Ẩn họa từ sự bất cẩn

Ngồi bệt trên nền căn nhà cũ nhìn hàng trăm ngư dân tấp nập vận hành máy sục khí nuôi tôm và mở rộng đầm (đìa) triển khai nuôi lứa mới, ông Nguyễn Ngọc Chung ở xã Vạn Thọ (Vạn Ninh, Khánh Hòa) lại xoa lên vết thương ở chân mình với vẻ nôn nóng xen lẫn tiếc nuối.

Hàng trăm người khác cũng như ông, chỉ vì thiếu cẩn trọng trong lúc chăm sóc, nuôi dưỡng tôm mà dính thương tật. Từ đó, gánh nặng và âu lo lại chất chồng thêm cho người thân cùng những giọt mồ hôi đau tiếc lăn dài, nhất là vào những mùa vụ thất bát.

Gánh thương tật vì sơ ý

Từ ngày gặp tai nạn trên đầm tôm, sức khỏe và tinh thần của ông Nguyễn Ngọc Chung có nhiều sa sút. Nhưng, rên rẩm chỉ càng kéo theo nỗi buồn cho người thân. Bốn đời làm nghề nuôi tôm, bấm đốt ngón tay, ông Chung nhẩm: “Phải hai tháng nữa khỏi hẳn vết thương mới dám xuống đầm, coi như lỡ mất một vụ, 3 sào đầm bỏ trống mất toi gần 200 triệu bạc. Nuôi tôm ăn nhau ở vụ này chứ vụ tháng 11-12 hay gặp mưa to và bất thường của thời tiết. Như cuối năm ngoái, trận bão số 12 quất tơi bời khiến nhiều đầm, đìa tôm gần như mất trắng cả”.

Nhiều đầm tôm ở xã Tân Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) phải bỏ không vì chủ đầm bất cẩn bị tai nạn do máy sục khí nuôi tôm cuốn vào.

Ít ngày trước vừa cải tạo xong 2 thửa đầm để nuôi tôm sú, ông Chung mặc nguyên cả bộ quần áo rộng nhảy xuống vận hành thử máy sục khí. Giữa tiếng máy nổ và tiếng nước kêu ro ro bỗng ông Chung thét lên thất thanh, người nhà cắt cầu dao điện nhào đến thì chân phải ông đã bị cuốn vào cánh quạt. Một nửa phần da ở đùi và bắp chân ông Chung bị lột sạch. Chủ quan, tự ở nhà chữa trị và đắp lá nên vết thương hoại tử, lên cơn sốt hầm hập, phải đi viện cấp cứu, điều trị. Bà Trần Thị Hà, vợ ông Chung thổn thức chia sẻ: Vậy cũng còn may, nếu đứt gân thì còn khổ nữa. Nhiều người nuôi tôm ở Vạn Ninh này bị tai nạn như cơm bữa. Quanh năm bám đầm, có khi ăn ngủ luôn ở đầm nên người dân cũng ít có thói quen đi viện mà chủ yếu tự chữa trị, chỉ khi nặng mới đi viện thôi. Gần đây, các nhân viên y tế địa phương cũng thường xuyên có các chiến dịch tuyên truyền về việc tăng cường bảo vệ sức khỏe nên tai nạn cũng giảm đi đáng kể.

Từng mấy lần giật thót khi vào viện thăm bạn mình bị máy sục khí nuôi tôm phập vào đùi, vào bụng, vào chân, anh Lê Văn Tùng ở phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa) luôn nhắc nhở mình phải cẩn trọng nhưng rồi chỉ trong tích tắc của sự nóng vội, chính anh cũng trở thành nạn nhân của máy sục khí nuôi tôm. Đó là một buổi chiều đầy gió, bộ quần áo dài mới mua của con gái bay từ dây phơi xuống đầm, sợ máy sục cuốn vào nên anh Tùng cuống cuồng nhảy luôn xuống để vớt không ngờ trượt chân vào cánh quạt, máy sục cuốn luôn chiếc quần rộng của anh vào làm nát cả một vùng đùi, rách bộ phận sinh dục. Phải trải qua 2 lần phẫu thuật ghép da, vết thương của anh Tùng mới tạm ổn.

Buồn bã, anh Tùng bộc bạch: Do mình cả. Nếu bình tĩnh cúp cầu dao thì không sao rồi. Nhưng lúc đó ý nghĩ chỉ lo chiếc áo dài của con hỏng. Ở vùng đất Ninh Hòa này có trên 700 người làm nghề nuôi tôm đầm. Do điều kiện kinh tế nên nhiều loại máy sục cũ kỹ vẫn cứ tận dụng, nhiều khi còn bị phóng điện ra đầm nữa. Chính bạn của anh Tùng là Trần Văn Phương ở Ninh Phú (Ninh Hòa) cũng phải tháo một đốt ngón tay do cánh quạt máy sục cũ bỗng nhiên bị đơ, anh Phương cứ để điện vậy mà thò tay vào quạt chỉnh sửa nên bất ngờ cánh quạt hoạt động trở lại, lia vào làm đứt ngón tay sau này bị hoại tử, phải tháo đi một đốt.

Ngậm ngùi nhìn ba đứa con thơ, anh Trần Văn Phương tâm tình: Sau vụ tai nạn của bản thân mới thấy vợ con càng khổ hơn. Vừa phải thuê thêm người về làm đầm vừa phải lo tiền thuốc thang. Trong thời gian điều trị vết thương, mình đã đi vận động hàng loạt người quen làm đầm tôm không nên quá lạm dụng máy sục cũ đồng thời có dấu hiệu bất thường là cắt cầu dao rồi mới sửa chữa.

