An Giang chi 230 tỷ làm nhà hát: Điều quan trọng hơn

Theo ĐBQH Lê Công Nhường, thời điểm này An Giang xây dựng nhà hát với kinh phí lên tới 230 tỷ đồng là chưa phù hợp.

Ngày 23/9/2020, ĐBQH Lê Công Nhường bày tỏ sự ủng hộ với Đất Việt về việc An Giang xây dựng công trình nhà hát tỉnh để phục vụ đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn.

Theo ông Nhường, việc phát triển đời sống văn hóa nhằm nâng cao tinh thần của người dân là điều cần thiết. Bởi yếu tố cốt lõi của một quốc gia phát triển là sự hài lòng và sự hạnh phúc của người dân.

Tuy nhiên, ông Nhường cho rằng, thời điểm này An Giang xây dựng nhà hát với kinh phí lên tới 230 tỷ đồng là chưa phù hợp.

"Trong bối cảnh chúng ta đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh, các chỉ số phát triển kinh tế của đất nước và từng địa phương có nguy cơ không đạt thì việc xây dựng công trình phát triển tinh thần không quan trọng bằng việc phát triển kinh tế.

Với số tiền 230 tỷ đồng, An Giang có thể nên sử dụng đầu tư vào phát triển hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế trong thời điểm hiện tại hơn là phát triển một công trình văn hóa. Khi chúng ta vượt qua khó khăn trong giai đoạn này thì việc xây dựng nhà hát cũng chưa muộn" - ông Nhường bày tỏ.

Phối cảnh nhà hát tỉnh An Giang đang được xây dựng.

Phối cảnh nhà hát tỉnh An Giang đang được xây dựng.

Theo vị ĐBQH, trong thời gian qua, nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, TP. HCM... bỏ ra cả nghìn tỷ đồng xây dựng nhà hát đã vấp phải nhiều sự phản ứng của dư luận.

Đặc biệt như tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi công trình nhà hát hoành tráng được xây dựng đã không hoạt động hiệu quả, không sử dụng đúng công năng và trở thành nơi cho thuê mở quán cà phê, tổ chức sự kiện cưới hỏi là điều không cần thiết, quá lãng phí.

"Chi phí xây dựng công trình nhà hát chỉ là một phần. Điều quan trọng là làm sau để nhà hát đó phát huy hiệu quả đúng với số tiền bỏ ra lại là chuyện khác. Điều này không dễ mà cần phải có một chiến lược lâu dài và tốn kém theo nhiều chi phí. Khi nghiên cứu xây dựng, cần phải có kế hoạch cụ thể và điều này không dễ dàng gì" - ông Nhường bày tỏ.

Trước ý kiến của lãnh đạo Sở VHTT&DL An Giang cho biết, công trình nhà hát không chỉ là nơi biểu diễn văn nghệ mà còn là trụ sở của một số đơn vị, đồng thời cũng là nơi tổ chức những sự kiện chính trị lớn của tỉnh sau này, ĐBQH Lê Công Nhường cho rằng, điều này là không nên.

"Hãy để nhà hát chỉ là nhà hát, nơi phục vụ nhu cầu thường thức văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Các chức năng khác của nhà hát chỉ là việc phụ, tránh việc khi đề xuất dự án thì mang tiếng là vì dân nhưng khi đi vào sử dụng thì mục tiêu đó lại trở thành cái phụ" - ông Nhường nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Đình Thức - một chuyên gia văn hóa Nam Bộ chia sẻ, An Giang được coi là cái nôi của nền văn hóa vùng miền Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, nơi đây nổi tiếng với những địa điểm tâm linh hơn là nghệ thuật ca hát. "Việc địa phương phát triển công trình văn hóa là điều khuyến khích thực hiện nhưng phát triển sao cho đúng với bản chất địa phương lại là câu chuyện khác" - vị chuyên gia cho biết.

Để đánh giá toàn diện công trình nhà hát tỉnh An Giang có nên xây dựng hay không, ông Thức cho rằng cần phải có cái nhìn toàn diện. Ngoài chi phí xây dựng thì chủ đầu tư cũng phải đưa ra được bản xây dựng lộ trình sử dụng, phát triển công trình này làm sao cho hiệu quả và gắn liền với bản sắc văn hóa của địa phương.

Ông Thức thẳng thắn nói: "Thời gian qua có một số địa phương vì chạy theo xu thế mà xây dựng những công trình văn hóa hoành tráng nhưng khi xây xong lại không biết sử dụng như thế nào. Điều đó rất lãng phí!

Hơn nữa, việc xây dựng nhà hát cần phải được lấy ý kiến của người xem nhu cầu của họ có cần thiết hay không rồi mới quyết định xây dựng để tránh bị những điều tiếng không hay, mang tính chất làm dự án hơn là phát triển đời sống văn hóa".

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/an-giang-chi-230-ty-lam-nha-hat-dieu-quan-trong-hon-3419543/