Ăn đúng cách để sữa chua phát huy tác dụng

Sữa chua là một sản phẩm làm từ sữa rất giàu dinh dưỡng.

Sữa chua không chỉ giữ lại tất cả những lợi ích của sữa, mà một số đặc điểm dinh dưỡng đã được điều chỉnh cho phù hợp và dễ hấp thu với cơ thể con người.

Sữa chua cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi (Lactobacillus acidophilus và Bifido bacterium), giúp bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng. Một số vi khuẩn trong sữa chua còn tạo ra kháng sinh có khả năng diệt các vi khuẩn có hại trong ruột. Vì vậy, có thể xem sữa chua là một “vắc-xin tự nhiên” giúp ngăn ngừa và giảm bớt triệu chứng của một số bệnh dạ dày, đường ruột phổ biến như: khó tiêu, ợ chua, viêm loét dạ dày... Với một số người sợ uống sữa (do cơ thể thiếu men lactose nên không chuyển hóa được đường lactoza trong sữa dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa) thì sữa chua ăn có thể giúp họ ngon miệng, vì hầu như không gây khó chịu cho hệ tiêu hóa.

Tuyệt đối không ăn sữa chua khi đang uống kháng sinh.

Tuyệt đối không ăn sữa chua khi đang uống kháng sinh.

Trong sữa chua có nhiều vi khuẩn có lợi cho đường ruột.

Bên cạnh công dụng tốt cho tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng, axit lactic trong sữa chua còn hỗ trợ ngăn ngừa sự xâm nhập và kiềm chế hoạt động của các loại vi khuẩn có hại cho da, giúp da mịn màng, tươi trẻ.

Khi ăn sữa chua cần lưu ý các điều sau đây:

Nên sử dụng khoảng 2 hộp sữa chua hàng ngày, sau bữa ăn từ 1 - 2 giờ.

Không ăn sữa chua lúc đói bụng vì khi đó độ chua của dịch dạ dày cao sẽ tiêu diệt phần lớn các vi khuẩn có ích trong sữa chua. Để tránh tác hại này, trước khi ăn sữa chua ta nên làm giảm độ chua của dịch dạ dày có thể ăn tạm ít hoa quả hoặc bánh quy... sau đó mới ăn sữa chua. Không ăn sữa chua và uống thuốc cùng lúc: các vi khuẩn lactic có trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt. Tốt nhất sau khi uống thuốc từ 2 - 3 giờ mới nên ăn sữa chua.

Người bị viêm họng nên lấy sữa chua ra khỏi tủ lạnh 10 phút rồi mới ăn. Tuyệt đối không được đun nóng sữa chua sẽ chết các vi khuẩn có ích trong sữa.

Người tiểu đường, người dư cân chỉ ăn sữa chua không đường. Sau khi ăn sữa chua cần súc miệng và đánh răng thật sạch để tránh các vi khuẩn lactic trong sữa chua còn sót lại, làm hỏng men răng.

Đối với người bị viêm loét dạ dày (đau dạ dày) thường phải dùng thuốc kháng axít nên làm cho vi khuẩn sinh hơi dồn lên, làm bụng trở nên ấm ách rất khó chịu. Nếu ăn sữa chua trong trường hợp này giúp cho bụng hết sình hơi, ấm ách là nhờ khí được đẩy xuống và tính axit được phục hồi.

Với trẻ bị tiêu chảy hoặc biếng ăn, cho ăn sữa chua sẽ khỏi tiêu chảy là nhờ sữa chua lập lại cân bằng vi khuẩn ở ruột và chất kháng sinh lactocidine có trong sữa chua giúp việc điều trị tiêu chảy. Sữa chua dễ tiêu hóa nên rất phù hợp với trẻ biếng ăn. Cơ thể hấp thu sữa chua gấp 3 lần sữa tươi.

Khi lạm dụng kháng sinh sẽ làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột nên cơ thể rất dễ nhiễm bệnh. Trong trường hợp này, sữa chua rất có hiệu quả trong việc lập lại cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột. Nhưng việc bổ sung cần được tiến hành ngay sau đợt sử dụng kháng sinh chứ không phải trong khi dùng kháng sinh, vì kháng sinh và men vi sinh hoặc sữa chua sẽ đối nhau. Trong khi kháng sinh đang tìm cách tiêu diệt vi khuẩn, thì men vi sinh lại làm việc ngược lại là cung cấp thêm lợi khuẩn cho đường ruột, làm cản trở quá trình tiêu diệt vi khuẩn của kháng sinh.

BS. Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/an-dung-cach-de-sua-chua-phat-huy-tac-dung-n188054.html