An Giang tập trung bảo vệ rừng

Do mùa khô năm nay diễn ra khá khắc nghiệt nên UBND tỉnh An Giang đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ hiệu quả hơn 17.000ha rừng. Tuy nhiên, để công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đạt hiệu quả cao nhất, cần có những biện pháp căn cơ, mang tính bền vững và thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Nguồn nhân lực và vật lực phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cần được chuyên môn hóa

Mùa khô khốc liệt

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, nhiệt độ trung bình trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 6-2020 đều xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,2-0,50C. Các đợt nắng nóng xuất hiện trong tháng 3, tháng 4 và nửa đầu tháng 5 với nhiệt độ cao nhất có thể đạt ngưỡng 35-370C. Trong khi đó, dự báo mùa mưa năm nay sẽ đến muộn và bắt đầu vào giữa tháng 5, nên lượng mưa có khả năng thiếu hụt trong tháng 3 và 4. Do đó, công tác PCCCR sẽ đối mặt với những khó khăn, phức tạp cùng nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Hiện nay, diện tích rừng của tỉnh chủ yếu nằm ở các huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và TP. Châu Đốc. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 3,56%. Trong điều kiện nắng nóng, không có mưa thì nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn trong mùa khô là rất cao. Diện tích khoanh vùng trọng điểm cháy là 7.286ha, chiếm hơn 43% tổng diện tích rừng cả tỉnh, nhất là các khu vực rừng tràm và khu du lịch đồi núi. Thời điểm này, dự báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh đều đang ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan truyền thông như: Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang chủ động tuyên truyền, với nhiều thông điệp cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nhất là vào cao điểm mùa khô. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm kết hợp các địa phương thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền trong các buổi họp dân về công tác PCCCR; chống chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; mua bán, vận chuyển gỗ, lâm sản và động vật hoang dã trái phép...

UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương và ngành chuyên môn đề cao phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCCR. Các địa phương quan tâm củng cố lực lượng bảo vệ rừng, bố trí phương tiện, dụng cụ sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Hiện nay, lực lượng PCCCR được bố trí 122 máy chữa cháy; 167 máy chữa cháy đeo vai và trên 7.535 thùng chứa nước, bình xịt, can nhựa, thùng thiết, kẻng báo động... nhằm đảm bảo phản ứng nhanh khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, cần đảm bảo nguồn nhân lực để tuần tra, bảo vệ và xử lý những tình huống tại chỗ kịp thời khi mới xuất hiện đám cháy.

Cần có giải pháp bền vững

Khi khảo sát tình hình mùa khô cũng như công tác PCCCR tại An Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong công tác PCCCR. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng nhận định rằng, với những diễn biến phức tạp của hiện tượng biến đổi khí hậu thì mùa khô những năm tiếp theo có thể sẽ tiếp tục khốc liệt như năm nay. Do đó, tỉnh An Giang cần hướng đến những giải pháp bảo vệ rừng mang tính bền vững, thay vì phải huy động nguồn nhân lực, vật lực theo kiểu “mùa vụ” như hiện nay.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, diện tích rừng An Giang tuy không lớn, chủ yếu tập trung ở vùng Bảy Núi nhưng mang trong mình yếu tố văn hóa, lịch sử và giá trị du lịch. Vì vậy, việc từng bước đầu tư hệ thống hồ chứa và các phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác PCCCR một cách bài bản là rất cần thiết. Đặc biệt, nguồn nhân lực tham gia PCCCR phải được chuyên nghiệp hóa, đảm bảo khắc phục kịp thời nếu có tình huống cháy xảy ra.

Về việc hướng đến hiệu quả bền vững trong công tác PCCCR, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực, sát tình hình thực tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, An Giang đã vận dụng nguồn vốn chống biến đổi khí hậu để triển khai mô hình hồ chứa nước dựa vào cộng đồng. Người dân sẽ hiến đất để đào các hồ chứa vừa có thể trữ nước cho công tác PCCCR, vừa phục vụ tưới các vườn cây ăn trái trong bán kính 100ha. Thời điểm này, tỉnh có 17 hồ chứa nước dựa vào cộng đồng đi vào phục vụ và sẽ tiếp tục triển khai thêm 54 hồ nữa trong thời gian tới. Ngoài ra, còn có hệ thống hồ nước có dung tích từ 400.000m3 trở lên, tạo nên mạng lưới hồ chứa có đủ quy mô, phục vụ hiệu quả công tác PCCCR.

Những năm qua, UBND tỉnh đã triển khai dự án phát triển cây dược liệu với mục tiêu tạo “vành đai xanh” để bảo vệ rừng và tăng sinh kế cho người dân. Đây là giải pháp nhằm gắn chặt quyền lợi kinh tế của người dân với rừng để cùng chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên của tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng cung cấp giống xoài, bưởi, ca cao cho người dân trồng ven chân núi cùng với việc kết nối đầu ra cho nông dân tham gia mô hình, hướng đến hiệu quả thiết thực, dài lâu.

Để công tác PCCCR đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao nhất, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tăng cường công tác tuyên truyền trong người dân và du khách về tính hiệu quả, ý nghĩa của công tác bảo vệ rừng, bởi vì mùa khô diễn ra cùng với thời điểm mùa hành hương vùng Bảy Núi. Với những biện pháp đã triển khai, UBND tỉnh đang tập trung nguồn lực cho công tác PCCCR nhằm bảo vệ hiệu quả “lá phổi xanh” trước tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-tap-trung-bao-ve-rung-a265982.html