Ăn mì tôm sống, kèm cặp nhau chạy bão

'Chạy nhanh vô, bão mạnh lắm, nhắn 64 đi nhanh kèm 23…', đó là những âm thanh trên máy Icom cộng đồng vào sáng ngày 8-11 (số 64 và 23 là phần đuôi của số các tàu cá trong nhóm). Bão số 6 với sức gió rất mạnh đuổi theo sau lưng những chiếc tàu đánh bắt xa bờ đang hộc tốc trở về đất liền.

Các tàu cá ở Quảng Nam vượt bão trở về đất liền. Ảnh: Lê Văn Chương

Các tàu cá ở Quảng Nam vượt bão trở về đất liền. Ảnh: Lê Văn Chương

Trưa ngày 7-11, vùng biển ở khu vực tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã ngả màu xám xịt. Từ bờ nhìn ra biển, nhiều tàu thuyền tăng tốc, xì khói đen kịt khi trên đường lao vào bờ. Bão số 6 với sức mạnh như con quái vật đổ bộ vào biển Đông. Đó là thời điểm rất nhiều tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung vừa tranh thủ lao ra biển đánh cá sau khi bão số 5 vừa dứt. Riêng tỉnh Quảng Ngãi có 79 tàu và 551 ngư dân ở quần đảo Hoàng Sa, 118 tàu với 2.565 ngư dân ở quần đảo Trường Sa. Ngư dân Nguyễn Văn Thành ở phường Nại Hiên Đông, TP Đà Nẵng cho biết: “Mong ngóng có bão thì có cá, hết bão thì nổ máy chạy liền, nhưng mà dính thêm bão số 6 nữa, bão chồng bão nên tàu cá phải "cắm đầu mà chạy”.

Chiếc tàu QNg 92837 TS chở 10 ngư dân ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi trở về bến vào chiều ngày 7-11 và từ đầu tiên mà các ngư dân trên tàu này nhắc đến không phải là nâng cốc bia mừng chuyến trở về, mà là “cơm nóng”. Ngư dân Lê Văn Lô chỉ vào anh em trên tàu cho biết, mấy đứa râu tóc dài vì thức 5 ngày 5 đêm, có lúc ngủ, lức chập chờn canh cho tàu trở về. Theo anh Lô thì trên đường về, tàu đã gặp gió cấp 7 cấp 8, sóng cao trên nóc ca bin tàu. Trước tình hình trên, cả tàu phải ăn mì tôm sống để cầm cự giữ sức.

Phía sau con tàu này là một gian bếp nhỏ được che chắn để bớt gió, hàng ngày ngư dân nấu cơm ăn. Nhưng gian bếp này đã nguội lạnh nhiều ngày, vì sóng quá lớn, nếu đặt nồi cơm trên bếp thì nước sóng sánh đổ ra ngoài, nấu cả buổi cũng chưa chín nồi cơm. Ăn mì tôm sống là tình thế mà các ngư dân thường phải chấp nhận vào những ngày chạy bão. Một ngư dân cười khì khì và cho biết “bụng mình trở thành nồi chế mì, ăn nhiều quá nên mặt mọc đầy mụn”. Và cơm nóng đã trở thành món đặc sản vào những lúc như thế này.

Trưa ngày 7-11, đài canh cộng đồng ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhận được thông tin 3 tàu cá đã chạy tránh bão về phía Philippines. Thông tin trên được các ngư dân ở làng chài liên tục dõi theo. Những chiếc tàu này làm nghề câu mực khơi ở quần đảo Trường Sa và đang vào phiên cuối cùng. Đối với tàu câu mực, khi gặp gió bão thì độ rủi ro cao hơn các tàu cá khác, vì trên mỗi tàu đều đội một giàn phơi mực. Khi gió quá lớn thì các ngư dân phải tổ chức chặt, hạ giàn để đỡ cản gió, giảm rung lắc tàu.

Từ ngoài khơi, ngư dân Bùi Đức Thanh, chủ tàu QNg 90594 TS thông báo với gia đình chuyện chạy qua tận Philippines và được bạn hỗ trợ cho vào cảng tránh trú bão. Tình hình sức khỏe của các ngư dân trên tàu vẫn tốt, tuy nhiên tàu sắp cạn dầu, trong khi hai bên bất đồng về ngôn ngữ. Người nhà gia đình các ngư dân đã thông qua facebook Hoàng Sa của phóng viên báo Biên phòng (sử dụng để kết nối, nhắn tin, tư vấn, nhận tin tức tức) nhờ dịch nội dung tiếng Anh để ngư dân tìm điểm mua dầu, hỏi giá cả, thỏa thuận về thủ tục chuyển tiền qua ngân hàng bằng thẻ thanh toán quốc tế visa.

Các ngư dân trên tàu cá QNg 92687 TS vui mừng khi về đến đất liền. Ảnh: Lê Văn Chương

Khi bão tố xuất hiện thì các tổ đoàn kết trên biển càng gắn bó. Trên đường hành trình 300 hải lý vào đất liền, thuyền trưởng Võ Lai Em ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi liên tục gọi các tàu cá hành trình bên cạnh. Vượt quãng đường xa thăm thẳm trở về đất liền, 10 tàu cá trong nhóm của ngư dân này quyết định chia thành 3 tốp, tốp đầu tiên gồm 5 chiếc do tàu QNg 92687 TS dẫn đầu, mỗi tàu cách nhau vài hải lý; tốp thứ 2 đi 3 chiếc. Còn tốp thứ 3 có 2 chiếc mới xuất hành ra biển nên đã quyết định ở lại, nhưng di chuyển 150 hải lý ra khỏi vùng bão và trụ lại để đánh cá sau bão.

Sáng ngày 8-11, trên máy Icom cộng đồng ở các làng chài “sôi” lên thông tin từ các tàu cá đang trên đường trở về. Những âm thanh hỏi tọa độ tàu chạy, hỏi tình hình máy móc, mức nhiên liệu, cấp độ sóng gió. Ngư dân Võ Lai Em cho biết, “có tàu vẫn trụ lại và đi tránh bão, vì chi phí cho chuyến đi là 150 triệu, ra biển chưa đánh được cá thì khó có thể quay đầu về, nghề biển cũng cực vậy”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/an-mi-tom-song-kem-cap-nhau-chay-bao/