An Giang quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ

Một trong những giải pháp để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh là tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị - tư tưởng; nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ của cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp.

Quan tâm công tác đào tạo

Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang luôn thực hiện theo đúng quy định và tinh thần chỉ đạo của Trung ương về việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ. Việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm của Ban Tổ chức Trung ương giúp tỉnh chủ động hơn trong công tác lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, rà soát đối tượng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để cử tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hàng năm.

Việc xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị sơ cấp, trung cấp, cao cấp cho cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy và tương đương giao cho cơ quan tham mưu về công tác đào tạo, bồi dưỡng và các cơ sở đào tạo tổ chức thực hiện công tác rà soát, thống kê số lượng, đối tượng cần phải đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo yêu cầu và lộ trình nhất định.

Trên cơ sở đăng ký nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cơ sở đào tạo sẽ chủ động và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.

Riêng, đối với đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị thì đầu năm, Ban Tổ chức Trung ương sẽ phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho tỉnh An Giang và dựa vào chỉ tiêu này, cơ quan chuyên môn sẽ thực hiện công tác chiêu sinh, mở lớp và cử cán bộ tham gia học tập.

Trường Chính trị Tôn Đức Thắng là nơi đào tạo nhiều lớp về lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh: N.C

Giai đoạn 2009-2020, An Giang đã đào tạo 8.700 đồng chí về sơ cấp lý luận chính trị; đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị 4.992 đồng chí; đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị 1.596 đồng chí. Nhìn chung, được sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, trình độ và nhận thức của cán bộ được nâng lên rõ rệt, thấm nhuần kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, gương mẫu trong chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước. Sau đào tạo, các cán bộ đều được địa phương đánh giá có triển vọng phát triển và được quan tâm, tạo điều kiện bố trí công tác phù hợp với năng lực, sở trường; nhiều đồng chí phát huy tốt những kiến thức đã học và thực tiễn công tác.

Nâng cao chất lượng

Về tổng thể, cán bộ trong tỉnh đều được cấp ủy các cấp tạo điều kiện nâng cao về lý luận chính trị. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị thời gian qua vẫn còn một số hạn chế nhất định. Trong đó, một số tiêu chí về cán bộ được cử đi đào tạo trình độ lý luận chính trị chưa được cụ thể nên dẫn đến một số cơ quan, đơn vị cử cán bộ chưa phù hợp.

Chẳng hạn, tại mục 2 của Công văn số 4741-CV/BTCTW, ngày 20-5-2013 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề về đào tạo cao cấp lý luận chính trị - hành chính có nêu “các cán bộ được quy hoạch vào chức vụ trưởng phòng và tương đương của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh hoặc cấp huyện thì có thể tham gia đào tạo cao cấp lý luận chính trị”. Do đó, một số cơ quan, đơn vị đã cử cán bộ thuộc đối tượng quy hoạch đi học dẫn đến việc đào tạo cao cấp lý luận chính trị mang tính dàn trải, vì đối tượng được quy hoạch rất rộng.

Một số cơ quan, đơn vị vẫn còn dè dặt và thiếu quyết tâm cử cán bộ đi học do yêu cầu công việc ngày càng cao, trong khi phải thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy nên dẫn đến tình trạng cử cán bộ đi học nhưng do công tác nên xin hoãn, xin rút hoặc thay đổi cán bộ tham gia học tập.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh: “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị - tư tưởng”; “Làm tốt công tác giáo dục chính trị, học tập nghị quyết, thường xuyên bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên”. Để thực hiện tốt nghị quyết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt nghiêm túc các văn bản của Trung ương đến tận cấp cơ sở, giúp cán bộ lãnh đạo các cấp, ngành hiểu rõ về tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng cần được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị.

Tỉnh cũng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị xứng tầm nhiệm vụ, nhất là đảm bảo kiến thức sâu rộng về chuyên môn, có phương pháp giảng dạy tích cực và tư duy đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó, quan tâm lồng ghép nhiều hơn việc vận dụng kiến thức và trình độ lý luận chính trị vào xử lý tình huống thực tiễn nhằm phát huy hiệu quả đào tạo, tập trung hơn vào vai trò của người học. Đồng thời, đổi mới hoạt động nghiên cứu thực tế theo hướng phù hợp, thiết thực, tạo điều kiện cho người học thâm nhập thực tế, rút kinh nghiệm và làm rõ vấn đề lý luận đã được học.

THANH PHÁT

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-quan-tam-cong-tac-dao-tao-boi-duong-ly-luan-chinh-tri-cho-can-bo-a306300.html