An Giang nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công

Năm 2022, tỉnh An Giang phấn đấu Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) được xếp trong nhóm 15/63 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất. Đồng thời, xây dựng nền hành chính trong sạch, minh bạch và hiện đại; bộ máy cơ quan hành chính nhà nước được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất đạo đức, năng lực; thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, dân chủ ở cơ sở trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp.

Năm 2021, chỉ số PAPI tỉnh An Giang đạt 42,202 điểm, xếp hạng 32/63 tỉnh, thành phố cả nước (giảm 18 bậc so với năm 2020), thuộc nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình thấp. Để cải thiện những hạn chế trong năm 2021 và duy trì những kết quả đã thực hiện tốt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI) tỉnh An Giang năm 2022. Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, ngành và địa phương; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh An Giang. Ảnh: TRUNG HIẾU

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh; từng bước cải thiện chất lượng quản trị và hành chính công từ tỉnh đến cơ sở, nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước các cấp trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chỉ số PAPI của tỉnh.

Các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện thông qua 8 chỉ số nội dung của chỉ số PAPI. Trong đó, đặc biệt quan tâm cải thiện các chỉ số nội dung mà tỉnh An Giang đạt điểm thấp nhất và điểm trung bình thấp, như: Quản trị điện tử; trách nhiệm giải trình với người dân; tham gia của người dân ở cấp cơ sở và công khai trong việc ra quyết định ở địa phương. Đồng thời, giữ vững, phát huy các nội dung tỉnh An Giang có điểm số thuộc nhóm trung bình cao, cao nhất, như: Cung ứng dịch vụ công; kiểm soát tham nhũng ở khu vực công; thủ tục hành chính công và quản trị môi trường.

Chỉ tiêu năm 2022, có 8 chỉ số nội dung (29 chỉ số nội dung thành phần) đề xuất phấn đấu tăng điểm so với kết quả đạt được của năm 2021. Cụ thể, chỉ số nội dung 1 (tham gia của người dân ở cấp cơ sở), chỉ số nội dung 2 (công khai, minh bạch trong việc ra quyết định) và chỉ số nội dung 3 (trách nhiệm giải trình với người dân) phấn đấu đạt 5,5 điểm; chỉ số nội dung 4 (kiểm soát tham nhũng trong khu vực công) phấn đấu đạt 7,5 điểm; chỉ số nội dung 5 (thủ tục hành chính công) phấn đấu đạt 7,5 điểm; chỉ số nội dung 6 (cung ứng dịch vụ công) phấn đấu đạt 7,8 điểm; chỉ số nội dung 7 (quản trị môi trường) phấn đấu đạt 5,5 điểm; chỉ số nội dung 8 (quản trị điện tử) phấn đấu đạt 5 điểm.

Để đạt được mục tiêu trên, các cấp, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức về các nội dung của chỉ số PAPI, các tiêu chí thành phần của chỉ số PAPI, nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số PAPI đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Đồng thời, phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ cho biết, sở sẽ theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, tổng hợp tình hình thực hiện các nội dung của kế hoạch PAPI năm 2022, đề ra giải pháp nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh hàng năm; đưa vào kế hoạch hàng năm tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức trách nhiệm, kiến thức về kỹ năng hành chính, kỹ năng nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cho cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức, viên chức, tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ, công vụ và cung ứng các dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu việc quán triệt, triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PAPI năm 2022 trong toàn ngành, địa phương. Thực hiện đồng bộ, thống nhất với các chỉ đạo, định hướng chung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công. Đảm bảo nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản trị hành chính công, tạo sự chuyển biến tích cực, thiết thực và hiệu quả nhất của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với cấp chính quyền cơ sở. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án của cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch nâng cao chỉ số PAPI tỉnh An Giang năm 2022.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.

THU THẢO

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-nang-cao-hieu-qua-quan-tri-va-hanh-chinh-cong-a336399.html