An ninh lương thực: Cùng giải bài toán tương lai

Dù cách mạng công nghiệp, xu thế công nghệ và trí tuệ nhân tạo có phát triển thế nào đi chăng nữa thì vẫn không thể thay thế được nhu cầu lương thực, thực phẩm đối với con người. Đại dịch Covid-19 đang diễn ra, mới thấy hết tầm quan trọng của lương thực, thực phẩm ra sao.

Kỳ tích mười năm

Theo số liệu thống kê tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” diễn ra ngày 18/3, thì sau 10 năm thực hiện, Đề án đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cụ thể: 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, trong đó đáng chú ý diện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 41- 43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn). Giai đoạn 2009-2019, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần.

Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao (đạt 2,61%/năm). Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới...

Giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh (giai đoạn 2009-2019, lương thực bình quân đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm; sản lượng rau quả tăng trưởng nhanh 80,5%, từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn). Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo.Việt Nam có khả năng đảm bảo tự cung lương thực với sản lượng lương thực bình quân tính trên đầu người ở mức tương đối cao (đứng thứ 6 trên thế giới).

Trong hơn 20 năm qua, đặc biệt trong 10 năm thực hiện Đề án an ninh lương thực quốc gia, ngành nông Nghiệp Việt Nam đã đạt được kết quả vượt bậc. Minh chứng sinh động nhất là sản phẩm nông nghiệp dồi dào, các mặt hàng gạo, rau, củ, quả nguồn cung bao giờ cũng nhiều.

Giải bài toán trăm năm

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, nông nghiệp Việt Nam nói chung, an ninh lương thực nói riêng cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Về chủ quan, biến đổi khí hậu với những diễn biến khó lường, đôi khi vượt dự đoán của các nhà khoa học là một trong những thách thức lớn nhất cho cơ cấu an ninh lương thực. Xu thế hạn hán, bão lũ và ngập mặn ở vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua là ví dụ. Cạnh đó, yếu tố khách quan, thời gian qua, chúng ta đã chuyển đổi diện tích quá lớn đất nông nghiệp, trong đó có cả những diện tích đất thuộc diện “bờ xôi, ruộng mật” phục vụ cho phát triển đô thị và dịch vụ vui chơi giải trí dẫn đến một số hệ lụy. Đấy là chưa kể đến cơ chế chính sách về đất đai còn bất cập, dẫn đến sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ; chưa đáp ứng được đòi hỏi về tích tụ, tập trung ruộng đất, đang là "nút thắt" lớn nhất cho sản xuất hàng hóa nông nghiệp, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao của quốc tế.

Để giải bài toán nông nghiệp và an ninh lương thực cho một trăm năm sau, các chuyên gia cho rằng mấu chốt đầu tiên phải bắt đầu từ khâu dự báo. Dự báo xu thế sử dụng nguồn nước thượng nguồn sông Mê- Kong, biến đổi khí hậu tầm nhìn 10 năm, 20 năm, 50 năm để vạch ra kế hoạch trăm năm. Chính vì thế, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tại Hội nghị: Quan điểm an ninh lương thực vô cùng quan trọng, vì thế phải có cách nhìn mới về vấn đề này, phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế so sánh quốc gia, mỗi vùng, mỗi tỉnh để có quy hoạch sản xuất. Với tinh thần, chỗ nào trồng lúa và trồng bao nhiêu là vừa để bảo đảm an ninh lương thực, còn chuyển sang cây trồng vật nuôi khác có giá trị gia tăng cao hơn để đáp ứng yêu cầu người dân, bao nhiêu đất còn lại để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị hóa…

Còn nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ cho rằng, bài học lớn nhất là gắn an ninh lương thực với chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát huy thế mạnh từng vùng, không chỉ lúa gạo mà cả các sản phẩm lương thực, thực phẩm khác. An ninh lương thực phải gắn với sản xuất nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô tập trung, gắn với xuất khẩu, phát huy thuận lợi về đất đai, khí hậu như mở ra cho người dân làm cây ăn quả, dược liệu, chăn nuôi…

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ cho rằng, bài học lớn nhất là gắn an ninh lương thực với chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát huy thế mạnh từng vùng, không chỉ lúa gạo mà cả các sản phẩm lương thực, thực phẩm khác. An ninh lương thực phải gắn với sản xuất nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô tập trung, gắn với xuất khẩu, phát huy thuận lợi về đất đai, khí hậu như mở ra cho người dân làm cây ăn quả, dược liệu, chăn nuôi…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị về an ninh lương thực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Thử thách rất lớn. Nếu không xác định sự bức thiết về an ninh lương thực trong giai đoạn tới thì sai lầm trong chỉ đạo. Do đó, phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống. Muốn đảm bảo an ninh lương thực, Thủ tướng chỉ đạo, việc làm đầu tiên là phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm và tăng cường khả năng dự trữ. Không chạy theo thị trường và nêu cao tinh thần tự cường, chủ động đối với an ninh lương thực. Chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đủ ăn, điểm tựa cho sự phát triển thành vai trò mới, là một lợi thế đặc thù, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, hội nhập.

Để đảm bảo an ninh lương thực, Thủ tướng đã chỉ đạo về một số mục tiêu thời gian tới, đó là: “Đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học trong từng giai đoạn, kể cả lượng và chất, ít nhất cho quy mô 104 triệu người vào năm 2030, để chống tình trạng thấp, bé, còi của người Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 9-10%/năm, phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD. Về lúa gạo và diện tích đất lúa, Thủ tướng nêu rõ, gạo có vai trò quan trọng trong cơ cấu thực phẩm, cho nên, sẽ trình Chính phủ, Bộ Chính trị việc giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa để ít nhất có 35-38 triệu tấn lúa, tương ứng 22 triệu tấn gạo trong cân đối. Về thực phẩm, cần tăng nhanh sản lượng sữa từ 1 triệu tấn lên 3 triệu tấn đến năm 2030 vì đây là loại thực phẩm góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc giống nòi.

Chúng ta tăng nhanh sản lượng trứng, thịt đỏ, thịt gà, thủy sản, rau quả có lợi cho sức khỏe và phù hợp với cơ cấu dinh dưỡng. “Chúng ta cần đưa ra lời khuyên giảm thịt lợn trong khẩu phần và cơ cấu sản xuất”, Thủ tướng nói, cho biết sẽ chủ trì cuộc họp về vấn đề giá thịt lợn, bàn giải pháp giảm giá thịt lợn. Tăng cường liên kết hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, mỗi nhóm ngành hàng đều có tập đoàn kinh tế lớn là hạt nhân liên kết”.

Đồng tình với những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, một số chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất đối với chúng ta là không nên quá hài lòng vào những con số hiện tại mà phải lên kịch bản, đề ra phương án cốt sao giải được bài toán đường dài 30 năm, 50 năm, 100 năm tới cho nền nông nghiệp Việt Nam khi những biến đổi về khí hậu đang có những biến đổi khó lường

H.Phạm- X.H

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/an-ninh-luong-thuc-cung-giai-bai-toan-tuong-lai-105045.html