An Giang thúc đẩy chuyển đổi số, tạo động lực phát triển

Trong thời đại công nghệ 4.0, cùng với cả nước, tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo bước đột phá về chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong toàn xã hội đóng vai trò quyết định; chuyển đổi số phải hướng đến lợi ích của người dân, DN, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số; phát triển kinh tế số đạt 10% GRDP; tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, thế mạnh của tỉnh (nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch...); nâng cao hoạt động hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao sức cạnh tranh của DN, đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Phấn đấu đến năm 2030, An Giang thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số; phấn đấu kinh tế số đạt 20% GRDP.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh

Để thực hiện những mục tiêu trên, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về chuyển đổi số. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số; phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tỉnh tập trung xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số; tập trung chuyển đổi số một số ngành, lĩnh vực trọng yếu (du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị).

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của tỉnh (IOC) được thành lập, quản lý, điều hành tập trung, đa nhiệm vụ lĩnh vực kinh tế, xã hội, đô thị. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao do tỉnh triển khai; thu hút nguồn lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin; thúc đẩy phát triển DN công nghệ số và DN số trên địa bàn tỉnh.

Tạo giá trị mới

Với chủ đề chuyển đổi số năm 2023 “Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tập trung vào phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, phục vụ người dân và DN tốt hơn.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) An Giang Lê Quốc Cường cho biết, chuyển đổi số là nhiệm vụ rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Thời gian qua, là cơ quan tham mưu chính, Sở TT&TT đã giúp UBND tỉnh triển khai khá đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số; giúp Tỉnh ủy lãnh, chỉ đạo tập trung, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rất rộng, nhiều vấn đề mới, khó, vừa có tính chất quản lý, vừa có tính chất kỹ thuật, đòi hỏi nhận thức đúng, triển khai đồng bộ mới đạt kết quả.

Trung tâm Điều hành thông minh TP. Châu Đốc

UBND tỉnh giao Sở TT&TT An Giang chủ trì, phối hợp sở, ngành tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh rà soát, hệ thống lại tất cả nhiệm vụ liên quan chuyển đổi số trên địa bàn, kể cả nhiệm vụ chuyển đổi số thuộc Đề án 06/CP của Chính phủ, chương trình cải cách hành chính của Trung ương và tỉnh; rà soát nguồn nhân lực tham gia triển khai, quản lý, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.

“Các dự án chuyển đổi số mang tính chất quan trọng, là nền tảng thúc đẩy cải cách hành chính, chỉ đạo, điều hành tốt hơn. Vì vậy, Sở TT&TT phối hợp 11 huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ, cùng tỉnh kết nối chia sẻ về cơ sở dữ liệu; tổ chức điều hành, cập nhật số liệu để IOC vận hành hiệu quả; cung cấp thông tin, dự báo để chính quyền địa phương ra quyết định.

Đặc biệt, tập trung thực hiện nhanh nhiệm vụ chuyển đổi số liên quan đến cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính, như: Số hóa thủ tục, chữ ký số, điều chỉnh phần mềm hệ thống thông tin thủ tục hành chính, quy trình thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, tích hợp cổng dịch vụ công…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu.

Thời gian tới, tỉnh tăng cường nghiên cứu, hợp tác phát triển và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số; cấu trúc hạ tầng công nghệ TT&TT; khai thác hiệu quả nền tảng, ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu của đô thị. Phát triển mô hình kết hợp giữa cơ quan nhà nước, DN; nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào triển khai chuyển đổi số (điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối…).

Phối hợp DN viễn thông, DN công nghệ thông tin trong và ngoài tỉnh triển khai chương trình, dự án, đề án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, DN.

THU THẢO

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-thuc-day-chuyen-doi-so-tao-dong-luc-phat-trien-a364850.html