Ăn gì, ngồi ghế số mấy - Hàn Quốc biết 'từng ly' về mọi ca bệnh corona

Mỗi người Hàn đều có thể tra cứu liệu họ có từng lướt qua một người nhiễm virus corona hay không, nhưng việc này làm dấy lên cuộc tranh cãi về tự do cá nhân và sức khỏe cộng đồng.

Bệnh nhân số 12 đã đặt ghế E13 và E14 buổi chiếu 17h30 của phim The Man Standing Next (Người kế tiếp).

Bệnh nhân số 17, trước khi bắt chuyến tàu 12h40, đã ăn tối món canh đậu phụ tại một nhà hàng ở Seoul.

Bệnh nhân số 21 lái xe đi lễ nhà thờ vào một buổi tối trong tuần.

Lịch trình ghi rõ cuộc sống các bệnh nhân những ngày trước khi phát hiện nhiễm virus corona được công khai trên trang web của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc. Lịch sử đi lại của tất cả 29 ca nhiễm ở Hàn Quốc được liệt kê thành các gạch đầu dòng.

Hành trình đi lại của họ được thu thập nhờ hệ thống theo dõi vào loại lớn nhất trong các nước châu Á. Cơ quan y tế có thể truy cập nhiều dữ liệu của những người nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm virus corona: các thanh toán thẻ tín dụng, cảnh quay camera quan sát, dịch vụ định vị trên điện thoại, thẻ đi tàu xe hay hồ sơ nhập cư.

 Đeo khẩu trang ở Seoul. Ảnh: AFP.

Đeo khẩu trang ở Seoul. Ảnh: AFP.

Hàn Quốc mạnh tay theo dõi hơn các nước láng giềng

Tính đến trưa ngày 17/2, Hàn Quốc có 30 trường hợp nhiễm Covid- 19 được xác nhận, đứng thứ 6 trong các vùng lãnh thổ theo thống kê của Worldometer, sau Trung Quốc, Singapore, Hong Kong, Thái Lan và Nhật Bản.

Chính quyền các nơi ở châu Á đã triển khai nhiều biện pháp theo dõi và công bố hành trình đi lại của những người nhiễm bệnh, nhưng đa phần là qua tìm hiểu trực tiếp từ họ.

Trung Quốc, nơi có phần lớn trong số 71.356 ca nhiễm (tính đến trưa 17/2), theo dõi người dân nhờ dữ liệu của các hãng viễn thông, đường sắt hay hàng không. Hong Kong giám sát những gia đình cách ly tại nhà bằng vòng tay điện tử. Đài Loan theo dõi người cách ly tại nhà bằng tín hiệu điện thoại.

Nhưng cách thức của Hàn Quốc nổi bật hơn ở mức độ chi tiết mà chính quyền công bố. Các nước khác không đi vào chi tiết như vậy khi cân nhắc giữa quyền tự do cá nhân và trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Khách tới Hàn Quốc từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau phải cung cấp số điện thoại di động nếu muốn nhập cảnh. Họ cũng phải tải một ứng dụng của chính phủ để báo cáo tình trạng sức khỏe mỗi ngày. Nếu hai ngày liên tiếp mà họ không báo cáo, chính quyền sẽ gọi điện và nếu không được, sẽ truy tìm họ tới tận nơi.

Các ca nhiễm không được nêu tên, và được thông báo rằng thông tin cá nhân của họ được thu thập và hành trình gần đây sẽ được công khai. Nhưng họ không thể từ chối.

Khử trùng trên tàu cao tốc. Ảnh: Yonhap.

Các chuyên gia nói nếu ở phương Tây, các biện pháp này của Hàn Quốc có thể sẽ vấp phải phản ứng dữ dội, thậm chí vi phạm luật về quyền riêng tư, nhất là khi chưa biết chúng có hiệu quả hay không.

“Chúng ta chưa biết nhiều về mức độ lây lan của Covid-19”, Linda Selvey, giáo sư y tế công cộng chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Queensland, Australia, nói với Wall Street Journal. “Điều đó rất quan trọng khi cân nhắc có nên công bố thông tin chi tiết như vậy về ca nhiễm hay không”.

Chỉ trích của dư luận sau dịch MERS 2015

Việc sử dụng “dữ liệu lớn” có thể giúp phát hiện và phản ứng sớm, theo Abdi Mahamud, quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang điều phối việc phòng chống Covid-19 ở tây Thái Bình Dương. “Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, và cần thận trọng khi phân tích những thông tin này”, ông Mahamud nói với Wall Street Journal.

