An Giang với chương trình mỗi xã một sản phẩm

Với Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Đề án OCOP_AG), tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 10 sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tham gia đề án được nâng cấp, hoàn thiện quy trình sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định. Đồng thời, hình thành 6 trung tâm hoặc điểm bán sản phẩm OCOP_AG.

Các sản phẩm từ thốt nốt và trái chúc được hỗ trợ tham gia Đề án OCOP_AG

Thiết thực, hiệu quả

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án OCOP_AG với chu trình thực hiện thường niên theo 6 bước, trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ” (đề xuất nhu cầu từ dưới lên, theo nhu cầu và khả năng của hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp). Đồng thời, kiện toàn, xây dựng hệ thống tổ chức thực hiện Đề án từ cấp tỉnh đến cấp huyện trên nguyên tắc sử dụng bộ máy hiện có, không làm phát sinh bộ máy, không làm tăng biên chế (lồng ghép nhiệm vụ trong Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp, có bộ phận chuyên trách triển khai Đề án OCOP_AG). Từ cấp tỉnh đến cấp huyện cũng sẽ thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP_AG; phát triển mạng lưới đội ngũ chuyên gia tư vấn, đội ngũ các nghệ nhân hỗ trợ triển khai đề án; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất - kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ OCOP_AG.

Nhằm đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện, UBND tỉnh triển khai các hoạt động nâng cấp và phát triển những sản phẩm đề xuất tham gia Đề án OCOP_AG. Theo đó, đối với sản phẩm tinh dầu chúc, các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu chúc có kiểm soát, hướng dẫn thủ tục và chi phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm tinh dầu chúc và trái chúc, kể cả sản phẩm sau tinh dầu chúc. Cùng với đó là kết nối cung - cầu, quảng bá hình ảnh gắn chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh truyền thông xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với cây chúc và các sản phẩm từ chúc. Đồng thời, xác lập quy trình, nâng công suất chế biến tinh dầu và các sản phẩm phụ trợ từ trái chúc; tập huấn, nâng cao năng lực quản trị cũng như kiến thức kinh doanh và thị trường cho chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh (khởi nghiệp).

Đối với sản phẩm bánh bò Tân Châu, bên cạnh khuyến khích các hộ chế biến tăng cường liên kết, hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, các hộ còn được hỗ trợ tham gia các sự kiện, lễ hội ẩm thực để quảng bá sản phẩm, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ kéo dài thời gian bảo quản, xây dựng các điểm trưng bày bánh bò Tân Châu kết hợp du lịch…

Tăng cường quảng bá

Tại làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu), có 1 sản phẩm khá nổi tiếng là lạp xưởng bò (tung lò mò). Tuy nhiên, do đặc thù sản phẩm của người Chăm, việc bảo quản cũng như xây dựng kênh tiêu thụ còn nhiều khó khăn. Tham gia Đề án OCOP_AG, tỉnh và TX. Tân Châu sẽ vận động thành lập tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với chiến lược marketing, kết nối thị trường… Song song đó là nghiên cứu hoàn thiện quy trình chế biến, đảm bảo chất lượng ổn định và kéo dài thời gian bảo quản lạp xưởng bò (kể cả bảo quản đông và nhiệt độ thường).

Đối với sản phẩm du lịch cộng đồng và sinh thái ở TP. Long Xuyên, ngành chức năng sẽ đánh giá các điểm du lịch để xác định tiềm năng liên kết tạo tuyến điểm, xác định nhu cầu liên kết, sử dụng dịch vụ, đồng thời nâng cấp, cải tạo điều kiện kinh doanh theo tiêu chuẩn TCVN7800:2007, tư vấn thiết kế du lịch cộng đồng cho các hộ homestay. Trong khi đó, đối với sản phẩm du lịch cộng đồng Chăm (TX. Tân Châu, huyện An Phú), trên cơ sở xác định tiềm năng liên kết tạo tuyến điểm, tỉnh và các địa phương sẽ đầu tư trang bị cơ sở vật chất cho các điểm đến, nâng cao năng lực kinh doanh du lịch cộng đồng, tư vấn thiết kế và thử nghiệm bao bì sản phẩm chiếu cũng như sản phẩm du lịch từ nguyên liệu Uzu (đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị dệt chiếu Uzu cho 2 cơ sở tại TX. Tân Châu và An Phú).

