Án mạng chết 3 người ở Tiền Giang vì ghen ( Bài 2): Các chuyên gia tội phạm học 'giải mã' tâm lý kẻ thủ ác vì tình

Không ít người vì ghen tình mà có những hành vi sai trái, thậm chí gây ra tội ác kinh hoàng. Các chuyên gia tâm lý tội phạm đã lý giải vì sao kẻ ghen tình có thể xuống tay với người yêu, người thân của họ?

Các chuyên gia tội phạm học đưa ra những phân tích về hình thái tâm lý của loại tội phạm cuồng sát vì tình.

Ngày 13.8, dư luận rúng động vụ án mạng chết 3 người trong cùng một gia đình ở Tiền Giang. Nghi phạm xuống tay giết vợ, mẹ vợ và con riêng của vợ chỉ vì nghi vợ có người tình nên ruồng rẫy mình.

Nhiều người thắc mắc, tại sao kẻ ghen tình có thể xuống tay tàn nhẫn với người yêu, người thân trong gia đình họ? Các chuyên gia tội phạm học đã chỉ ra những yếu tố thúc đẩy thủ phạm đi đến hành vi tước đoạt sinh mạng người khác.

Ghen quá hóa điên

Dưới góc độ tâm lý tội phạm, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) phân tích, con người có 3 cái ghen: Ghen tình, ghen tiền và ghen tài. Trong đó, ghen tình là thứ chạm đến bản năng của con người nhiều nhất, bởi nó là sự độc quyền tuyệt đối trong tâm tưởng.

Người ghen tình cảm thấy bị đổ vỡ, hụt hẫng, thậm chí bị sỉ nhục, phản bội, cảm thấy mất đi một thứ gì đó đã hy vọng, nuôi nấng. Cho nên khi ghen sẽ thúc đẩy tư duy, tình cảm, hành động của người đó rất dữ dội. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra những vụ thảm sát vì ghen tuông.

Chia sẻ với PV Lao Động, chuyên gia phân tích tâm lý tội phạm (Bộ Công an) - trung tá Đào Trung Hiếu đã lý giải về “bước trượt tâm lý” của thủ phạm thảm sát vì tình.

Ông nói: Người xưa có câu “Ái tình điền thổ, vạn cổ chi thù”, cho nên động cơ gây án của thủ phạm được hình thành bởi sự bức xúc tâm lý cao độ, do lòng ghen tuông , đố kỵ, mong muốn độc tôn chiếm hữu tạo nên.

Chính trạng thái tâm lý tiêu cực đến đỉnh điểm như vậy đã biến thành lòng thù hận giày vò hung thủ. Để giải tỏa khỏi trạng thái tâm lý này, với một người có bản tính nóng nảy, nhận thức pháp luật hạn chế hoặc lệch lạc về nhân cách..., họ dễ lựa chọn cách hành xử bạo liệt. Đó là dùng vũ lực tấn công trực tiếp vào nguồn gây ra bức xúc - là người tình của mình.

Đâm lao phải theo lao

Về việc hung thủ giết nhiều người, cho dù những người đó không phải nguồn cơn gây bức xúc tâm lý, trung tá Hiếu luận giải: Hung thủ thừa biết hành vi của mình là trái pháp luật, và sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý là hình phạt, thậm chí ở mức cao nhất là tử hình, nên khi quyết định gây án, họ thường có suy nghĩ sẵn sàng chấp nhận hậu quả.

Điều này đi ra từ trạng thái tâm lý tuyệt vọng cao độ. Và rồi khi bàn tay đã nhúng chàm, mà cơn bức xúc chưa giải tỏa hết, họ sẵn sàng nhằm vào những người thân của nạn nhân để trút giận.

Bên cạnh đó, có những hung thủ sau khi đã sát hại nạn nhân, đứng trước nguy cơ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật thì bản năng tự vệ trỗi dậy, biến thành hành động xóa dấu vết, thủ tiêu chứng cứ, để che giấu tội phạm.

Điều này chính là căn nguyên sâu xa dẫn đến hành động giết thêm những người khác chứng kiến việc hung thủ giết nạn nhân, với động cơ “giết người diệt khẩu”, để hành vi phạm tội không bị tố giác.

Giết cả những người không liên quan còn là kết quả của “bước trượt tâm lý” khá phổ biến. Đó là hiện tượng “lỡ làm việc này thì phải làm tiếp việc kia”. Đây là diễn biến tâm lý thường thấy ở các thủ phạm gây trọng án.

Các hung thủ “tên tuổi” như Vi Văn Hai, Nguyễn Hải Dương, Lê Văn Luyện, Tẩn Láo Lở, Nguyễn Văn Hùng... đều có chung nét tâm lý này khi chúng ra tay hạ sát cả gia đình nạn nhân.

Chuyên đề sẽ được tiếp tục ở bài sau.

Thảo Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/cac-chuyen-gia-toi-pham-hoc-giai-ma-tam-ly-ke-thu-ac-vi-tinh-625468.ldo