Ẩn họa câu đêm khơi xa

Nhiều ngày nay, nỗi đau thương tràn ngập những ngôi nhà có lao động chính tử nạn giữa biển khơi vì thuê tàu, mượn ghe đi câu đêm ngoài khơi xa.

Kiến thức ứng phó với sự cố trên biển không có, phương tiện bảo hộ đi biển thiếu, không bám sát dự báo diễn biến thời tiết nên khi gặp sự cố đã vĩnh viễn không thể sống sót vào bờ.

Chẳng kịp về trước bình minh

Theo thống kê tại các tỉnh Nam Trung Bộ, chỉ từ đầu năm 2021 đến nay đã có nhiều cái chết thương tâm do thuê tàu đi câu giải trí, câu cá phục vụ ăn uống. Có người thoát nạn thì sức khỏe suy kiệt để lại nhiều di chứng và ám ảnh.

Mấy ngày nay, gia đình, người thân và hàng xóm của Nguyễn Văn Ngọc (Diên Khánh, Khánh Hòa), Nguyễn Ngọc Thiệt (trú TP. Phan Thiết, Bình Thuận); Nguyễn Minh Hiếu (Bắc Bình, Bình Thuận) chìm trong nỗi u buồn vì cả 3 người này đều đã tử vong ngày 16/2 giữa khơi xa, trong đêm tối mịt mùng.

Bà Nguyễn Thị Linh và nhiều người bạn của Nguyễn Văn Ngọc tiếc thương: Đang là mùng 4 Tết chưa kịp vui, sum vầy trọn vẹn với người thân thì Ngọc đi câu cá với bạn và còn hẹn sẽ mang cá đại dương về. Thế nhưng, đó là chuyến đi định mệnh, vĩnh viễn Ngọc không quay về nữa. Xóm giềng của Nguyễn Minh Hiếu cũng chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi thương tâm của anh. Lời hẹn ngày trở về của Hiếu giờ thành dĩ vãng nhói đau.

Người thuê tàu đi câu thoát nạn được cứu chữa ở Bình Thuận (ảnh Biên phòng Bình Thuận).

Người thuê tàu đi câu thoát nạn được cứu chữa ở Bình Thuận (ảnh Biên phòng Bình Thuận).

Báo cáo của UBND TP. Phan Thiết (Bình Thuận) cho thấy, đầu xuân, Ngọc, Thiệt, Hiếu và 2 người quen của mình là Võ Trung Nghĩa (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa), Nguyễn Thanh Tuấn (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) đến nhà ông Lê Văn Một - chủ tàu BTh 89272 ở TP. Phan Thiết thuê ông Một chở rong ruổi ra khơi xa đi câu cá.

Ông Một rủ thêm một phụ tàu là Trần Văn Bé đi cùng và xuất phát sáng ngày 15/2. Vào khoảng hơn 17h cùng ngày thì đến khu vực mỏ Sư Tử Vàng (thuộc địa phận biển Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Phan Thiết 40 Hải Lý). Lúc này, gió to dần, sóng lớn chồm lên dữ dội, tứ bề mù mịt, tàu chùng chiềng, nước dần tràn vào bên trong. Hệ thống máy bơm và phương tiện thoát nước trên tàu không kiểm tra trước nên hỏng hóc. Tàu chìm dần nên cả 7 người ôm phao và dây thừng nhảy xuống. Do xoay sở không kịp bám phao, ông Một và ông Bé bị sóng đánh ra xa trôi dạt mất tích.

Gắng gượng đến sáng16/2 thì Thiệt, Ngọc, Hiếu đói, kiệt sức nên tử vong ngay trên biển. Lúc này anh Nghĩa và Tuấn sợ xác người quen chìm xuống nên cố gắng dùng dây thừng gắn trên phao cứu sinh buộc vào thi thể Thiệt, Ngọc và Hiếu. Sau đó Tuấn và Nghĩa tiếp tục ôm phao cứu sinh lênh đênh trên biển.