Một số chuyên gia y tế khác cho biết công nghệ kỹ thuật số đang giúp theo dõi các bệnh nhân bị cách ly một cách hiệu quả, chính xác hơn, thay vì các cách thức mất công hơn như đến tận nhà hoặc gọi điện thoại.

“Sử dụng phương tiện thế kỷ 21 để theo dõi các ca bệnh là một điểm mới thú vị trong y tế cộng đồng”, ông William Schaffner, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt, bang Tennessee, Mỹ nói với Wall Street Journal.

Nguyên nhân giới chức Hàn Quốc nhiều quyền hạn như vậy, và được công chúng ủng hộ như vậy, đến từ những tranh luận sau phản ứng được coi là chậm đối với dịch MERS, căn bệnh do một chủng virus corona khác gây ra.

Một sách trắng được chính phủ công bố sau dịch bệnh viết rằng chính phủ đã không đủ minh bạch trong giai đoạn đầu của dịch.

Khán giả tại một giải trượt băng nghệ thuật ở Seoul ngày 9/2. Ảnh: AFP.

Dịch MERS trong hai tháng năm 2015 đã khiến 186 người mắc bệnh, 38 người tử vong. Phải sau nhiều tuần, chính phủ mới công bố các thông tin quan trọng như tên và địa điểm các bệnh viện có ca nhiễm. Sự chậm trễ của chính phủ khiến công chúng bất an không rõ MERS đang lây lan như thế nào và ở những đâu.

“Bệnh nhân số 0” đã tới ba cơ sở y tế khác nhau trước khi được chẩn đoán nhiễm MERS. Một người bị lây từ bệnh nhân số 0 đã lây cho hơn 80 người khác.

Theo một cuộc thăm dò năm 2015 của Realmeter, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Seoul, gần 7/10 người Hàn Quốc không tin tưởng vào cách chính phủ xử lý dịch MERS.

Tình nguyện viên Chữ thập Đỏ Hàn Quốc đang chuẩn bị đồ ăn cho bệnh nhân Covid-19 tại Incheon ngày 13/2. Ảnh: Yonhap.

Sức ép từ người dân

Phản ứng giận dữ của công chúng dẫn đến những thay đổi về lập pháp từ trước khi dịch MERS kết thúc. Hàn Quốc sửa đổi luật phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm, trao cho các quan chức y tế quyền hạn lớn hơn có thể đóng cửa các cơ sở và tiếp cận thông tin cá nhân của ca nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh.

Thay đổi luật cũng tăng nặng hình phạt những ai không tuân thủ luật, và thành lập một trung tâm khẩn cấp hoạt động 24 giờ để theo dõi các bệnh truyền nhiễm.

“Bây giờ có những cơ chế để xác định, công bố hành trình của người bệnh”, ông Jun Byung Yool, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc, nói với Wall Street Journal.

Thủ tướng Chung Sye Kyun (phải) kiểm tra thân nhiệt trong chuyến thăm một phòng khám ở tỉnh Gyeonggi ngày 8/2. Ảnh: Yonhap.

Khi mối đe dọa Covid-19 bắt đầu xuất hiện vào tháng 1, các cơ chế mới này được khởi động. Các bệnh viện đo thân nhiệt ngay lối vào, lập ra khu riêng để khám cho bệnh nhân có nguy cơ, và có nhiều phòng đặc biệt hơn để điều trị cho các ca bệnh truyền nhiễm.

Các bác sĩ giờ đây có thể tra cứu dữ liệu để xem bệnh nhân có từng tới một cơ sở y tế khác hay đi ra nước ngoài gần đây.

Theo khảo sát của Realmeter, hơn 55% người Hàn Quốc đồng tình với cách xử lý của chính quyền Tổng thống Moon Jae In. Tỷ lệ ủng hộ ông Moon tăng gần 5% trong những tuần gần đây.

Hàn Quốc có thể sẽ còn mạnh tay hơn đối với dịch bệnh. Đầu tháng này, các nhà lập pháp Hàn Quốc đã đề xuất sửa đổi luật về bệnh truyền nhiễm, tăng hình phạt cho người vi phạm quy định cách ly từ 3 triệu won (2.540 USD), lên 20 triệu won (16.902 USD).

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/an-gi-ngoi-ghe-so-may-han-quoc-biet-tung-ly-ve-moi-ca-benh-corona-post1048134.html