Ăn nhầm nấm độc, 3 người trong một nhà tử vong

Bốn người nhà ông Hồng (Hà Giang) ăn sáng với nấm và bị ngộ độc, chỉ riêng ông còn sống nhưng có dấu hiệu suy gan.

Sáng 28/3, gia đình ông Sùng Diêu Hồng nấu nồi canh nấm để cả nhà ăn sáng. Có 4 người ăn canh nấm gồm vợ chồng ông Hồng và vợ chồng người con cả. Bốn giờ sau, cả bốn người bị đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng và được đưa đến Bệnh viện tỉnh Hà Giang. Tại đây, các bệnh nhân được truyền dịch, lọc máu, thay huyết tương, với chẩn đoán bị ngộ độc do ăn nấm độc.

Do tình trạng ngộ độc quá nặng, lần lượt trong hai ngày (31/3 và 1/4), vợ ông Hồng cùng vợ chồng con trai không qua khỏi. Ông Hồng được chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, bệnh nhân Hồng được đưa vào viện trong tình trạng tỉnh táo, tuy nhiên các kết quả xét nghiệm cho thấy đang có dấu hiệu bị suy gan; men gan tăng gấp 32 lần so với bình thường. Hiện vẫn chưa thể đưa ra tiên lượng khả năng hồi phục của ông Hồng, bởi nấm độc thường gây ngộ độc muộn, phải đợi ít nhất ba tuần nữa mới có thể khẳng định. Bệnh nhân đang ở ngày thứ 7 sau ăn nấm.

Bên cạnh việc điều trị tích cực cho bệnh nhân, Trung tâm Chống độc cũng phối hợp với khoa Thăm dò chức năng làm thủ thuật dẫn lưu mật mũi nhằm thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài cho bệnh nhân. Đây là một thủ thuật rất mới trong điều trị thải độc được các bác sĩ ứng dụng, hy vọng góp phần cứu sống bệnh nhân.

Ông Hồng đang được các bác sĩ theo dõi sức khỏe. Ảnh: N.P.

Tiến sĩ Dũng khuyến cáo, nhiều người hiểu sai lầm trong cách nhận diện nấm độc. Ví dụ như cho gà, chó... ăn nấm trước, nếu sau 1-2 giờ không chết hoặc không bị ngộ độc thì kết luận là nấm không độc. Thật ra cách này chỉ đúng với một số loại nấm có tác dụng nhanh. Nấm gây chết người thường có tác dụng chậm, sau ăn 12-24 giờ mới có triệu chứng ngộ độc đầu tiên, còn động vật chỉ chết sau 4-5 ngày.

Một số người thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền... bạc, nếu bạc đổi màu xám đen thì xác định là nấm độc. Cách này hoàn toàn sai, theo tiến sĩ Dũng, bởi các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu.

Việc phân biệt nấm độc với nấm lành không phải dễ, kể cả với nhà chuyên môn. Tại Cao Bằng, các chuyên gia đã tìm thấy 13 loại nấm độc. Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyên người dân tuyệt đối không nên lên rừng hái nấm hoang dại ăn kể cả nấm màu trắng, nấm có đầy đủ các phần của thể quả... Chú ý không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng.

Nấm tươi không độc nên nấu ăn ngay khi mới hái, nếu để ôi hay dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Không ăn nấm đã bị thối rữa ôi thiu, kể cả với nấm lành.

Theo VnExpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tu-vong-vi-an-nham-nam-doc-500188.htm