An Giang: Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng mùa hạn

Mùa khô năm 2020 đến sớm và kéo dài, vì vậy An Giang sớm có kế hoạch chủ động ứng phó hạn hán, và chuyển đổi cây trồng phù hợp để mang lại hiệu quả.

 An Giang đẩy mạnh quy hoạch vùng trồng lúa kém hiệu quả để có kế hoạch chuyển đổi sang trồng rau màu và cây ăn trái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang đẩy mạnh quy hoạch vùng trồng lúa kém hiệu quả để có kế hoạch chuyển đổi sang trồng rau màu và cây ăn trái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Với việc giảm diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, tăng dần diện tích trồng rau màu và cây ăn trái, An Giang đang hướng đến mục tiêu trở thành vùng trọng điểm sản xuất trái cây của ĐBSCL, đặc biệt là trái xoài.

Những diện tích chuyển đổi cho giá trị kinh tế cao hơn, là động lực để tỉnh thực hiện kế hoạch chuyển đổi năm sau cao hơn năm trước.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang rau, màu và cây ăn trái giai đoạn 2017-2020 đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện bước đầu đã đem lại kết quả khả quan. Hiện đất lúa mỗi năm còn duy trì trên 200.000ha, sản xuất 3 vụ/năm.

Từ 2017 đến nay, có gần 12.230ha diện tích trồng lúa được chuyển đổi sang cây ăn trái chủ lực của tỉnh như xoài, chuối, cây có múi và nhãn. Tiếp theo có 31.130ha đất lúa chuyển sang trồng rau, màu, trong đó rau dưa các loại như: ớt, đậu bắp Nhật, đậu nành rau, bắp thu trái non và cây màu như: mè, bắp các loại, đậu các loại và nhóm cây có củ.

Trong quá trình chuyển đổi, các địa phương thực hiện 15 mô hình trình diễn giống bắp các loại trên đất trồng lúa kém hiệu quả, quy mô 0,2ha/mô hình.

Đồng thời, tổ chức 18 lớp tập huấn kỹ thuật trồng bắp các loại bắp lai, bắp trắng, trồng bắp lấy thân, bắp non… cho cán bộ kỹ thuật và nông dân thực hiện chuyển đổi.

Riêng vụ ĐX 2019-2020 tổng diện tích đã thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang cây rau, màu và cây ăn trái trên địa bàn An Giang là: 2.339,68 ha, tăng 579 ha so với năm rồi.

Đối với rau dưa các loại: 846,11 ha trong đó rau các loại 341,93 ha, dưa các loại 103,93 ha và các loại rau khác 400,25 ha. Cây màu: 1.209,2 ha trong đó bắp các loại (bắp lai, bắp non, bắp trắng). Cây ăn trái: 284,37 ha, bao gồm xoài, cây có múi, mít, chuối, ổi, cam…

Theo ông Lâm, năm nay do tình hình biến đổi khí hậu khá gay gắt. Trong vụ HT này ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương và nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng thích hợp trong mùa nắng, sử dụng ít lúa và giảm diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày nhằm đảm bảo thu nhập trên từng diện tích đất. Đặc biệt, nhiều năm qua tại An Giang thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá thuận lợi.

Việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác giúp tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương nên mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập ổn định cho nông dân.

Việc chuyển đổi từ lúa sang màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, bởi giá cả của cây màu thường cao hơn so với lúa 2-3 lần, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn…Trình độ sản xuất người nông dân ngày một nâng cao.

Để làm tăng giá trị trên mảnh đất của mình, anh Nguyễn Văn Đệ ở xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú trồng 2,5 công dưa lưới trong nhà kính và ứng dụng công nghệ cao. Hơn 5 năm thành công ở vùng biên giới, anh Đệ đã hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc và mở ra hướng mới cho nông nghiệp địa phương và đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Anh Đệ cho biết: Chi phí đầu tư cho 1 công dưa lưới như: giống, chất dinh dưỡng, nhân công khoảng 45 triệu đồng/1.000m2, nhà lưới thì 5 năm sau mới bảo trì nên bảo đảm người sản xuất sẽ có lời từ 25.000 – 30.000 đồng/kg dưa. Sau khi trừ hết các chi phí, bình quân 1 công (1.000m2) dưa lưới lãi từ 35- 38 triệu đồng/vụ. Nếu tính thu nhập cây dưa lưới này cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.

Tại vùng đồi núi, mùa khô khó trồng các loại cây gì để phát triển mà mang lại thu nhâp. Nhiều năm nay nông dân ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên tận dùng đồi núi phát triển cây dược liệu trồng dưới tán rừng.

Điển hình như ông Lê Văn Hương ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên có 1 ha đất vừa trồng rừng và kết hợp trồng cây dược liệu đinh lăng và nghệ xà cừ. Trồng đinh lăng khoảng 2-3 năm sẽ cho thu hoạch bán lá và thân.

Hiện, đinh lăng được thu mua với giá 30.000 – 35.000 đồng/kg lá khô. Riêng phần củ và rễ, cây từ 3 năm trở lên có giá 400.000 đồng/kg. Tổng thu nhập từ dược liệu của gia đình ông Hương mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, tiền bán nghệ xà cừ cũng gần 50 triệu đồng/năm.

Bà Nguyễn Thị Lê, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV An Giang cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. UBND tỉnh yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp quy hoạch phát triển các giống cây trồng trên từng địa phương.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chuyển đổi nhưng không được làm mất các yếu tố phù hợp để trồng lúa, khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa mà không phải đầu tư lớn.

Đối với cây trồng chuyển đổi, phải có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải phù hợp với hiện trạng giao thông, thủy lợi nội đồng của địa phương, hạn chế đầu tư lớn và gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo bà Lê, bên cạnh đó việc chuyển đổi cây trồng còn gặp khó khăn. Hiện công tác quy hoạch vùng trồng lúa kém hiệu quả của địa phương còn chậm. Do vậy, địa phương cần quan tâm hơn nữa việc quy hoạch vùng trồng lúa kém hiệu quả để có kế hoạch chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn trái...

LÊ HOÀNG VŨ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/an-giang-day-manh-chuyen-doi-cay-trong-mua-han-d262526.html