An Giang đẩy mạnh sản xuất giống lúa

* Phú Thọ khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớnAn Giang hiện là tỉnh đi đầu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong xã hội hóa giống lúa. Phong trào nhân giống lúa cộng đồng tại An Giang bắt đầu từ năm 2004, đến năm 2019 vẫn duy trì ổn định về diện tích, sản lượng.

Kỹ sư Công ty cổ phần Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (Phú Thọ) kiểm tra mô tế bào cây lâm nghiệp tại phòng thí nghiệm. Ảnh: ĐỨC KHÁNH

Kỹ sư Công ty cổ phần Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (Phú Thọ) kiểm tra mô tế bào cây lâm nghiệp tại phòng thí nghiệm. Ảnh: ĐỨC KHÁNH

Mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 26 nghìn ha đến 31 nghìn ha nhân giống lúa với 160 tổ nhân giống, thu hút 4.500 đến 6.000 lao động. Tỉnh có khả năng cung cấp từ 150 đến 164 nghìn tấn giống lúa mỗi năm. Đây là kết quả của 10 năm thực hiện đề án “Phát triển sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo Quyết định 2194/QĐ-TTg ngày 25-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ” trên địa bàn tỉnh; xác định lúa gạo là một trong ba ngành hàng chủ lực theo định hướng của “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Từ đó, tỉnh đã chú trọng khâu sản xuất giống lúa nhằm bảo đảm năng suất, sản lượng, góp phần giữ vững an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu; triển khai chương trình cánh đồng lớn có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, kêu gọi đầu tư; tăng cường năng lực cho tổ chức nông dân, hợp tác xã, tạo tiền đề đẩy mạnh sản xuất theo hướng chuỗi hàng hóa lớn. Hiện tại, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có 20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân, 25 tổ chức đại diện nông dân như: hợp tác xã và tổ hợp tác tham gia thực hiện liên kết. Thời gian tới, An Giang tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng, theo nhu cầu thị trường; trong đó lấy doanh nghiệp và nông dân làm trọng tâm; Nhà nước giữ vai trò kiến tạo bằng các chính sách đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp, nông dân và các thành phần tham gia cùng phát triển.

* Tỉnh Phú Thọ đang có chủ trương khuyến khích người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng rừng và tăng giá trị của sản phẩm gỗ. Theo tính toán của tỉnh, trồng rừng gỗ lớn giúp người dân tăng thu nhập lên gấp ba lần so với rừng gỗ nhỏ. Trồng rừng gỗ lớn chi phí đầu tư ban đầu, bảo vệ và chăm sóc thấp; có ý nghĩa bảo vệ môi trường, giảm xói mòn, rửa trôi đất. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh trồng hơn 3.400 ha; trong đó, trồng mới 1.200 ha, chuyển hóa đạt 2.100 ha. Để bảo đảm phát triển rừng bền vững, năm 2019, Phú Thọ đã ban hành nghị quyết về hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp; trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển rừng cây gỗ lớn. Chú trọng chuyển đổi rừng keo - nguyên liệu giấy hiện nay sang phát triển cây gỗ lớn để nâng cao giá trị. Theo đó, các đối tượng thực hiện chuyển hóa rừng cây gỗ lớn sẽ được hỗ trợ 12 triệu đồng/ha đối với các hợp tác xã, có quy mô tập trung từ 10 ha trở lên; từ 5 ha đối với các tổ hợp tác và từ 3 ha đối với các trang trại, hộ gia đình có cam kết khai thác sau 10 năm tuổi. Ngoài ra, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư cho các chương trình phát triển lâm nghiệp; nghiên cứu công nghệ mới trong sản xuất, lai tạo giống cây trồng; đẩy mạnh thâm canh năng suất, chất lượng rừng. Phú Thọ có diện tích rừng sản xuất 120 nghìn ha. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trồng và chuyển hóa 8.420 ha rừng cây gỗ lớn; trong đó trồng mới 3.400 ha, chuyển hóa rừng 4.900 ha. Dự kiến đến hết năm 2020, tỉnh có 26 nghìn ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43919902-an-giang-day-manh-san-xuat-giong-lua.html