Nhiều nạn nhân nguy cơ vô sinh vì bị cánh quạt máy sục khí nuôi tôm cuốn vào.

Chạy đôn đáo để chữa chạy

Đang trào dâng cảm xúc giữa những ngày khấp khởi hy vọng chẳng bao lâu nữa mình sẽ được làm cha thì bất ngờ tai nạn ập đến với anh Lê Văn Hải (27 tuổi ở xã An Hải, Ninh Phước, Ninh Thuận). Thấy đầm tôm nước cạn, máy sục khí lại đặt ở gần mé bờ nên Hải vô tư mặc quần đùi bước qua, cánh quạt hút chiếc quần Hải vào khiến anh ngã nhào. Toàn bộ da đùi và bộ phận sinh dục bị dập nát. Chỉ còn lại một tinh hoàn không nguyên vẹn, sau nhiều ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh) sức khỏe mới có thể bình phục. Tuy nhiên, Hải được chẩn đoán nguy cơ mắc vô sinh cao sau vụ tai nạn. Quyết tâm chạy chữa đến cùng nên mọi vật dụng có giá trị đều phải bán. Hơn nửa héc ta đầm tôm cũng cho người khác thuê lại để lấy tiền chạy chữa. Để vơi bớt nỗi buồn, Hải tự an ủi rằng: Rồi sẽ bắt đầu làm lại chứ bệnh thì phải chữa càng sớm càng tốt.

Cũng lâm vào gia cảnh như Lê Văn Hải, anh Trần Th. (29 tuổi ở xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) đang gắng gượng đi làm thuê, làm mướn trên chính đầm tôm của mình. Nhớ lại những ngày đầy ám ảnh, anh Th. sẻ chia: Khởi động cho vụ nuôi tôm đầu tiên của năm 2018, bao nhiêu dự định đã vạch sẵn ra không ngờ lại trắng tay vì tai nạn. Trong lúc bước qua máy sục khí để lấy thức ăn cho tôm, Th. bị cánh quạt cuốn vào làm lóc hết da ở bộ phận sinh dục, đùi bị cánh quạt cắt sâu. Gần 2 tháng nằm ở Bệnh viện Bình Dân, các bác sĩ phải cắt da ở nhiều nơi để tái tạo lại bộ phận sinh dục cho Th. Gia đình Th. phải cho thuê toàn bộ đầm tôm để lấy tiền trang trải viện phí. Xuất viện từ hồi tháng 4 nhưng đến nay, Th. vẫn thấy ê ẩm ở vùng thương tích mỗi khi trở trời đồng thời vẫn phải uống thuốc đều đều để phục hồi thêm chức năng duy trì nòi giống.

Nhìn những máy sục khí đang quay đều trên các đầm tôm của hàng xóm, anh Th. ao ước: Giá như mình cẩn thận hơn thì năm nay thắng lợi lớn. Vào Bệnh viện Bình Dân nằm nhiều ngày mới thấy, người bị tai nạn ở các đầm tôm như mình không ít, chỉ mong qua những vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, mọi người sẽ cẩn thận hơn để không phải gánh thương tật thể xác lẫn sa sút tinh thần.

Kéo dài suốt hơn một năm nay, anh Hoàng Văn Công ở xã Tân Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) cũng phải dùng cả thuốc Nam lẫn thuốc Tây với hy vọng sớm sinh hạ đứa con đầu lòng. Gần hai năm trước, anh Công cũng bị máy sục khí cuốn bộ phận sinh dục vào làm trọng thương, khi viêm nhiễm nặng và có dấu hiệu hoạt tử mới đến viện chạy chữa nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng sinh sản. Trong run rủi vẫn phải thắp lên hy vọng. Nhiều lần Công vẫn tự bộc bạch với người thân cũng như là cách an ủi họ rằng: Nếu không có tiến bộ của y khoa và tay nghề của bác sĩ thì có lẽ đã nặng nề hơn, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Cần tuân thủ nguyên tắc an toàn

Trước những hậu quả nặng nề từ tai nạn do máy sục khí nuôi tôm gây nên do bất cẩn, ông Trịnh Xuân Thanh, Bí thư Đảng ủy phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa) nhấn mạnh rằng: Người dân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về an toàn lao động. Thực tế cho thấy, hậu quả sự bất cẩn để dính vào tai nạn là rất nặng nề. Ở những khu vực trọng điểm về nuôi tôm, chính quyền địa phương vẫn liên tục tuyên truyền cho người dân hiểu rằng khi hệ thống cánh quạt của máy sục đang hoạt động thì không được đến gần hay bước qua bởi như thế là rất nguy hiểm. Khi xuống đầm thì phải mặc đồ bơi bó sát, gọn gàng, không mặc đồ lòa xòa. Khi máy có dấu hiệu bất thường thì phải ngắt nguồn điện cho máy dừng lại rồi mới kiểm tra.

Tại Bệnh viện Bình Dân, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận, phẫu thuật và điều trị cho gần 40 trường hợp nặng do bị tai nạn máy sục khí nuôi tôm gây nên. Hầu hết nạn nhân đều bị thương phần đùi, chân, bộ phận sinh dục. Do môi trường nước lẫn bùn bẩn nên khi bị thương, người dân nên đến cơ sở y tế ngay để được xử lí, tránh nhiễm trùng hoặc hoại tử gây khó khăn cho việc điều trị lẫn ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe về lâu dài.

Bài và ảnh: HÀ VĂN ĐẠO

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/an-hoa-tu-su-bat-can-n146998.html