 95 lên 41 trong số 141 nước. Xếp hạng về an toàn, an ninh mạng tăng từ 100 đến 50 trong số 194 quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại nhức nhối, đó là vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua kênh bưu chính. Là các loại rác viễn thông, sim rác, tin nhắn rác, thư rác, cuộc gọi rác. Là sự chậm trễ của một số dự án nền tảng về Chính phủ điện tử. Là tỷ lệ cao các máy tính bị nhiễm mã độc. Là vấn đề doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gia công nhiều hơn là sáng tạo sản phẩm “made in Việt Nam”. Là sự bất cập trong quản lý các nền tảng xuyên biên giới là vấn nạn tin giả, quảng cáo sai sự thật, vấn đề báo hóa tạp chí, trang tin điện tử, vấn đề đạo đức nghề nghiệp của một số phóng viên.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình - ảnh trên) là sau khi Luật An ninh mạng được ban hành thì những vấn đề trên không gian mạng có giảm xuống không, Bộ trưởng cho biết, trước khi có Luật An ninh mạng, chúng ta đã có những cơ sở pháp lý khác để giải quyết những vấn đề trên không gian mạng. Gần đây, khi Luật An ninh mạng ra đời có hiệu lực từ đầu năm nay thì việc này mạnh mẽ hơn. Hiện nay chúng ta còn phải chi tiết hóa sáu điều khoản trên Luật An ninh mạng bằng nghị định. Nhưng chúng ta không dừng lại để đợi mà làm mạnh hơn rất nhiều.

Bộ trưởng cho biết, trước đây, Facebook chỉ thực hiện 20-30% yêu cầu của chúng ta, gần đây tỷ lệ đã nâng lên đến 70%. Google ngày trước chúng ta nói 100 thì họ chấp hành cỡ khoảng 40-50 thôi, hiện nay chấp hành của họ đã lên đến mức 85%, thậm chí có một số nội dung lên đến hơn 90%. Thí dụ như, gỡ các game xấu độc, game đánh bạc thì tỷ lệ ngăn chặn của Google gần đây là 92%. Cách đây hai ngày, Facebook cũng chính thức tuyên bố chặn những quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.

An ninh mạng là điều kiện tiên quyết để triển khai Chính phủ điện tử

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) về bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong Chính phủ số, kinh tế số, Bộ trưởng cho rằng điều kiện tiên quyết để triển khai kinh tế số và Chính phủ điện tử là bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Chúng ta đưa tất cả lên không gian mạng, từ thông tin, dữ liệu, cuộc sống, bí mật của chúng ta lên không gian mạng mà không an toàn thì nguy hại vô cùng. Cho nên, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định đây là điều kiện tiên quyết, nếu không có điều kiện này thì không làm những việc chưa xác định tiếp theo.

Bộ trưởng cũng cho biết người Việt Nam mình làm an ninh mạng rất tốt. Trong số100 người được vinh danh toàn cầu năm 2018 về chuyên gia an ninh mạng thì bốn người mang tên Việt Nam, trong đó hai người đang ở Việt Nam và hai người ở nước ngoài. Hiện nay, chúng ta có gần 100 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Có những sản phẩm chiếm 85% thị trường trong nước. “Các quốc gia có sản phẩm về an toàn thông tin chiếm đến 85% thị trường trong nước thì rất ít, chỉ dưới 10 nước. Có những doanh nghiệp Việt Nam còn bán được sản phẩm an toàn thông tin ra nước ngoài. Đấy là điều kiện thuận lợi của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.

Trong buổi họp của Tổ công tác Chính phủ điện tử mới đây, đã thống nhất đối với dự án Chính phủ điện tử thì sản phẩm an toàn, an ninh mạng phải là của Việt Nam. Khi làm việc với 20 doanh nghiệp nòng cốt về an ninh mạng thì tất cả các hệ thống đó các doanh nghiệp đều làm được hết. Hiện nay, chúng ta đã có khoảng 65% hệ thống, còn 35% chúng ta phải đầu tư thêm, khoảng một năm nữa có thể cơ bản hoàn thành.

