'Án mạng Bạch Tuyết' và câu chuyện nạn nhân của tin đồn trên mạng

Tác phẩm của Minato Kanae cho thấy rõ tác động của mạng xã hội. Một khi câu chuyện được đưa lên bàn tán trên mạng, không ai đảm bảo được tính xác thực của thông tin.

Án mạng Bạch Tuyết của Minato Kanae là cuốn tiểu thuyết trinh thám tâm lý xuất sắc, vạch trần sự thiếu nhận thức của đám đông dẫn đến những bi kịch trong cuộc sống.

Lấy cái tên mỹ miều về nàng công chúa xinh đẹp để đặt cho một vụ án, cư dân mạng không ngờ được rằng phù thủy đã yểm phép thuật hiểm độc đến cỡ nào.

Vụ án mạng qua lời kể của nhiều người

Mở đầu vụ án mạng Bạch Tuyết, thi thể nữ nhân viên xinh đẹp Miki Noriko được phát hiện trong tình trạng cháy đen tại khu công viên Shiguretani, trên người có nhiều vết đâm bằng vật nhọn.

Noriko làm việc tại công ty mỹ phẩm nổi tiếng với loại xà bông tên là Bạch Tuyết, thứ được quảng cáo sẽ khiến người sử dụng có làn da trắng như tuyết.

 Cuốn tiểu thuyết Án mạng Bạch Tuyết của Minato Kanae. Ảnh: Wings Books.

Cuốn tiểu thuyết Án mạng Bạch Tuyết của Minato Kanae. Ảnh: Wings Books.

Bản thân Noriko có nhan sắc hơn người, được các đồng nghiệp nam trong công ty ngưỡng mộ, còn các đồng nghiệp nữ lại ghen ghét. Vậy nên khi xảy ra sự việc, tất thảy đều gọi đó là vụ án mạng Bạch Tuyết.

Bởi không chỉ Noriko xinh đẹp như nàng Bạch Tuyết, mà nghi phạm của vụ án, người được cho là mụ phù thủy độc ác, lại chính là một trong những đồng nghiệp vào làm cùng cô, có tên cũng gần giống cô, Shirono Miki.

Kể từ đêm cuối cùng người ta nhìn thấy Noriko trước khi bị sát hại, Shirono Miki cũng mất tích không một dấu vết. Khi biết lý do nghỉ phép của Shirono là nói dối, mọi người trong công ty bắt đầu nghi ngờ rằng cô chính là hung thủ. Bắt đầu từ một bài đăng trên mạng xã hội, mọi thứ lan truyền nhanh đến chóng mặt, nguồn thông tin ác ý tràn khắp mọi nơi.

Phóng viên tự do Akahoshi bắt đầu lần theo những manh mối, từ các đồng nghiệp của Shirono, cho đến bạn đại học, bạn cấp một, người dân trong vùng quê mà Shirono lớn lên, đến cả cha mẹ của cô, để đi tìm những thông tin đắt giá.

Càng tìm hiểu, anh càng khám phá được nhiều điều thú vị về người phụ nữ này qua những lời kể. Nhưng anh không ngờ đến việc mình bị dẫn dắt đến một điểm đích mà không ai biết trước hậu quả sẽ diễn ra như thế nào.

Quyền lực trong tay "anh hùng bàn phím"

Án mạng Bạch Tuyết là tác phẩm cho thấy rõ tác động của mạng xã hội. Một khi câu chuyện được đưa lên bàn tán trên mạng, không ai đảm bảo được tính xác thực của thông tin. Ai cũng nghe một phần câu chuyện từ... ai đó, và qua những lời đồn thổi, sự việc mỗi ngày một đi xa.

Ở cuối tác phẩm, Minato Kanae đã dành một phần dung lượng cuốn sách để mô phỏng lại những cuộc hội thoại trên mạng, nơi mỗi người mang suy đoán cá nhân cùng những nguồn tin nghe ngóng để bàn tán về vụ án.

Cuốn sách có cách kể chuyện độc đáo, khi toàn bộ đều là lời kể của các nhân chứng và lời thú tội của người trong cuộc. Phóng viên Akahoshi không hề có lời thoại nào, cũng như những dòng miêu tả tâm trạng và suy nghĩ. Thông qua cách giao tiếp với mỗi người được phỏng vấn, độc giả có thể nhận ra Akahoshi được nhà văn Minato Kanae xây dựng là người như thế nào.

"Con người ta chỉ nhìn thấy những thứ ở cách mắt mình 5 cm thôi!". Bản chất nông cạn của con người được thể hiện rõ trong tác phẩm này. Họ chỉ nhìn thấy những gì ở ngay trước mắt, và lập tức cho rằng điều mình nhìn thấy, nghe thấy là sự thật.

Được thể hiện dưới hình thức một tác phẩm trinh thám, Án mạng Bạch Tuyết lên án mạnh mẽ sự thiếu nhận thức của con người dẫn đến những quy chụp ác ý. Có lẽ, quả táo độc mà nàng Bạch Tuyết thực sự ăn phải chính là sự ghen ghét của người đời với nhan sắc xinh đẹp của nàng.

Tác giả Minato Kanae đã khéo léo dẫn dắt người đọc đi qua hết những lời khai thật giả lẫn lộn, để chính người đọc cũng nghi ngờ suy đoán của mình.

Sự thật của câu chuyện chỉ đến với người kiên nhẫn theo dõi đến cuối của cuốn sách và rồi vỡ òa trong sự ngạc nhiên lẫn khâm phục lối viết của tác giả.

Án mạng Bạch Tuyết lên án sự thiếu nhận thức của con người trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển như ngày nay. Ảnh: Cinemaplus.

Án mạng Bạch Tuyết được xuất bản tại Nhật và chuyển thể thành phim điện ảnh năm 2014. Những thông điệp mà Minato Kanae muốn gửi gắm vẫn còn nguyên giá trị.

Trước khi phán xét một ai đó, mỗi người trong chúng ta hãy tìm hiểu thật kỹ sự việc từ nhiều góc nhìn khác nhau. Đừng để truyền thông dắt mũi mà vội vàng đưa ra những điều không đúng về người khác.

Minato Kanae là nhà văn Nhật Bản chuyên viết truyện trinh thám, được yêu thích tại Việt Nam.

Một số tác phẩm của bà đã được dịch sang tiếng Việt như Thú tội, Chuộc tội, Vòng đu quay đêm, Tất cả vì N, Án mạng Bạch Tuyết

Bà nổi tiếng với lối kể chuyện độc đáo, cốt truyện bất ngờ mang đến cảm giác bức bối về những vấn đề nổi cộm trong xã hội.

Thiên Ái

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-mang-bach-tuyet-va-cau-chuyen-nan-nhan-cua-tin-don-tren-mang-post1195250.html