Ăn gì ngon, bổ rẻ ở Hậu Giang?

Tỉnh Hậu Giang nổi tiếng không chỉ với vùng đất phì nhiêu có tiềm năng về du lịch sinh thái mà cũng từ nhiều món đặc sản ăn ngon, bổ rẻ.

Ăn gì ngon, bổ rẻ ở Hậu Giang?

Nếu có dịp đặt chân đến Hậu Giang, du khách hãy thử qua những đặc sản sau đây như: cháo lòng Cái Tắc, chả cá thác lác Hậu Giang, bưởi năm roi Phú Hữu, bún gỏi già… Các bạn sẽ rất ngạc nhiên về hương vị thơm ngon của những món ăn dân dã này đấy.Sau đây, chúng tôi xin gửi đến các bạn những gợi ý nên ăn gì ngon, bổ rẻ ở Hậu Giang.

Cháo lòng Cái Tắc

Cháo lòng Cái Tắc là món ăn đơn giản, phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long như cháo lòng Cái Tắc (huyện Châu Thành A) lại mang những hương vị độc đáo, đặc trưng của vùng đất này mà những ai một lần thử qua đều rất ấn tượng. Cũng vẫn là tim, gan, phèo, phổi, gia vị, gạo nhưng mỗi cửa hàng lại có cách nêm nếm khác nhau tạo nên sự hấp dẫn của món ăn này. Một tô cháo lòng thơm lừng, nóng hổi ăn kèm với rau đắng biển, bắp chuối, giá sống, chanh ớt tạo nên một bản hòa ca mùi vị mà du khách khó có thể cưỡng lại khi một lần dùng thử.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chả cá thác lác Hậu Giang

Món chả cá thác lác hầu như ở khu vực nào cũng có nhưng từ khi món chả các thác lác cườm ở Hậu Giang xuất hiện thì nó nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của món ngon này. Cách làm đơn giản nhất là cá thác lác được chiên với sả ớt, cá được đánh sạch vảy, khứa nhẹ nhiều khứa theo chiều ngang ướp với bột ngọt, sả giã nhuyễn và chiên cá ngập trong chảo dầu. Khi các bốc mùi thơm là du khách có thể thưởng thức được, chả cá ngon nhất là chấm với nước mắm ăn kèm với các loại rau sống cho đỡ ngán. Chả cá thác lác đặc sản Hậu Giang quả thực là một món ngon hấp dẫn du khách.

Bưởi Năm roi Phú Hữu

Tại Hậu Giang du khách phải thưởng thức bưởi năm roi Phú Hữu, loại trái cây ngon nhất của tỉnh. Chất lượng bưởi năm roi Phú Hữu được khẳng định từ nhiều năm nay. Muối bưởi đều đặn, không hạt, tép bưởi ráo, vị ngọt thoảng, chua thanh. Ăn bưởi năm roi Phú Hữu phải chấm với muối tiêu sọ hoặc muối ớt cay thì du khách mới cảm nhận hết được hương vị thơm ngon của loại trái cây nổi tiếng này.

Bún gỏi già

Nếu một lần ghé thăm Hậu Giang du khách có thể thưởng thức món bún gỏi già, nhìn sơ qua thì du khách có thể nhầm với món mắm bởi nguyên liệu chính cho món ăn này là mắm cá linh. Bún gỏi già phải nấu chung với me mới cho ra vị chua chua ngọt ngọt ăn không ngán và điều đặc biệt là bún gỏi già phải ăn chung với tép thì mới thưởng thức trọn vẹn hương vị của tô bún. Những con tép, tôm luộc đỏ au cùng với màu xanh bắt mắt của các loại rau ăn kèm như: rau muống bông chuối làm cho tô bún vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.

Đọt choại

Đọt choại là món rau dân dã ở Hậu Giang. Loại cây này có lá xoăn tít, cuộn lại, vị ngọt nhẹ, thơm, giòn, được chế biến để nhúng lẩu cá ngát, ăn sống, trộn nước mắm giấm tỏi, chấm nước tương, xào tép, canh chua bông điên điển...

Rau đọt choại có đặc điểm dễ úa nên ăn đến đâu, người dân mới đi hái, để lâu sẽ mất vị ngọt. Những bụi đọt choại có vòi dài, lá xoắn, chưa kịp bung ra mới ngon. Giá khoảng 10.000 đồng một bó nhỏ.

Cá ngát

Là loài cá rất tinh ranh, ăn tạp và sống ở những nơi nước sâu, thậm chí khoét hang 2-3 m. Vì vậy, các ngư dân phải rất công phu mới bắt được cá ngát và hương vị của chúng cũng rất đáng để thử một lần.

Cá ngát có thể chế biến thành nhiều món như nướng bẹ chuối, hấp, nấu canh chua, kho tộ hoặc làm món khô ăn với củ kiệu... Tuy nhiên, đơn giản nhất là cuốn vào bẹ chuối hột, nướng trên bếp than hồng để vẫn giữ nguyên hương vị. Khi ăn, bạn có thể kết hợp các loại rau rừng, chấm muối ớt.

Món cá ngát kho tộ thường có trong bữa ăn của người dân sông nước miền Tây. Cá được làm sạch, tẩm ướp với nước mắm ngon, một chút đường, hạt tiêu, ớt và cho lên bếp đun lửa liu riu. Hiện nay, cá ngát là đặc sản tại các quán ăn, nhà hàng, giá từ 70.000 đến 120.000 đồng một kg.

Sỏi mầm

Tên món ăn dễ làm người nghe liên tưởng đến mầm đá của Trạng Quỳnh. Tuy không phải vậy nhưng sỏi mầm cũng có cách thưởng thức rất khác biệt. Lần đầu tiên nhìn thấy cách bài trí món ăn hẳn ai cũng phải ngạc nhiên.

Bởi thay vì nồi niêu hay bếp, thì lại có 3 hoặc 4 viên sỏi được nung thật nóng đặt trên đĩa, xung quanh bày rau sống và cải bắp thái nhỏ, rau thơm, ớt tươi, còn thịt heo rừng ướp sẵn gia vị được bày riêng. Người ăn gắp thịt heo rừng mỏng dính để lên hòn sỏi đang nóng rẫy cho đến khi mùi thơm tỏa lan, vàng săn là đạt. Sau đó, gắp thịt từ trên sỏi cùng rau sống và chấm nước mắm chua ngọt rồi thưởng thức.

Cái ngon của sỏi mầm là tổng hợp từ cả vị thịt heo rừng dai thơm, ngọt, rau xanh mát, nước chấm đậm đà với sự thích thú của thực khách khi chờ đợi thịt chín trên sỏi, nghe tiếng thịt reo xèo xèo ngay trước mặt dù không có bếp. Một món ăn đặc biệt như thế này tất nhiên không nên bỏ qua khi thăm thú Hậu Giang.

Theo Nông Thị Thuyết/Khỏe & Đẹp

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/an-gi-ngon-bo-re-o-hau-giang/20200628085431137