Ðàn lợn của cả nước đạt 24 triệu con

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết, trong tháng 2-2020, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) chỉ phát sinh thêm tại hai xã thuộc hai tỉnh Hòa Bình và Quảng Bình với số lợn buộc phải tiêu hủy là 7.435 con. Nhờ dịch suy giảm, việc tái đàn lợn đang được các tỉnh, thành phố đẩy mạnh.

Ðến nay, cả nước có 11 địa phương có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có DTLCP; 21 tỉnh, thành phố có tổng đàn đạt hơn 80%; 21 địa phương có tổng đàn đạt hơn 50%. Tính đến đầu tháng 3, tổng đàn lợn của cả nước đạt 24 triệu con, bằng khoảng 77% so với tổng đàn lợn trước khi có DTLCP (31 triệu con vào tháng 12-2018).

Theo Bộ NN và PTNT, nguy cơ DTLCP xảy ra vẫn còn cao, do bệnh chưa có thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh; vi-rút tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền bệnh rất đa dạng, phức tạp và khó kiểm soát; chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, mật độ cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, đồng thời, thời tiết thay đổi bất lợi, gia tăng vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ lợn vào đầu năm 2020.

Ðể triển khai hiệu quả việc phòng, chống DTLCP, Bộ NN và PTNT đề nghị thời gian tới, các cơ quan chức năng và địa phương tránh chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan; tổ chức nghiên cứu các giải pháp tổng thể phòng, chống dịch bệnh; hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế và các nước để phòng, chống bệnh DTLCP và nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng bệnh; hướng dẫn, giám sát việc nuôi tái đàn lợn theo nguyên tắc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, sát trùng và các biện pháp an toàn sinh học dưới sự giám sát của chính quyền cơ sở và các cơ quan chuyên môn; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn để cung cấp các sản phẩm thịt lợn cho thị trường và bình ổn giá. Ðồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi các loại gia súc khác, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm các nguyên tắc an toàn sinh học, cân bằng cung cầu và bảo đảm an sinh xã hội.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, trong nửa tháng tới, tại khu vực Tây Bắc, tổng lượng mưa phổ biến từ 30 đến 60 mm; lượng dòng chảy trên hồ Hòa Bình có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) 18%. Khu vực Tây Bắc, mưa phổ biến 50 đến 80 mm; dòng chảy trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng thấp hơn TBNN 53%, sông Lô tại Tuyên Quang thấp hơn TBNN 86%. Khu vực Ðông Bắc, lượng mưa từ 40 đến 70 mm, dòng chảy trên sông Cầu tại Gia Bảy lớn hơn TBNN là 34%, trên sông Lục Nam tại Chũ nhỏ hơn mức TBNN là 25%. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, lượng mưa từ 30 đến 60 mm; lượng dòng chảy trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng cao hơn TBNN 6%.

* Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền trung - Tây Nguyên, chất lượng nước tại công trình thủy lợi An Trạch phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2020 cho tỉnh Quảng Nam và TP Ðà Nẵng ngày 6-3 cho thấy độ mặn tại trạm bơm Miếu Ông, Túy Loan, Tứ Câu dao động từ 0,1‰ đến 0,7‰, thấp hơn giới hạn cho phép (dưới 1‰), nên có thể lấy nước để phục vụ tưới lúa.

* Diện tích sản xuất muối của tỉnh Bạc Liêu vụ mùa 2019 - 2020 là 1.548 ha, giảm hơn 100 ha so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 33.183 tấn. Do thời tiết thuận lợi nên năng suất tăng cao; nhưng hiện giá muối đang giảm 300 đồng/kg so với tuần trước. Giá muối đen dao động từ 600 đến 900 đồng/kg, muối trắng từ 900 đến 1.500 đồng/kg...

* Vụ đông xuân năm nay, huyện Mường Ảng (Ðiện Biên) gieo cấy 1.065 ha, đạt gần 100% kế hoạch giao. Do ảnh hưởng của thời tiết, hiện địa phương có hơn 60 ha lúa đông xuân đang bị khô hạn. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân chủ động các phương tiện sẵn có để hút nước từ kênh, mương, sông, suối nhằm khắc phục tạm thời diện tích lúa bị khô hạn...

* Hiện, tỉnh Ðồng Tháp có 833 công trình kênh trục, kênh cấp hai chiều dài khoảng 4.000 km, diện tích phục vụ khoảng 485.200 ha; có khoảng 2.200 cống các loại và hơn 1.200 trạm bơm điện. Tuy nhiên, nhiều khu vực tại huyện Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười... vào cao điểm vẫn nguy cơ thiếu nước cho sản xuất.

* Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã chọn tạo thành công bảy giống keo lai mới, gồm BB055, BV350, BV376, BV434, BV523, BV584. Các giống keo này đều cho năng suất gỗ cao (bình quân 25 đến 30 tấn/ha/năm). Cây sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh, chiều cao cây tối đa có thể đạt 15 m...

* Từ nguồn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, tỉnh Kon Tum chi trả cho nhiều đơn vị tại địa phương. Trong đó, huyện Ðăk Glei chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện khoán hơn 2.300 ha (100% diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng) cho 60 cộng đồng dân cư thôn và thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng cho các cộng đồng hơn 1,3 tỷ đồng.

* Năm nay, tỉnh Trà Vinh dành 17,3 tỷ đồng hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ tại địa bàn. Theo đó, hơn 7.000 hộ được tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí phối giống nhân tạo cho khoảng 16 nghìn con bò cái; hỗ trợ 50% kinh phí mua 35 con lợn giống cho 15 hộ; hỗ trợ 50% kinh phí mua 34 con bò đực giống cho 34 hộ, mức hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/con...

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43623102-%C3%B0an-lon-cua-ca-nuoc-dat-24-trieu-con.html