Án mạng trên tàu tốc hành Phương Đông: Quá nhiều… ria mép

Một câu chuyện kinh điển của một tác giả nổi tiếng. Một dàn diễn viên ngôi sao từ chính tới phụ. Nếu bộ phim thực sự là phép toán, thì nó sẽ trở thành kiệt tác. Nhưng đáng tiếc là không phải.

Về cơ bản, bộ phim mang phong cách trầm tư của một người đàn ông từng trải ở độ tuổi 50, đôi khi pha chút dí dỏm tinh tế. Án mạng trên tàu tốc hành Phương Đông 2017 là phiên bản mới của một cuốn tiểu thuyết trinh thám khéo léo nhất của Agatha Christie, một vụ giết người thảm khốc trên một con tàu bị mắc kẹt trong tuyết giá lạnh lẽo. Với phong cách như vậy, đáng ra phim sẽ là sự kết hợp hài hòa giữa sự gay cấn của thể loại hình sự điều tra phá án cùng những suy ngẫm thấu đáo về bản chất con người, góc tối trong họ, sự phẫn nộ, những nỗi đau và cả sự lựa chọn.

Đáng tiếc, Án mạng trên tàu tốc hành Phương Đông của đạo diễn (kiêm diễn viên chính) Kenneth Branagh lại chỉ như sự kết hợp giữa James Bond và Sherlock Holmes, sân khấu một màu và thiếu đi cái tinh tế của ngòi bút Agatha Christie.

Vẫn biết rằng hầu như màn ảnh thường thiếu mất sự tưởng tượng huyền bí của một tác phẩm văn học. Nhưng điều “cản trở” khán giả thưởng thức phim nhất đến từ nhân vật chính của phim - thám tử Hercule Poirot, người có cái tên Pháp của vị thần sức mạnh Hercules, một sự bông đùa ý nhị của tác giả Agatha Christie. Đây là sự cẩu thả khó lòng bao dung.

Hercule Poirot cũng tự nhận là chẳng mang nét gì của vị thần nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp. Hercules là vị thần sức mạnh, Hercule chỉ là một người đàn ông nhỏ nhắn chỉ cao 1m62, cái đầu có hình dạng chính xác là một quả trứng với bộ ria tỉa tót gấp đôi bình thường. Ấn tượng đến độ nhân vật Arthur Hastings đã mô tả người bạn Hercule của mình rằng: Ngay cả khi mọi thứ trên khuôn mặt của ông ấy đều bị che phủ, thì cũng chẳng thể giấu nổi bộ ria mép và cái mũi màu hồng. Ông ấy còn là một kẻ “đáng ghét, phiền phức, khoa trương, lúc nào cũng xem mình là nhân vật trung tâm”, theo như chính tác giả Agatha Christie từng phàn nàn về gã đàn ông suốt ngày quẩn quanh trong đầu mình này.

Khi xuất hiện trong Án mạng trên tàu tốc hành Phương Đông, Poirot của Branagh vẫn giữ ria mép, dù rằng tỉa tốt hơi quá đến sáu lần, nhưng lại càng giống một ngôi sao điện ảnh Kenneth Branagh hơn là Hercule Poirot. Poirot có vài điểm tương tự Holmes như là một tay thám tử lập dị, có thói quen “truy tận chân tơ kẽ tóc” người khác chỉ với vài dấu hiệu ít người chịu dành thời gian phân tích nó. Tuy nhiên, khác với Holmes, người có cái đầu tỉnh táo, hầu như chỉ nhìn thấy vụ án và các nhân vật chuyển động, Poirot lại thích đào sâu vào bản chất con người, thích vặn hỏi người khác những thứ dường như chẳng liên quan để rồi phơi bày nội tâm của họ.

Thế nhưng, Án mạng trên tàu tốc hành Phương Đông 2017 dường như chỉ là sân khấu của Poirot. Người ta không nhìn thấy câu chuyện của các nhân vật phụ. Điều gì thúc đẩy họ sẵn sàng trở thành kẻ ác? Nỗi sợ hãi của họ là gì? Nỗi đau của họ là gì? Điều gì nhảy nhót trong cái đầu của họ để dẫn đến hành động như vậy?

Đúng là Poirot trong Án mạng trên tàu tốc hành Phương Đông 1974 cũng không tránh phải sai lầm này. Nhưng đó không thể là cái cớ để bao dung cho màn đạo diễn có phần khó chịu Branagh.