Để phát triển sản phẩm đặc thù như nhãn Mỹ Đức (Châu Phú), cùng với nạo vét kênh nội đồng, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho các hộ trồng nhãn, ngành chức năng sẽ hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm nhãn Mỹ Đức, tổ chức quảng bá sản phẩm kết hợp du lịch. Còn với sản phẩm nếp Phú Tân, bên cạnh chuyển giao kỹ thuật bón phân và sử dụng chất ức chế sinh trưởng hợp lý, tỉnh, huyện sẽ hoàn thiện hệ thống tưới cho các cánh đồng ở khu vực cao (hệ thống tưới cấp 2), triển khai quảng bá cũng như xúc tiến thương mại cho sản phẩm.

Nâng cao giá trị đặc sản

Đối với cây thốt nốt, có nhiều sản phẩm được chọn tham gia Đề án OCOP_AG. Trong đó, tại Tri Tôn và Tịnh Biên tập trung phát triển sản phẩm đường thốt nốt không ly tâm. Tỉnh, huyện sẽ xây dựng vùng nguyên liệu nguyên chất từ các hộ khởi nghiệp và các hộ liên kết mới. Cùng với xây dựng các THT, HTX chế biến đường thốt nốt, ngành chức năng sẽ hỗ trợ cơ sở sản xuất, THT, HTX, doanh nghiệp thực hiện phương pháp tách mật, làm đường bột, đường không ly tâm, đường màu, tập huấn kiến thức thị trường, kỹ năng marketing cũng như kênh liên kết tiêu thụ. Bên cạnh sản phẩm đường là sản phẩm nước thốt nốt đóng chai, phát triển theo hướng có bao bì, nhãn mác và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Tỉnh cũng triển khai chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nước thốt nốt đóng chai; xây dựng các THT, HTX chế biến gắn với quảng bá, tạo mối liên kết giữa người bán với người mua. Đối với sản phẩm tranh lá thốt nốt Thoại Sơn, ngành chức năng sẽ hỗ trợ phát triển showroom thành điểm tiếp xúc thương hiệu, đồng thời hỗ trợ đào tạo nghề, thực hiện chính sách khuyến công nâng cao năng lực sản xuất, hỗ trợ thiết bị đồ họa đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng hệ thống nhận diện chặt chẽ, hiệu quả cũng như tập huấn kỹ năng giao tiếp du khách.

Trên cơ sở vùng nguyên liệu xoài 3 màu Chợ Mới, các cơ quan chuyên môn tỉnh sẽ tư vấn cho HTX trái cây GAP Chợ Mới xây dựng kế hoạch marketing trung và ngắn hạn, xây dựng trang điện tử (website) giới thiệu xoài 3 màu và các sản phẩm du lịch kèm theo, nghiên cứu các sản phẩm chế biến từ trái xoài cũng như chiết xuất dược liệu từ lá xoài. Trong khi đó, đối với sản phẩm tinh bột huyền (Tịnh Biên), sẽ được nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu hoạch, bảo quản, sản xuất và ứng dụng tinh bột huyền với các thông số kỹ thuật tối ưu. Trên cơ sở thành lập THT, HTX, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng phục vụ sản xuất tinh bột huyền và các sản phẩm sau bột, đồng thời thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng bá và xúc tiến thị trường cho sản phẩm đặc trưng này.

Giai đoạn từ nay đến năm 2020, các sản phẩm được đề xuất tham gia OCOP_AG gồm: tinh dầu chúc, nếp Phú Tân, tung lò mò, bánh bò Tân Châu, nhãn Mỹ Đức, sản phẩm từ cây thốt nốt, xoài 3 màu, tinh bột huyền, du lịch cộng đồng - văn hóa TP. Long Xuyên, du lịch văn hóa Chăm.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/an-giang-voi-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-a255819.html