Người sáng lập IKEA qua đời: 91 năm cuộc đời và đế chế 7 thập kỷ

Ingvar Kamprad qua đời vào tuổi 91, để lại di sản là tập đoàn IKEA, 7 thập kỷ làm thay đổi khái niệm của thế giới về nội thất và cả những năm tuổi trẻ tham gia phong trào phát xít.

New York Times đưa tin Ingvar Kamprad, doanh nhân người Thụy Điển và là người sáng lập đế chế nội thất IKEA, đã qua đời hôm 27/1 tại nhà của ông ở Smaland, Thụy Điển. Từ cửa hàng bán đồ gia dụng ra đời ở một miền quê Thụy Điển, sau 7 thập kỷ, IKEA đã trở thành đế chế bán lẻ có ảnh hưởng sâu sắc đến cách người tiêu dùng lựa chọn đồ gia dụng, cách họ mua sắm tại cửa hàng. Ảnh: Stol.it.

New York Times đưa tin Ingvar Kamprad, doanh nhân người Thụy Điển và là người sáng lập đế chế nội thất IKEA, đã qua đời hôm 27/1 tại nhà của ông ở Smaland, Thụy Điển. Từ cửa hàng bán đồ gia dụng ra đời ở một miền quê Thụy Điển, sau 7 thập kỷ, IKEA đã trở thành đế chế bán lẻ có ảnh hưởng sâu sắc đến cách người tiêu dùng lựa chọn đồ gia dụng, cách họ mua sắm tại cửa hàng. Ảnh: Stol.it.

Ingvar Kamprad sinh năm 1926 tại Smaland, một tỉnh ở miền Nam Thụy Điển. Thuở nhỏ, Kamprad là cậu bé mắc chứng chậm đọc hiểu, thường giúp cha mẹ cho bò ăn và chật vật trong việc học ở trường. Gia đình nghèo, Kamprad tự kiếm tiền bằng cách bán diêm và bút chì trong làng. Năm 17 tuổi, Kamprad thành lập doanh nghiệp chuyên bán đồ gia dụng qua đường bưu chính. Doanh nghiệp mới được gọi là IKEA, ghép lại từ 2 chữ đầu trong tên của Kamprad cùng trang trại nhà ông, Elmtaryd và ngôi làng của ông, Agunnaryd. Trong ảnh, Kamprad ngày còn trẻ cùng cha ông. Ảnh: Express.

Trong 7 thập niên sau đó, Kamprad đã xây dựng IKEA trở thành một trong những nhà bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới với hơn 350 cửa hàng tại 29 quốc gia, trải rộng khắp châu Âu tới vùng Caribbean, từ Trung Đông đến châu Á. Doanh thu của hãng trong năm 2017 là 38,3 tỷ euro (47,6 tỷ USD), hơn 930 triệu lượt người đến các cửa hàng, 210 triệu người nhận các catalog bằng 32 ngôn ngữ. Ảnh: AFP.

Chỉ số Tỷ phú Bloomberg xếp Kamprad là người giàu thứ 8 thế giới với tài sản khoảng 58,7 tỷ USD. Mặt khác, tham vọng cũng đẩy Kamprad vào con đường nghiện rượu, những năm tuổi trẻ say mê chủ nghĩa phát xít. Ông cũng cố hướng nhân viên sống thanh đạm như các tu sĩ. Ảnh: AFP.

Kampard sống tằn tiện và cần cù suốt đời và những tính cách đó thể hiện trong thành công của IKEA với lối thiết kế tối giản. Ông sống ở Thụy Sĩ để tránh mức thuế suất cao tại Thụy Điển, lái chiếc xe Volvo cũ, bay bằng hạng tiết kiệm, ở các khách sạn và ăn những bữa cơm giá rẻ. Ông khăng khăng rằng mình không có tài sản gì và IKEA thuộc sở hữu của một quỹ tín thác từ thiện. Ảnh: AFP.

Dù vậy, không phải mọi điều ông khăng khăng đều đúng. Các nhà báo phát hiện căn nhà ông ở là một biệt thự nhìn ra hồ Genera, ông có bất động sản ở Thụy Điển và vườn nho tại Pháp. Ngoài chiếc Volvo cũ, ông còn lái cả xe Posche. Những chuyến bay giá rẻ và khách sạn hạng thường ông dùng để "làm gương" cho nhân viên, đặc biệt công việc ở IKEA được xem là một "cam kết trọn đời". Ảnh: IKEA.

