Án hành chính 'trục trặc' đủ đường

Nhiều vụ án hành chính lâm hoàn cảnh hủy, sửa bản án sơ thẩm vì cơ quan xét xử thiếu thận trọng dẫn đến sai lầm trong đánh giá tài liệu, chứng cứ

Gần 1 năm qua, TAND Cấp cao tại TP HCM thụ lý phúc thẩm hơn 1.000 vụ án hành chính, đưa ra xét xử hơn 680 vụ (đạt tỉ lệ 63%). Đối với kết quả xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP sửa, hủy tổng cộng 236 bản án hành chính sơ thẩm. Cơ quan chức năng thống kê tình trạng hủy, sửa án sơ thẩm như trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: tòa sơ thẩm xác định sai đối tượng khởi kiện, thu thập không đầy đủ chứng cứ, đánh giá và áp dụng pháp luật thiếu chính xác…

Văn bản thông báo không thể là quyết định hành chính

Cụ thể, cơ quan xét xử thường nhầm lẫn đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính hay hành vi hành chính. Hệ quả, bản án sơ thẩm tồn tại nội dung "chỏi" luật.

Khởi kiện ra TAND TP HCM, ông Nguyễn Mạnh Quang yêu cầu HĐXX hủy một văn bản do UBND quận Thủ Đức (TP HCM) ban hành. Trong văn bản này, UBND quận Thủ Đức thông báo về việc từ chối giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn.

Cụ thể, thụ lý đơn kiện, tòa sơ thẩm xác định văn bản do UBND quận Thủ Đức phát hành là quyết định hành chính bị kiện trong vụ án hành chính. Tuy nhiên, ở giai đoạn phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM kết luận hoàn toàn trái ngược.

Một phiên tòa xét xử vụ án hành chính ở TAND TP HCM

Một phiên tòa xét xử vụ án hành chính ở TAND TP HCM

Tòa phúc thẩm lý giải trong trường hợp này, tòa sơ thẩm xác định như vậy là không phù hợp luật định. Bởi vì, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND quận Thủ Đức - PV) nhận thấy ông Quang không thể chuyển mục đích sử dụng đất. Từ đó, UBND quận Thủ Đức từ chối thực hiện các thủ tục hành chính tiếp theo (tức là không thực hiện hành vi hành chính). Như vậy, việc UBND quận từ chối yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của đương sự là hành vi hành chính. Thực chất, văn bản trên chỉ mang tính chất thông báo về việc xử lý đơn yêu cầu; chứ không phải là quyết định hành chính làm phát sinh, thay đổi hay làm chấm dứt quyền - lợi ích hợp pháp của ông Quang. Cấp phúc thẩm khẳng định cơ quan xét xử không thể xác định văn bản đó là quyết định hành chính bị kiện. Do xác định sai đối tượng khởi kiện như vậy nên TAND TP HCM mắc sai lầm khi chấp nhận yêu cầu khởi kiện do ông Quang đưa ra.

Từ những lẽ trên, TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên bố hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về TAND TP giải quyết, xét xử lại từ đầu.

Lười xem xét chứng cứ

Xử phúc thẩm mới đây, TAND Cấp cao tại TP HCM quyết định sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện trong vụ việc ông Huỳnh Tấn Phát khởi kiện UBND quận 8, TP HCM.

Theo hồ sơ, người khởi kiện yêu cầu tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất do UBND quận 8 cấp cho vợ chồng ông Nguyễn Đoàn Hiệp. Ông Phát cho rằng chính quyền quận 8 cấp giấy tờ sở hữu có phần diện tích đất chồng lên lối đi chung, lối thoát hiểm chung, đường cống thoát nước chung ở hẻm 44, Quốc lộ 50, phường 6, quận 8. Việc chính quyền "gom" phần diện tích đất sử dụng chung kể trên vào mảnh đất do vợ chồng ông Hiệp làm chủ sở hữu làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của gia đình ông.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, TAND TP HCM tuyên bố hủy giấy tờ sở hữu nhà đất có vợ chồng ông Hiệp đứng tên. Sau bản án sơ thẩm, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là vợ chồng ông Hiệp có đơn kháng cáo.

Tại tòa phúc thẩm, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan lập luận dù khởi kiện hành chính nhưng ông Phát không thể chỉ rõ diện tích cụ thể lối đi chung. Quá trình giải quyết, tòa phúc thẩm còn xem xét thêm tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất cũng như thực tế quản lý, sử dụng mảnh đất trên. HĐXX phúc thẩm khẳng định UBND quận 8 cấp giấy tờ sở hữu tài sản đúng quy định, đúng thẩm quyền.

Đây là một trong những vụ án hành chính điển hình lâm "hoàn cảnh" hủy, sửa án sơ thẩm do thiếu sót trong thu thập chứng cứ; hoặc đánh giá chứng cứ chưa hợp lý.

Bài và ảnh: Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/an-hanh-chinh-truc-trac-du-duong-20201230220941795.htm