Vấn đề máy tính ma, hiện nay Việt Nam được xếp hạng đứng thứ 10 trên thế giới. Máy tính ma là máy tính khi bị nhiễm mã độc thì tự động gửi thư rác ra quốc tế. Máy tính ma thì cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là do người dùng hay dùng phần mềm miễn phí, dễ bị bẻ khóa cài cắm mã độc ngay trong đấy. Thứ hai là người dùng cũng hay tải các thông tin, phần mềm từ trên mạng thì trong phần mềm đó cũng đã cài sẵn mã độc. Việc nhận thư điện tử cũng rất dễ dàng lây nhiễm nhiều. Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận ra việc này, phát hiện các địa chỉ nhiễm mã độc, có công cụ xử lý, đồng thời hợp tác quốc tế để họ cung cấp các danh sách đen. Kết quả là hàng năm “máy tính ma” của Việt Nam đều tăng lên nhưng riêng năm 2019 lại giảm.

Bộ trưởng cho biết, cách đây ba ngày một tổ chức quốc tế có uy tín của Nga đã công bố, Việt Nam từ vị trí top đầu nhiễm mã độc trong các nước ASEAN (đứng thứ 9 hoặc thứ 10), thì bây giờ, cùng Singapore, chúng ta là một trong hai nước ít mã độc trong máy tính, điện thoại di động nhất.

An ninh mạng nhằm phục vụ phát triển của đất nước

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn về vấn đề an ninh mạng.

Trả lời chất vấn về an ninh mạng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng, đây là một vấn đề toàn cầu. Tất cả các quốc gia đều quan tâm đến vấn đề an ninh mạng và không có một diễn đàn quốc tế nào hiện nay từ Liên hợp quốc cho đến các diễn đàn khu vực là không bàn về vấn đề an ninh mạng. Không có một quốc gia nào có thể đủ lực để có thể đối phó được với vấn đề về an ninh mạng, đều phải liên minh, liên kết với nhau để xử lý.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức. Có người nói rằng chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc chiến tranh mạng thực sự trên rất nhiều mặt. Vừa qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành rất nhiều nghị quyết, luật để giữ gìn được an ninh mạng và phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước.

Về vấn đề tội phạm mạng, Bộ trưởng Tô cho biết có một số khó khăn. Đây là một loại tội phạm ẩn danh, tính nặc danh của nó được tội phạm lợi dụng. Phương thức hoạt động trên tất cả các mặt đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tội phạm mạng không chỉ khủng bố, tuyên truyền, chia rẽ, phá hoại đại đoàn kết dân tộc, tạo ra khủng hoảng, mà ở một số nước trên thế giới còn can thiệp cả vào bầu cử.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: Bộ Công an dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đang phối hợp với các ngành để triển khai các công tác để bảo đảm an ninh, an toàn mạng.

Về triển khai những vấn đề của Luật An ninh mạng, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết còn một số các văn bản dưới luật sẽ tiếp tục ban hành.

“Bộ Công an cũng rất ủng hộ sự phát triển công nghệ mạng, chúng tôi quan niệm đây là một hệ tuần hoàn, hệ huyết mạch rất quan trọng như cơ thể, đời sống con người đối với hệ thông tin, hệ mạng của một quốc gia”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, hệ thống thông tin truyền thông thì phải có thông tin, phải có nguyên liệu thì sức sống của đất nước mới được duy trì. Bộ Công an quan niệm công việc này như là các bác sĩ tim mạch, giữ làm sao cho thế hệ tuần hoàn thông suốt, làm sao để nhiều oxy, ít carbonic, nhiều máu đỏ, ít máu đen, bảo đảm không đột quỵ, không đứt mạch, không tắc nghẽn.

“Đó là nhiệm vụ của chúng tôi đối với các ngành trong quản lý an ninh mạng, không hề có vấn đề gì cản trở hoặc không phát triển thế hệ thông tin mạng Việt Nam”, Bộ trưởng Tô Lâm kết luận.

LÂM THẢO. Ảnh: DUY LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/thong-tin-so/item/42182702-an-ninh-mang-giup-%E2%80%9Cmach-mau%E2%80%9D-thong-tin-duoc-thong-suot.html