Tuy nhiên, bộ phim vẫn có được một vài ngụ ý đáng chú ý.

Điều đầu tiên có thể kể đến là làn khói đỏ bốc lên từ con tàu tốc hành trên tấm poster. Màu đỏ tượng trưng cho máu, chết chóc, sự phẫn nộ và cả tình yêu. Tất cả có trong bộ phim. Một gã khát khao sự giàu có của tầng lớp thượng lưu đã có hành vi rẻ mạt nhất và phải trả giá bằng sự phẫn nộ của người khác khi phải chịu nỗi đau mà gã gây ra.

Khói bốc lên cũng là biểu tượng cơ bản của nước bốc hơi. Nước là sự tự phản chiếu (như anh chàng Narcissus trong thần thoại Hy Lạp). Bốc hơi là giai đoạn kế tiếp mà ở đó, ranh giới giữa sự tự phản chiếu và phản ánh “người khác” trở nên mờ nhạt, đôi khi trao đổi liên tục. Tuyết rơi là sự định hình và băng giá là sự hồi quy.

Trong Án mạng trên tàu tốc hành Phương Đông, “nạn nhân” hầu như đều mặc đồ nâu, biểu tượng cho sự vấy bẩn, chất liệu da cho thấy bản chất con thú khát khao săn mồi theo cách thức đẫm máu. Anh trợ lý cũng mặc đồ nâu, nhưng có pha chất xám, cho thấy anh ta cũng bị vấy bẩn nhưng lại kèm theo sự hối lỗi và đang cố gắng sửa sai. Khi bạn nhìn thấy một ai đó mặc đồ nâu, bạn biết hoặc người đó chuẩn bị thực hiện một hành vi tội ác hoặc đã thực hiện hành vi ấy mà chưa bị trả giá. Khi một nhân vật mặc màu tím, họ đang cất giấu nỗi đau. Màu xanh lam là mất mát và màu đen là sự chết chóc.

Đối lập với dơ bẩn là sự chỉn chu cầu kỳ của Hercule Poirot. Đối với ông, mỗi vết bẩn còn tồi tệ hơn cả vết dao đâm. Chi tiết này không được khắc sâu trong phim, nhưng sự chỉn chu từ cái đầu đến bộ ria tỉa tốt cho thấy ông đang trong giai đoạn bình tĩnh nhất, suy nghĩ với cái đầu “lạnh” nhất và tỉnh táo nhất. Khi một thứ gì đó trên con người ông lộn xộn, ấy là lúc ông cảm thấy “quá tải”, mất thăng bằng và phương hướng.

Bù lại, đôi mắt sâu luôn xanh mãnh liệt, là sự kết hợp của cả trí tuệ và khổ đau. Nhưng đôi mắt ấy còn kèm theo cả vết sẹo, cho thấy vết thương không ai nhìn thấy, nhưng giúp cho vị thám tử tài ba nhìn thấy tất cả tình đời, tình người. Ngược lại, mắt của “nạn nhân” cũng có vết sẹo, nhưng nó vừa biểu thị tội lỗi của gã, lại vừa khiến gã trở nên dung tục tầm thường. Một linh hồn trở nên khô cạn, một linh hồn đầy tội lỗi.

Hay như bộ ria của vị thám tử và “nạn nhân” vừa tương đồng lại khác biệt lạ kỳ. Bộ ria của Poirot được chăm sóc cẩn thận cho thấy sự thèm khát của con người được kiềm chế bằng sự tỉnh táo và lý trí. Ngược lại, bộ ria của “nạn nhân” chỉ như đang cố che giấu điều gì đó, một sự thèm khát mãnh liệt vượt qua phần người chẳng hạn.

Án mạng trên tàu tốc hành Phương Đông 2017 không phải là một bộ phim tồi tệ, chỉ đơn giản là hào quang quá tập trung vào một nhân vật, trong khi cái tài tình của ngòi bút trinh thám Agatha Christie là bóc dần từng lớp bí ẩn trong nội tâm con người, từ đó từ từ để lộ bản chất tội lỗi và tự mỗi người đọc sẽ có phán quyết cho riêng mình. Kết quả là, bộ phim trở thành một thứ bỏng ngô nhẹ nhàng tráng vị, thay vì một món bánh đậm đà như chính sự cầu kỳ của Poirot.

Du Du

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/an-mang-tren-tau-toc-hanh-phuong-dong-qua-nhieu-ria-mep-79240.html