Ẩn họa từ các nhà máy cũ chưa chịu di dời khỏi nội đô

Vụ cháy Công ty cổ phần, Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra những ngày vừa qua làm hàng chục kg thủy ngân phát tán ra môi trường đã khiến cho nhiều người dân đang phải sống cạnh những nhà máy cũ, ô nhiễm phấp phỏng lo âu.

Mặc dù chủ trương di dời các nhà máy, cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội đã được Thủ tướng ban hành cách đây từ 16 năm trước, nhưng đến nay nhiều nhà máy vẫn chây ì không chịu di dời vì nhiều lý do.

Sống trong sợ hãi

Thành lập từ năm 1960, Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển (Công ty Phân lân Văn Điển) có trụ sở tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc dân. Nhưng cũng kể từ khi đi vào hoạt động, Công ty này đã xả khói, bụi, mùi hôi thối khiến cuộc sống của những người dân quanh đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhà máy phân lân Văn Điển đang gây ô nhiễm môi trường sống của người dân.

Nhà máy phân lân Văn Điển đang gây ô nhiễm môi trường sống của người dân.

Cách đây 6 năm, thông tin Công ty Phân lân Văn Điển đã ký kết thuê đất với Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn (Khu công nghiệp Bỉm Sơn, Thanh Hóa) để di dời nhà máy này khỏi xã Tam Hiệp. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn vào cuối năm 2015.

Thế nhưng, tính đến nay dự án có lẽ vẫn chỉ nằm trên giấy, bởi hiện tại Công ty Phân lân Văn Điển vẫn không có dấu hiệu di dời. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân xã Tam Hiệp sẽ vẫn phải tiếp tục hứng chịu khói bụi và ô nhiễm môi trường mà công ty này xả thải ra.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngô Văn Cựu, 72 tuổi, trú tại thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp cho biết: “Nhiều ngày nay theo dõi vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, gia đình tôi và rất nhiều hộ dân sống cạnh nhà máy phân lân Văn Điển thực sự rất lo lắng. Chúng tôi sống ở đây khốn khổ hơn rất nhiều lần so với những người dân ở khu Công ty Rạng Đông. Hằng ngày chúng tôi không chỉ hít khí thải ô nhiễm từ nhà máy phân lân mà còn phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi từ đường sá. Nếu không may xảy ra cháy nổ, có lẽ chúng tôi cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề”.

Ông Cựu còn cho biết, cách đây vài năm, nhiều hộ dân chăn nuôi bị chết hàng tấn cá. Sau đó, dù Công ty Phân lân Văn Điển cam kết đã xử lý nước thải nhưng người dân vẫn nơm nớp lo mắc bệnh ung thư, hô hấp. Cũng theo lời ông Cựu thì có thể nguồn nước nơi đây đã bị ô nhiễm nhưng nhà ở đây, đất ở đây nên ông và nhiều gia đình khác vẫn phải trồng rau, nuôi gà, nuôi cá mà sinh sống.

Bà Nguyễn Thị Mai, trú tại khu tập thể phân lân 105 thở dài chia sẻ: “Quanh khu vực này đủ các nhà máy: nhà máy pin, phân lân, rồi các xưởng sửa chữa… Chúng tôi ở cũng khổ mà đi thì không xong. Tôi muốn bán nhà, bán đất cũng chẳng thể bán vì làm gì có ai mặn mà với cái nơi ô nhiễm nặng nề này. Cả chục năm nay, tôi thấy có nhắc đến chuyện di dời các nhà máy, nhưng đến nay vẫn chẳng có gì thay đổi”.

Tương tự như vậy, bao năm nay những người dân sống quanh Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (524 Minh Khai) phải vật lộn sống chung với khói thải, mùi khét từ nhà máy xả ra. Nhiều người cho biết, họ thường xuyên thấy tức ngực, khó thở, đau đầu… thậm chí tại đây đã có trường hợp chết vì bệnh liên quan đến phổi và đường hô hấp.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Lê Thị Thái (tổ dân phố số 15A, phường Vĩnh Tuy) cho hay, có người vì không chịu được ô nhiễm ở đây đã bán nhà hoặc thuê nơi khác để ở. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh lên UBND phường nhưng vì không đủ chuyên môn, cán bộ phường cũng chỉ biết ghi nhận và gửi kiến nghị lên cấp trên.

Bà Thái bảo: “Chúng tôi luôn sống trong tình trạng phải đóng kín cửa vì khói thải bay vào nhà. Gia đình tôi có 9 thành viên, trong đó có cả người già và trẻ nhỏ thường xuyên bị mắc các bệnh đường hô hấp. Riêng cháu tôi 3 tuổi thì tháng nào cũng đôi lần nhập viện điều trị vì viêm phế quản, viêm mũi”.

Bà Võ Thị Huệ – Tổ trưởng Tổ dân phố 15A cho biết, tổ dân phố có khoảng 50 hộ dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhà máy Dệt kim Đông Xuân thường xuyên xả thải ra ngoài môi trường. Chục năm nay, bà ròng rã nộp đơn kêu cứu lên các cấp chính quyền nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.

Người dân xã Tam Hiệp luôn sống trong sự lo lắng, sợ hãi.