Khi mọi hy vọng sống sót như đã lụi tắt thì tối 16/2, tàu cá BTh 98972 TS do ông Dương Quốc Tuấn làm thuyền trưởng phát hiện và tức tốc đưa Tuấn, Nghĩa vào BVĐK Bình Thuận cấp cứu. Đến nay đã qua nguy kịch nhưng tinh thần của Tuấn, Nghĩa còn hoảng loạn.

Như lời cảnh báo róng riết

Trong vài năm trở lại đây, tại các tỉnh ven biển Miền Trung người dân, khách du lịch... tự thuê tàu, ghe đi câu cá ngoài khơi xa ngày càng gia tăng. Đặc biệt là trong những dịp đầu năm, ngày hè. Vấn đề thuê, mướn diễn ra thiếu chặt chẽ, khi gặp tai nạn phát sinh nhiều khó khăn trong tìm kiếm.

Bà Đào Thị Long, Giám đốc Công ty du lịch Đông Đô (Khánh Hòa) lo lắng: Bản thân chở khách trên biển nhiều năm tôi thấy rất bất an khi chứng kiến những tàu không có bảo hiểm, không có phao cứu sinh vẫn vô tư chở khách đi chơi, đi câu ở đại dương.

Ngư dân có 30 năm làm nghề đánh bắt xa khơi Nguyễn Phong ở Cam Ranh (Khánh Hòa) đúc rút: Nghề câu cá đại dương nghĩ là đơn giản nhưng cực kỳ công phu. Để ra khơi, cả người câu lẫn chủ tàu phải chuẩn bị rất kỹ càng máy móc, hệ thống điện đàm liên lạc, máy bơm... Trên biển khi có sự cố rất khủng khiếp, cần kinh nghiệm xử lý chính xác và bình tĩnh. Các tai nạn thảm thương vẫn thường xảy ra hầu hết là do ghe nhỏ, tàu thiếu chuẩn bị kỹ càng. Đây như là lời nhắc nhở đến mọi người có ý định đi câu giữa đại dương.

Cũng bởi thiếu cẩn trọng nên nhiều gia đình buồn đau như lấn át cả niềm vui trong ngày xuân 2021. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Quốc H; Nguyễn Văn T (đều trú TP. Cam Ranh, Khánh Hòa).

Những ngày cuối tháng 1/2021, H. và T. dùng ghe nhỏ ra Vịnh Cam Ranh để câu cá. Nghĩ giản đơn câu thời gian ngắn rồi vào bờ ngay nên đã thiếu trang bị bảo hộ. Khi câu xong, trên đường trở về thì gặp nạn, chìm ghe, cả 2 đều tử vong trên vùng biển thuộc địa phận xã Cam Thịnh Đông (Cam Ranh).

Theo lãnh đạo Bộ đội Biên phòng các tỉnh Nam Trung Bộ thì lực lượng biên phòng vẫn thường xuyên tuần tra, nhắc nhở các ngư dân cần tuân thủ nghiêm các quy định đánh bắt trên biển. Khi có sự cố đều khẩn trương chỉ đạo, huy động lực lượng để tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.

Việc tự thuê tàu cá đi câu là không đúng quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý phương tiện tàu, thuyền. Đặc biệt, khách thuê các tàu gỗ nhỏ thường thiếu hệ thống liên lạc, thiếu phương tiện cứu sinh, bảo hiểm lỏng lẻo, thiếu cả kiến thức ứng phó sự cố... Vậy nên rủi ro rất cao, có khi phải trả giá bằng mạng sống.

Trước sự cố thương tâm xảy ra ở địa phương, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ký Văn bản số 573/UBND-KT chỉ đạo các sở, ban ngành tỉnh Bình Thuận về việc hỗ trợ tàu cá BTh 89272 TS bị nạn và tìm kiếm những người còn mất tích trên biển. Chủ tịch Bình Thuận cũng giao Sở LĐ-TB&XH Bình Thuận chủ trì phối hợp cùng nhiều cơ quan khác như: Bộ đội Biên phòng Bình Thuận, UBND TP. Phan Thiết... để thăm hỏi, động viên những người bị nạn và hỗ trợ chính sách kịp thời theo quy định.

HÀ VĂN ĐẠO

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/an-hoa-cau-dem-khoi-xa-n187139.html