An Giang bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, là cửa ngõ phía Tây Nam của Tổ quốc, có nền văn hóa đa bản sắc với 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer sinh sống. Cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện giao lưu, tỏa sáng và kết hợp văn hóa thành nét đẹp truyền thống đặc sắc.

Di sản văn hóa là một bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc. Đó là những giá trị văn hóa có sức sống trường tồn, vượt qua thẩm định của thời gian để từ quá khứ đến được với hiện tại. Di sản văn hóa dân tộc là tài sản quý giá của mỗi quốc gia, là linh hồn, hạt nhân gắn kết dân tộc. Là biểu hiện rõ nét của bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa đặc biệt quan trọng trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

An Giang hiện có 1.287 di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa, miếu; nhiều danh lam thắng cảnh, hệ thống hang động và di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đáng tự hào. Trong đó, toàn tỉnh hiện có 87 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và di tích khảo cổ - kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê), 28 di tích quốc gia và 57 di tích cấp tỉnh. Hàng ngàn danh lam thắng cảnh, cơ sở thờ tự, kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử truyền thống nằm rải trên địa bàn tỉnh. Mỗi di tích là một câu chuyện cô đọng, chứng tích cho cả giai đoạn phát triển trong lịch sử, là nền tảng soi rọi truyền thống văn hóa cho con người ngày nay và mai sau.

Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Đến với An Giang, vẻ đẹp đầy ấn tượng mà du khách được chiêm ngưỡng chính là quần thể di tích núi Sam (TP. Châu Đốc) với nhiều đình, chùa, lăng miếu cổ kính nằm chen nhau dưới chân ngọn núi uy nghiêm. Nơi đây được nhiều người biết đến với Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, thu hút hàng triệu lượt khách hành hương mỗi năm. Một địa điểm khá nổi tiếng khác là khu du lịch (DL) núi Cấm (huyện Tịnh Biên) - vùng đất nhiều huyền thoại, nhiều loại kỳ hoa dị thảo làm say lòng du khách.

Bên cạnh đó, những khu vực miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer sinh sống (huyện Tri Tôn, Tịnh Biên), hay nơi có đông đồng bào DTTS Chăm sinh sống (TX. Tân Châu, huyện An Phú, Châu Phú) vẫn lưu giữ nét độc đáo của kiến trúc tôn giáo đặc thù, nét văn hóa riêng đầy ấn tượng. Những di tích này đều được bảo tồn nghiêm túc, thỏa mãn đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc, trở thành điểm đến hấp dẫn.

Chùa Tây An (TP. Châu Đốc)

Song song với việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể, dòng di sản văn hóa phi vật thể với lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc được phát huy. Điển hình, Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (diễn ra từ ngày 22 đến 27/4 âm lịch) được chính quyền địa phương, các cấp, ngành cùng nhân dân tập trung tiến hành với nhiều nghi thức long trọng, để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách.

Hay các lễ hội dân gian của đồng bào DTTS Chăm, Khmer thường gắn liền với lễ cúng tôn giáo. Tại huyện miền núi Tịnh Biên, Tri Tôn, đi cùng với lễ Sene Dolta của đồng bào DTTS Khmer, chính quyền địa phương phối hợp tổ chức Lễ hội đua bò Bảy Núi, thu hút rất đông du khách và người dân.

Ngoài lễ hội dân gian truyền thống, các ngành chức năng còn tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) của đồng bào DTTS Chăm, Khmer, tạo nên những ngày hội đầy sắc màu, tôn vinh nét đẹp trong đời sống thường ngày và trong dịp lễ, Tết,...

Từ đó, nét tinh hoa trong đời sống đồng bào dân tộc có dịp tỏa sáng, khơi dậy niềm tự hào và giáo dục giới trẻ bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc mình. Các ngày hội này luôn được sự đón nhận đầy hào hứng của cộng đồng, tạo điều kiện giao lưu về văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội một cách thuận lợi.

Chùa Linh Sơn (huyện Thoại Sơn)

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trương Bá Trạng, để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, ngành VH-TT&DL phối hợp sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa, có ý thức trân trọng, giữ gìn, phát huy giá trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Đồng thời, chọn lựa, bố trí cán bộ được đào tạo cơ bản, có năng lực, đạo đức tốt, yêu nghề làm công tác bảo tồn di sản văn hóa. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực của nhiều cấp, ngành, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa…

MINH THƯ

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-dan-toc-a343111.html