Ẩn họa Mật Tùng

Giữa nhiều dự án khủng ở Myanmar nằm trong vòng cương tỏa của Trung Quốc gần đây, có một ý đồ gây nhiều tranh luận. Đập thủy điện Myitsone (Mật Tùng) công suất 6.000 megawatt liên tục đòi được thực hiện bằng được dù vấp cả núi trở ngại. Cần gạt bỏ bụi muội tụng ca và hứa hẹn để nhận diện thực chất của Mật Tùng vốn bị tạm dừng từ 2011.

Myanmar có hai của báu khiến láng giềng khổng lồ luôn để mắt. Một là quyền tiếp cận Ấn Độ Dương để đáp trả sự ngáng trở của đối thủ tiềm tàng Ấn Độ. Hai là nguồn tài nguyên dồi dào, nhất là thủy điện mà TQ cần hơn bao giờ hết để thoát khỏi phụ thuộc điện than đang cạn kiệt.

Thời độc tài quân sự bá chủ ở Myanmar 1988-2011, TQ tiếp cận ngon ơ hai món hời này. Thành quả đầu tiên là, từ năm 2013, họ bắt đầu vươn ra Ấn Độ Dương bằng tuyến ống dẫn gas dài 2.520 km. Tiếp đến là một hệ đường dẫn dầu thô chạy song song từ 2017 mà điểm cuối là Côn Minh.

Giữa lúc nhiều dự án lớn khác thuận buồm xuôi gió, TQ vẫn quyết bám Mật Tùng dù bị dân chúng chống đối dữ. Đập khổng lồ dự kiến đặt ở đoạn hợp lưu của N’mai và Mali, hai chi lưu tạo nên sông Ayeyarwady hùng vĩ. Vấn đề ở chỗ Ayeyarwady là thủy vực sống còn của hàng triệu miệng ăn chưa kể là nền tảng cho hệ sinh thái toàn quốc. Theo tính toán, ai làm chủ dòng Ayeyarwady coi như khống chế cả quốc gia Phật giáo 54 triệu dân.

Khía cạnh đáng kể nữa là về kỹ thuật. Theo hợp đồng, TQ sẽ bàn giao Mật Tùng cho Myanmar sau 50 năm vận hành. Ngoài nguy cơ hiện hữu hồ chứa có thể đầy bùn nửa thế kỷ nữa, không có gì đảm bảo bí quyết công nghệ sẽ được chuyển giao.

Một nghiên cứu tiến hành năm 2017 về các dự án đập của TQ thực hiện ở Châu Âu và Mỹ La Tinh cho thấy nhiều điều. Trong số 29 dự án thủy điện đã làm, có 17 dự án chỉ chuyển giao cho chủ nhà phần cứng tức nhà máy nhưng không chia sẻ phần mềm như tri thức và kỹ năng vận hành, yếu tố được xem trọng yếu nhất về phương diện kinh doanh cũng như địa chính trị.

TQ đã gây nhiều tai tiếng về việc dùng đập thủy điện làm vũ khí địa chính trị. Chẳng hạn công trình trên sông Nhã Lỗ Tàng Bố (Brahmaputra) bắt nguồn từ Tây Tạng giúp họ kiểm soát dòng chảy vào Ấn Độ và Bangladesh mà không chia sẻ dữ liệu thủy văn cho vùng hạ lưu. Bất chấp mối tình paukphaw (hữu hảo) mà quan chức hai nước thường đề cập, ẩn họa Mật Tùng vẫn không khiến người Myanmar thôi phản đối trước thềm bầu cử 2020 đầy bất trắc.

Hoàng Quốc Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/an-hoa-mat-tung-1471877.tpo