Kampard cho rằng thành tựu của IKEA đều là nhờ sự tiết kiệm: họ xây dựng cửa hàng trên những mảnh đất ngoại ô không đắt đỏ, mua vật liệu giảm giá, tối thiểu hóa nhân viên và để khách hàng thỏa thích mua sắm. Họ không sơn vẽ gì lên những mặt không nhìn thấy được của món nội thất, gói sản phẩm trong những loại hộp phẳng để khách hàng có thể tự tháo mở. Trong ảnh, sofa của IKEA được trưng bày tại ga tàu điện ở Paris. Ảnh: AFP.

Kampard muốn triết lý của ông được đội ngũ nhân viên "thấm nhuần". Vào năm 1976, ông viết bài viết tên là Thánh kinh của Người bán Nội thất, một mệnh lệnh được viết như kinh thánh mô tả sự đơn giản là một đức hạnh trong khi lãng phí là tội ác. Các nhân viên được kỳ vọng sẽ khiêm tốn, sạch sẽ và nhã nhặn, không chỉ hiểu biết về các sản phẩm của hãng mà còn tin tưởng vào triết lý của hãng, áp dụng chúng vào cuộc sống và công việc. Ảnh: AFP.

IKEA được vận hành thông qua một quỹ tín thác từ thiện ở Hà Lan và một chuỗi phức tạp các công ty, tất cả đều do gia đình Kamprad kiểm soát để tránh nguy cơ IKEA bị công chúng kiểm soát hoặc sụp đổ. Nó cũng giúp né thuế và tạo ra một kết cấu cho công ty để tránh bị hỗn loạn sau khi Kamprad qua đời. Ảnh: AFP.

Dù thường sống ở nơi ẩn dật, ông vẫn chăm chỉ lui tới các cửa hiệu IKEA trên toàn thế giới, đôi khi giấu tên và hỏi chuyện các nhân viên như thể ông là một khách hàng, và hỏi chuyện khách hàng như thể ông là nhân viên. Trong ảnh, diễn viên Kinh Kịch trong ngày khai trường cửa hàng IKEA ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

"IKEA đã thay đổi cách chúng ta nghĩ về nội thất", Washington Post viết sau khi ông qua đời. Khách hàng của IKEA mua sắm bằng những cuốn catalog và đi trong những cửa hàng trông như kho xưởng, họ tự lắp ráp món đồ mình mua. Đồ đạc của IKEA đơn giản, thực dụng với những đường nét gọn gàng. Họ mang thẩm mỹ của vùng Scandinavia đến mọi ngôi nhà. "Không nhiều người có thể nói rằng họ đã thật sự cách mạng hóa ngành bán lẻ", Washington Post dẫn lời Neil Saunders, giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu thị trường GlobalData Retail. "Ingvar Kamprad đã làm thế". Trong ảnh, cuốn catalog đầu tiên của IKEA, phát hành năm 1951. Ảnh: AFP.

IKEA cũng là nhà tiên phong trong việc thay đổi cách bày trí đồ đạc trong cửa hàng. Trước đây, các cửa hàng thường xếp tất cả sofa thành hàng trong một khu, và tất cả giường trong một khu khác. IKEA sắp xếp đồ đạc theo những căn phòng để người mua sắm có thể xem mọi vật đặt cạnh nhau trông ra sao. "Họ mang lại một trải nghiệm, sự bày biện, ý tưởng trang trí", Saunder nói. Tất nhiên, không phải lúc nào khách hàng cũng có một trải nghiệm tốt. Nhiều lúc các cặp đôi đã cãi nhau khi đi IKEA. Trong ảnh, một nữ diễn viên đứng trước tấm bảng quảng cáo đồ dùng trong nhà tắm của IKEA tại một quảng trường ở Paris. Ảnh: AFP.

Năm 1994, tờ Expressen (Thụy Điển) phát hiện tên của Kamprad trong tài liệu của Per Engdahl, một nhà phát xít Thụy Điển mới qua đời gần đây. Các tài liệu cho thấy Kamprad từng gia nhập phong trào phát xít của ông Engdahl vào năm 1942, tham dự các cuộc họp, gây quỹ và chiêu mộ thành viên. Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc vào năm 1945, ông vẫn thân thiết với nhà lãnh đạo phát xít. Trong lá thứ gửi cho Engdahl vào năm 1950, Kamprad nói rằng ông tự hào về phong trào. Ảnh: AFP.

Nhà sáng lập IKEA đã phản ứng lại thông tin này một cách khiêm nhường. Trong thông điệp gửi đến nhân viên, ông nói các hoạt động phát xít là "một phần trong cuộc đời mà tôi hối hận một cách cay đắng", "lỗi lầm ngu xuẩn nhất đời tôi". Ảnh: AFP.

Phương Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-sang-lap-ikea-qua-doi-91-nam-cuoc-doi-va-de-che-7-thap-ky-post815806.html