“Nhiều lần công ty hứa sẽ sớm di dời nhưng đến nay vẫn vậy. Chúng tôi phải đóng cửa suốt ngày, thậm chí khi đóng cửa khói bụi vẫn bay vào nhà làm chúng tôi phải dán băng dính vào những khe cửa và những lỗ hở để ngăn chặn. Vào những tháng hè, khi thời thời tiết nắng trên 40 độ C mà bị bức tử như này thì làm sao mà sống nổi” - bà Huệ bức xúc.

Chây ì do thiếu kinh phí hay địa thế "đất vàng"?

Cách đây 16 năm, ngày 22-4-2003, Thủ tướng đã ban hành Quyết định phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Đến ngày 17-6-2003, UBND Hà Nội đã ra Quyết định số 74/2003/QĐ-UB về việc di chuyển các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch hoặc nguy cơ ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực các quận nội thành.

Tuy nhiên, hơn 15 năm qua, việc thực hiện các kế hoạch này vẫn giậm chân tại chỗ. Cho đến khi vụ cháy tại Công ty Rạng Đông xảy ra, nhiều người giật mình nhận ra, đến nay, tất cả các nhà máy công nghiệp như dệt, thuốc lá, cao su, phân lân… vẫn không có dấu hiệu nhúc nhích.

Năm 2016, tại báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Tuy nhiên, sau 2 năm, tại hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2018, số liệu báo cáo Hà Nội đưa ra mới chỉ giảm được 4 cơ sở và vẫn còn tới 113 nhà máy…

Theo các chuyên gia, việc các nhà máy sản xuất công nghiệp nằm giữa khu dân cư tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông vừa qua đã cho thấy rất rõ điều đó. Bởi vậy, di dời các nhà máy đang hết sức cấp bách vào thời điểm này.

Trả lời câu hỏi vì sao có sự chậm trễ này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, sau sự cố xảy ra tại Công ty Rạng Đông, Sở đã đề xuất các phương án di dời các nhà máy sản xuất theo phương thức bắt buộc ra khỏi nội đô. Sở TN&MT sẽ thông báo trước cho doanh nghiệp, ghi rõ địa điểm đến, cơ chế hỗ trợ về đất đai, tài chính… Tuy nhiên, do phần lớn các doanh nghiệp đều đang ở địa thế đẹp nên không muốn dời đi.

Ngoài ra việc các nhà máy sản xuất chậm di dời có rất nhiều nguyên nhân, đầu tiên phải nhắc đến nguồn lực. Nhiều doanh nghiệp chây ì viện lý do thiếu ngân sách để dời đi. Có doanh nghiệp lại cho rằng, đến chỗ mới sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho công nhân. Nhưng có lẽ cái quan trọng nhất vẫn là nhận thức của doanh nghiệp và sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Hà Nội đã chủ trương di dời các nhà máy công nghiệp ra khỏi nội đô từ lâu, luật hiện hành cũng đã có nhưng chính những người đóng vai trò giám sát lại chưa làm hết trách nhiệm. Cụ thể như trường hợp Công ty Rạng Đông, dù đã có kế hoạch di dời cách đây 4 năm và Công ty này cũng đã có cơ sở mới ở Bắc Ninh nhưng vẫn không chịu di dời.

KTS. Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: “Cần phải giám sát chặt việc khai thác địa điểm cũ của các cơ sở đã có quyết định di dời, được bố trí quỹ đất.

Vụ cháy nhà xưởng Công ty Rạng Đông là bài học nhãn tiền đối với những nhà máy nội đô không chịu di dời.

Nếu doanh nghiệp vẫn cố tình duy trì một lượng sản xuất nhỏ trong phố để “giữ đất” thì phải có biện pháp xử lý nghiêm, nhất là sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, gây nguy hại cho khu dân cư. Bên cạnh đó, cần kiên quyết di dời, thu hồi quỹ đất trả thành phố. Ngoài ra cũng cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về phát triển bền vững, không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường sống”.

Theo các chuyên gia, việc các nhà máy sản xuất công nghiệp nằm giữa khu dân cư tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông vừa qua đã cho thấy rất rõ điều đó, bởi vậy, di dời các nhà máy đang hết sức cấp bách vào thời điểm này. Tuy nhiên, khi di dời các nhà máy cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng nơi chuyển đến, phải tính toán được độ nở của đô thị.

Nếu không, chỉ khoảng 20 năm sau lại phải tính đến phương án di dời nhà máy. Ngoài các phương án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư, thì bài toán sử dụng quỹ đất sau này sao cho hiệu quả cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Sáng 19-6-2018, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri tại huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai. Trực tiếp trả lời những vấn đề cử tri bức xúc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, sau mở rộng địa giới hành chính, toàn thành phố còn 117 công trình, dự án tiếp tục phải di dời. Nếu không di dời sẽ không đảm bảo môi trường nên Thành phố phải dồn sức thực hiện. Đối với các dự án cụ thể như Bệnh viện 09, Thành phố đã đưa vào kế hoạch di dời đến năm 2020 để trình Chính phủ phê duyệt. Riêng đối với Nhà máy Pin Văn Điển, Phân lân Văn Điển… Bí thư Thành ủy giao Sở TN&MT tiếp tục kiểm tra, đánh giá để báo cáo Thành phố.

Phong Anh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/an-hoa-tu-cac-nha-may-cu-chua-chiu-di-doi-khoi-noi-do-561598/