An Giang: Những cây táo thấp tè mà trái từ gốc tới ngọn

Ông Nguyễn Văn Mật, ngụ ấp Long Hậu, xã Phú Long, huyện Phú Tân (An Giang) trồng 120 cây táo trong vườn mà cây nào cây nấy trái sai từ gốc lên ngọn. Ai vào vườn táo nhà ông Mật thời điểm hái trái này đều mê.Bình quân 2ngày ông Mật hái 40kg táo bán với giá 16.000-20.000 đồng/kg.

Đến thăm vườn táo của gia đình ông Nguyễn Văn Mật (ngụ ấp Long Hậu), ai cũng ấn tượng với hàng hàng táo sai trái từ gốc đến ngọn. Ông Mật cho biết, để tìm cây trồng mới trên nền đất lúa kém hiệu quả, ông đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng táo nhiều nơi, cuối cùng với sự tư vấn của những nông dân trồng táo thành công ở tỉnh Vĩnh Long, ông bắt đầu trồng thử nghiệm.

Vào thăm vườn táo của gia đình ông Mật vào thời điểm này hầu như du khách nào cũng mê.

Vào thăm vườn táo của gia đình ông Mật vào thời điểm này hầu như du khách nào cũng mê.

Diện tích vườn táo của gia đình ông Mật chỉ khoảng 1.800m2, với 120 cây nhưng cho năng suất thu hoạch suốt 2 tháng nay. Áp dụng theo đúng kỹ thuật trồng táo học được, ông Mật cho cây táo sinh trái trong 6 tháng rồi dưỡng 6 tháng.

Trong nửa năm, ông Mật ước tính thu được 3,6 tấn trái, đem lại nguồn thu khoảng 57 triệu đồng. Khoảng 2 ngày là hái được 40kg táo, thương lái đến tận nhà thu mua từ 16.000-20.000 đồng/kg. Theo ông Mật, mô hình trồng táo này nhẹ công chăm sóc lẫn chi phí đầu tư.

Để sản xuất ra táo sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, ông Mật thực hiện xông hơi đuổi ruồi chứ không lạm dụng xịt thuốc. Ông Mật thiết kế 1 chai nhỏ khoét vài lỗ thông hơi rồi đặt thuốc vào trong lọ treo lên cành táo. Khi đó, ruồi nhặng sẽ không tụ lại, táo sẽ cho trái năng suất và chất lượng cao hơn. Bên cạnh táo, ông Mật còn trồng xen sơ ri, mít siêu trái, hiện phát triển thuận lợi.

Thời gian qua, xã Phú Long, huyện Phú Tân (An Giang) luôn hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng bằng nhiều hình thức. Hội Nông dân đã tổ chức cho bà con tham quan nhiều mô hình trồng cây ăn trái có hiệu quả tại huyện Chợ Mới và các tỉnh, thành phố như: Long An, Hậu Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ…

Bước đầu, tất cả các hộ chuyển đổi giai đoạn đầu đã có thu nhập từ vườn cây ăn trái. Hội Nông dân còn mở các lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng cây ăn trái, làm vườn, hỗ trợ các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân để bà con có nguồn vốn cải tạo vườn ban đầu.

Mùa lũ năm 2018, Phú Long xả lũ trên toàn địa bàn, khó khăn trong việc bao diện tích vùng quy hoạch, nhưng địa phương đã chủ động đào kênh, mương thoát nước, lắp đặt các trạm bơm điện, đảm bảo không có hộ nào trồng cây ăn trái ảnh hưởng do lũ.

Dọc theo lộ chính về trung tâm xã Phú Long và nối dài đến điểm giáp địa phận TX. Tân Châu, cây ăn trái đã phủ xanh trên các vùng sản xuất và phong phú nhiều loại như: chuối, dừa, bưởi da xanh, sơ ri, mít, xoài, sen…Vụ đông xuân năm nay, khoảng 13ha trồng cây ăn trái của 27 hộ dân trên địa bàn xã Phú Long đã bắt đầu thu hoạch, năng suất vượt trội và giá bán tương đối ổn định.

Cũng như các hộ dân khác trên địa bàn, những năm trước, gia đình anh Nguyễn Hoàng Nam (ngụ ấp Phú Tây) chỉ chuyên trồng lúa, nếp, nay anh Nam chuyển toàn bộ diện tích 16.000m2 sang trồng sen lấy gương. Qua 3 tháng sinh trưởng, vườn sen cho thu hoạch 3 ngày/đợt. Liên tục trong 2 tháng qua, năng suất đạt 4,5 tấn gương sen, trừ chi phí còn lời 100 triệu đồng.

Nếu thời điểm trước Tết giá gương sen khoảng 42.000 - 43.000 đồng/kg thì hiện nay được thương lái thu mua từ 52.000 - 53.000 đồng/kg. Ngoài hộ anh Nam, trên địa bàn xã đã phát triển hàng chục hộ trồng sen trong vụ đông xuân để tăng thu nhập với hình thức sen lấy ngó, sen lấy củ, sen lấy gương. Theo đánh giá của Hội Nông dân xã Phú Long, sen là loại cây dễ trồng, chi phí thấp, thích hợp phát triển trên vùng đất phèn, đất trũng thấp.

Phú Long là xã dẫn đầu huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) về quy mô chuyển đổi cây trồng từ đất vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả với tổng diện tích 38ha. Trong đó có 30ha nằm trong vùng quy hoạch chuyên canh trồng cây ăn trái và hơn 18ha nông dân tự chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Những “quả ngọt” đầu mùa đã đem lại niềm phấn khởi cho người dân thuộc xã vùng sâu vốn còn nhiều khó khăn.

Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/an-giang-nhung-cay-tao-thap-te-ma-trai-tu-goc-toi-ngon-971522.html