An Giang phát triển đô thị thông minh, bền vững

UBND tỉnh An Giang vừa phối hợp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam công bố Khung đề án 'An Giang điện tử' giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm tăng cường sự kết nối giữa các lĩnh vực, giúp quản trị đô thị tinh gọn và thông minh hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm hành chính công tỉnh An Giang. Ảnh: HỮU HUYNH

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm hành chính công tỉnh An Giang. Ảnh: HỮU HUYNH

Đề án tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng dịch vụ công, có thể phản ánh các vấn đề, đối thoại với chính quyền và tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng, triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp;...

Để cụ thể hóa đề án “An Giang điện tử”, tỉnh đã xác định lộ trình và các chương trình, dự án trọng điểm ưu tiên triển khai. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2021, thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung cho đô thị thông minh và triển khai các nhu cầu ưu tiên, dễ thực hiện. Giai đoạn 2019-2025, tập trung thực hiện thí điểm đề án tại các thành phố Long Xuyên, Châu Đốc và một số địa phương trọng điểm khác trong tỉnh. Các lĩnh vực thực hiện gồm: Chính quyền điện tử, du lịch, an ninh - quốc phòng, y tế, giáo dục, môi trường, quy hoạch đô thị, giao thông vận tải, nông nghiệp. Quá trình thực hiện, tỉnh sẽ mở rộng cải tiến mô hình, hình thành nền tảng phân tích dữ liệu lớn, nhằm dự báo tình hình, hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo tỉnh và các địa phương. Tổng kinh phí triển khai đề án gần 610 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách hơn 401 tỷ đồng (ưu tiên hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin), còn lại huy động nguồn xã hội hóa.

* Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 15 cơ sở khám, chữa bệnh công lập; 137 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Trong giai đoạn 2016 -2018, tỉnh đã đầu tư 1.037 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất cho một số cơ sở khám, chữa bệnh như: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường, Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo, Trung tâm Y tế TP Phúc Yên. Tỉnh đã đầu tư hơn 94 tỷ đồng để xây mới, cải tạo, sửa chữa 71 trạm y tế xã, phường, thị trấn, bảo đảm đạt chuẩn quốc gia về y tế; đầu tư gần 220 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế cơ sở. Nhờ sự quan tâm đầu tư đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã có hơn 99% số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; tất cả các trạm y tế xã có bác sĩ công tác; 51% số dân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Trung bình các đơn vị y tế triển khai được 140 dịch vụ kỹ thuật mới theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế; trong đó có một số kỹ thuật vượt tuyến, chuyên sâu được triển khai tại các bệnh viện tuyến tỉnh như: nút mạch máu u xơ tử cung, chụp và can thiệp mạch máu não, nút mạch gan, phẫu thuật u tủy vi phẫu, xạ hình xương, can thiệp mạch... Tỉnh chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.400 cán bộ, y sĩ, bác sĩ, đạt tỷ lệ 10,7 bác sĩ/vạn dân.

Từ nay đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được ít nhất 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện, 15% kỹ thuật của tuyến trên; duy trì 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40407302-an-giang-phat-trien-do-thi-thong-minh-ben-vung.html