Án lớn, án tham nhũng: Vẫn khó thi hành vụ 'bầu' Kiên, Huyền Như

Một loạt đại án tham nhũng, kinh tế lớn như Vinashin, Vinaline, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là Bầu Kiên)… thi hành án (THA) nhiều năm nhưng đến nay kết quả chuyển biến rất chậm…

Quyền Tổng cục Trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi (trái) và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng (phải) chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội

Sáng ngày 20/4, Tổng cục THA Dân sự (THADS), Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị THADS, THA hành chính 6 tháng đầu năm 2018.

THA về tiền thấp, giảm gần 5 nghìn tỷ

Theo báo cáo tại hội nghị, 6 tháng đầu năm 2018 (từ 1/10/2017 đến hết ngày 31/3/2018), các cơ quan THA đã thu lý 635.198 việc và tổng số tiền gần 163.000 tỷ đồng. Trong đó có 459.511 việc và gần 66.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành.

Đến nay, cơ quan THA đã thi hành xong 241.770 việc (đạt tỷ lệ 52,61%) và gần 12.073 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 13,05%).

Tuy nhiên, kết quả THADS về tiền đạt tỷ lệ thấp và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2017, giảm gần 5.000 tỷ đồng, tương dứng với 28,6%.

Qua thống kê có 21 địa phương có tỷ lệ thi hành xong về tiền thấp hơn so với bình quân chung của toàn quốc, trong đó có 11 địa phương có kết quả đạt dưới 10% như Phú Yên (1,78%), Hải Phòng (5,93%), Hà Nam (6,81%), Hà Nội (8,42%)…

Tình trạng vi phạm, sai sót của chấp hành viên, công chức THA trong thực hiện trình tự, thủ tục THA, đặc biệt trong các khâu như chậm xác minh hoặc xác minh không đầy đủ điều kiện THA; chậm tổ chức THA… vẫn diễn ra.

6 tháng đầu năm đã phát sinh 4 vụ việc với tổng số tiền yêu cầu bồi thường trên 3 tỷ đồng. Một số địa phương phát sinh nhiều đơn yêu cầu bồi thường như Tây Ninh (7 vụ việc, với số tiền trên 6 tỷ đồng), Cà Mau (2 vụ việc, với số tiền 1,3 tỷ đồng)…

Tổng Cục THADS cho hay, so với cùng kỳ, số công chức vi phạm kỷ luật có giảm, nhưng vẫn còn nhiều với 15 trường hợp; 5 trường hợp thì đang xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, hệ thống còn 11 trường hợp công chức đang trong thời gian xem xét trách nhiệm hình sự từ năm 2016, 2017 chuyển sang.

Vụ Phạm Công Danh còn chưa thi hành 7 nghìn tỷ

Đáng lưu ý, theo quyền Tổng cục Trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi, dù đã chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng các đại án tham nhũng, kinh tế lớn đã thi hành nhiều năm, thậm chí kéo dài rất lâu, kết quả chuyển biến rất chậm.

Nguyên nhân khó khăn là do giá trị phải THA án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che dấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để THA.

Nhiều vụ án tài sản phân tán ở nhiều địa phương khác nhau, tình trạng pháp lý không rõ ràng, khiến cho việc THA gặp rất nhiều khó khăn như vụ Vinashin, Vinaline, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là "bầu" Kiên)…

Mặt khác, cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện, việc sử dụng tiền mặt còn khá phổ biến khiến cho việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải THA gặp nhiều khó khăn.

Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh Vũ Quốc Doanh thông tin, vụ Huỳnh Thị Huyền Như phải thi hành 14 nghìn tỷ nhưng có hơn 9 nghìn tỷ chưa có điều kiện thi hành. Còn vụ Phạm Công Danh, số phải thi hành án là hơn 12 nghìn tỷ đồng, hiện mới thực hiện, giải quyết được hơn 5 nghìn tỷ đồng.

“Người phải THA đang chấp hành hình phạt tù nên các chấp hành viên phải vào trại giam để thông báo các quyết định. Bên cạnh đó, có bị cáo không hợp tác với chấp hành viên dẫn tới việc phải niêm yết, thông báo rất nhiều lần, trong khi đó, các bị cáo thì đang nằm ở rất nhiều các trại giam của Bộ Công an”, ông Doanh nêu khó khăn.

Nghe vậy, ông Khôi đề nghị, tập trung quan tâm thi hành án kinh tế, tham nhũng lớn.

“Vừa rồi những án tồn đọng rất nhiều năm, khó, vướng thì phải tập trung hết sức để tháo gỡ theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục. Những vụ việc mới phát sinh dự báo hết sức khó khăn, thách thức cho Cơ quan THADS TP Hồ Chí Minh đề nghị tập trung chỉ đạo, đảm bảo thời gian tới hoàn thành chỉ tiêu đúng thẩm quyền, đúng pháp luật trách sai sót, vi phạm”, ông Khôi nêu rõ.

Đấu giá 23 lần không có người mua

Cũng theo Tổng cục THADS, kết quả thu hồi các khoản nợ của tổ chức tín dụng tuy cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (tăng 22 việc và hơn 184 tỷ đồng) nhưng vẫn đạt thấp so với bình quân toàn quốc.

Nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được dẫn đến thời gian THA kéo dài. 6 tháng, trên toàn quốc có hơn 5.600 việc tương ứng với số tiền hơn 7.144 tỷ đồng đã kê biên, định giá vẫn chưa xử lý được.

Cá biệt, có một số trường hợp thông báo bán đấu giá 23 lần như vụ Công ty TNHH Hoàn Hảo (Khánh Hòa) hay 15 lần vụ Công ty TNHH Hoàng Hà (Khánh Hòa) không có người mua.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng lưu ý, thời gian tới, dự báo còn nhiều khó khăn vướng mắc, công việc tiếp tục nhiều lên nên cần tập trung chỉ đạo. Với những vụ việc bán đấu giá không thành phải xem xét lại, xem xét yếu tố chấp hành viên.

“Cần tiếp tục nâng cao tỷ lệ thi hành về tiền đối với các vụ án kinh tế lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh”, ông Dũng nói, những tài sản hiện hữu phải xử lý dứt điểm.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng yêu cầu, các cơ quan phải “xắn tay” tập trung giải quyết những vụ việc trọng điểm, kéo dài; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; tập trung giải quyết những vụ việc trọng điểm kéo dài.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/tin-tuc-chong-tham-nhung/trong-nuoc/an-lon-an-tham-nhung-van-kho-thi-hanh-vu-bau-kien-huyen-nhu_t114c1080n133065