An Giang: Hiệu quả thiết thực từ Cuộc vận động

Thực hiện kế hoạch phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' (CVĐ) giai đoạn 2015 -2020, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị và doanh nghiệp (DN) tỉnh An Giang đã triển khai sâu rộng CVĐ đến mọi tầng lớp nhân dân, mang lại kết quả thiết thực.

 Tạo điều kiện cho DN quảng bá, tiêu thụ sản phẩm

Tạo điều kiện cho DN quảng bá, tiêu thụ sản phẩm

Theo đó, Sở Công Thương An Giang đã chủ trì, phối hợp các Sở, ngành thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ; thông tin diễn biến thị trường, giá mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước. Sở cũng xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông về sản phẩm, hàng hóa của DN trong tỉnh; tạo điều kiện cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sở Công Thương đã phối hợp với DN tổ chức nhiều sự kiện đưa hàng Việt về nông thôn, điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam". Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận với sản phẩm hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, có giá hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, giới thiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh thâm nhập vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước; tạo điều kiện để DN thực hiện các chương trình khuyến mại, hội chợ triển lãm thương mại nhằm kích cầu tiêu dùng sản phẩm trong nước sản xuất.

CVĐ đã giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của DN Việt Nam, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Từ đó, xây dựng văn hóa tiêu dùng dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. CVĐ đã góp phần thay đổi nhận thức người dân trước khi mua hàng; hình thành thói quen sử dụng nông sản thực phẩm an toàn, rõ xuất xứ, nguồn gốc qua các kênh phân phối, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, giúp DN đẩy mạnh sản xuất hàng hóa; tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có, phát triển hệ thống phân phối bền vững.

Tỉnh An Giang cũng đã xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nhằm tạo lập và phát triển thị trường; tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi kinh doanh trái phép; tạo sự chuyển biến trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt.

Đặc biệt, các DN quảng bá được thương hiệu, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường từng vùng, tìm thị trường cho sản phẩm. Các điểm bán hàng Việt Nam ở cấp huyện đã giúp người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận và sử dụng nguồn hàng hóa thuần Việt với chất lượng tốt, giá phù hợp với thu nhập của người dân.

Đến nay, An Giang đã xác nhận 22 chuỗi với 27 sản phẩm đạt yêu cầu an toàn thực phẩm; hỗ trợ xây dựng đầu tư điều kiện và chương trình quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm cho 9 cơ sở, doanh nghiệp; phát triển vùng sản xuất xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP 350ha và sản xuất rau an toàn 256ha tại huyện Chợ Mới; xây dựng 4 chuỗi liên kết giống cá tra 3 cấp… nhằm cung cấp ra thị trường các sản phẩm, hàng hóa chất lượng.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/an-giang-hieu-qua-thiet-thuc-tu-cuoc-van-dong-146232.html