An Giang: Thôi bôn ba xứ người, về làm giàu nhờ cá bống, bò thịt

Anh Lâm Minh Đức (42 tuổi), xã Long Hòa, huyện Phú Tân (An Giang) đã thôi không bôn ba mưu sinh bên Campuchia mà về quê khởi nghiệp làm giàu với mô hình trang trại chăn nuôi bò thịt, nuôi cá bống tượng...

Với mong muốn đổi đời trên quê hương, dưới sự hỗ trợ của Hội Nông dân nhiều hội viên ở huyện cù lao Phú Tân (An Giang) đã nghiên cứu, thực hiện những mô hình làm ăn mới mang tính hiệu quả lâu dài.

Làm đòn bẩy tiếp sức nông dân

Ngoài các nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), Hội ND tỉnh An Giang, những năm qua, Quỹ Hỗ trợ ND trên địa bàn huyện Phú Tân được xem là đòn bẩy, tiếp sức cho nhiều ND thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn.

Điển hình như ông Phạm Văn Sấc (ấp Phú Mỹ Thượng, xã Phú Thọ), sử dụng vốn vay 20 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ ND để đã cải tạo trên 3.000m2 đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang nhân rộng mô hình trồng xoài.

Anh Lâm Minh Đức, xã Long Hòa, huyện Phú Tân (An Giang) đang kiểm tra quá trình sinh trưởng của cá bống tượng. Ảnh: M.H

"Hội ND các cấp trong huyện sẽ nỗ lực, tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ những ý tưởng, kế hoạch làm ăn mới của nông dân…”.

Ông Đặng Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Phú Tân

Đồng vốn vay Quỹ Hỗ trợ ND đã giúp ông Sấc nâng tổng diện tích vườn xoài của gia đình lên trên 6.000m2, với gần 500 cây xoài Đài Loan, cát Hòa Lộc. Thông qua Hội ND xã, gia đình ông Trần Văn Cượng và bà Nguyễn Thị Thảo (xã Phú Hưng) đã 2 lần được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ ND huyện Phú Tân để đầu tư, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa nếp kém hiệu quả sang trồng dâu tằm.

Bà Thảo cho biết, mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại nguồn thu nhập lý tưởng cho gia đình. Đạt được mục tiêu về cải thiện kinh tế, nay hộ của bà Thảo còn mở rộng sang kinh doanh dịch vụ và kết nối du lịch nông thôn.

Không còn phải xa quê

Anh Lâm Minh Đức (42 tuổi), xã Long Hòa chia sẻ, xuất thân từ gia đình nghèo, không có công ăn việc làm ổn định, anh phải rời quê sang Campuchia để mưu sinh. Năm 2016, anh Đức trở về quê hương, được Hội ND huyện Phú Tân tư vấn chọn mô hình trang trại đa canh khép kín để khởi nghiệp.

Với sự hỗ trợ từ Hội ND huyện và chủ động của bản thân, anh Đức đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng kết hợp vốn vay từ ngân hàng để mua 3ha đất ruộng, cải tạo và thành lập mô hình trang trại. Khởi đầu, anh Đức chọn cây lâu năm là dừa dứa xen kẽ với cây bưởi da xanh và mãng cầu xiêm, dự kiến sau 3 năm sẽ cho thu hoạch.

Thấy giá trị kinh tế của cá bống tượng cao, anh tận dụng phần đất trống để đào ao nuôi cá bống tượng sinh sản. Từ 1 ao nuôi thử nghiệm ban đầu với 500 cá bố mẹ, đến nay số lượng ao nuôi cá bống tượng nhân lên 7 ao, diện tích 0,5ha.

Ngoài ra, anh Đức còn đầu tư 2ha đất trồng cỏ, xây dựng chuồng nuôi 40 con bò sinh sản và vỗ béo. Tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi, anh nuôi thêm 50 hộc trùn quế làm thức ăn cho cá và làm phân bón cho các loại cây ăn trái. Nguồn phân được xử lý túi biogas để sử dụng đun nấu sinh hoạt đảm bảo môi trường.

Đến nay, những cây dừa dứa của trang trại nhà anh Đức đang cho trái trĩu quả, giá 10.000 đồng/trái. Đàn bò vỗ béo dự kiến đến tết này sẽ xuất chuồng với nguồn thu khoảng 600 triệu đồng.

Phó Chủ tịch Hội ND huyện Phú Tân Đặng Văn Tác cho biết: “Dự kiến đến 2020, huyện có khoảng 1.000ha chuyển sang kinh tế vườn, Long Hòa có lợi thế cho mục tiêu này. Chúng tôi rất trân trọng ý chí của anh Lâm Minh Đức, cách làm ăn của anh và một số ND tiêu biểu trong đổi mới cách làm nông nghiệp”.

Mỹ Hạnh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/an-giang-thoi-bon-ba-xu-nguoi-ve-lam-giau-nho-ca-bong-bo-thit-940727.html