Ấn Độ xứng danh quốc gia 'nghiện' đọc sách nhất thế giới

Ấn Độ có tỷ lệ người biết chữ thấp hơn mức trung bình toàn cầu nhưng lại đứng đầu danh sách các quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới.

Chỉ số Văn hóa Thế giới (World Culture Score Index NOP) xếp hạng Ấn Độ là quốc gia đọc sách nhiều nhất trên thế giới.

Đứng ngay sau Ấn Độ, lần lượt là Thái Lan, Trung Quốc, Phillipines. Kể cả những cường quốc khác như Nhật Bản, Mỹ cũng phải “ngả mũ” trước độ “mọt sách” của người Ấn Độ.

Tỷ lệ người biết chữ thấp hơn mức trung bình thế giới

Người Ấn Độ trung bình dành hơn 10 tiếng một tuần để đọc sách. Tiếp theo đó là người Thái Lan với khoảng 9,4 giờ/tuần và người Trung Quốc với khoảng 8 giờ/tuần.

Công dân Cộng hòa Séc, Pháp, Thụy Điển dành khoảng 7 tiếng để đọc sách mỗi tuần, cao hơn mức trung bình chung của thế giới là 6,5 tiếng/tuần.

Cường quốc như Mỹ và Nhật Bản chỉ đạt mức trung bình về thời gian đọc sách, trong đó một người Mỹ dành khoảng 5,7 tiếng mỗi tuần còn người Nhật Bản là 4 tiếng mỗi tuần.

Như vậy, Ấn Độ có tỷ lệ người biết chữ thấp hơn mức trung bình toàn cầu nhưng lại đứng đầu danh sách các quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới.

Ấn Độ đứng đầu thế giới về độ "mọt sách". Ảnh - Lutheran Heritage Foundation

Ấn Độ đứng đầu thế giới về độ "mọt sách". Ảnh - Lutheran Heritage Foundation

Mặc dù chỉ số nêu trên không chỉ rõ loại tài liệu được đọc (có thể là thông tin trên mạng, không nhất thiết là sách in), cũng không chỉ rõ độ tuổi, trình độ học vấn, giới tính, và số người được khảo sát, nhưng đây vẫn là một phát hiện ấn tượng bởi nhiều lý do.

Ấn Độ là nơi sinh trưởng của bốn tôn giáo quan trọng trên thế giới: Ấn Độ giáo (Hindu), Phật giáo, đạo Jaini và đạo Sikh.

Từ xa xưa, người Ấn Độ đã xuất hiện các thành phố có những đặc tính đô thị văn minh và khoa học tiến bộ. Ấn Độ có một di sản văn hóa phong phú và đặc trưng duy nhất, nên họ luôn tìm cách giữ gìn những truyền thống của mình trong suốt thời kỳ lịch sử trong khi vẫn hấp thu các phong tục, truyền thống và tư tưởng từ người nước ngoài.

Kể từ khi đất nước này giành độc lập vào năm 1947, ước tính thời lượng đọc sách của người dân Ấn Độ chỉ bằng một phần sáu so với hiện nay. Chưa kể, số lượng người dân không biết đọc chữ chiếm phần lớn.

Chính phủ nước này dành sự quan tâm đặc biệt với công cuộc phát triển văn hóa đọc của nước nhà. Giáo dục được coi trọng bởi mọi thành viên ở mọi giai cấp. Hiện nay, văn hóa đọc sách ở Ấn Độ đã có nhiều thay đổi đáng kể.

Đọc sách không còn bó buộc trong những quyển sách giấy mà còn bao gồm việc đọc thông tin trực tuyến, sách điện tử.

Delhi: “vũ trụ sách” của Ấn Độ

Delhi là một trong những thành phố hiện đại bậc nhất, là “đầu tàu” kinh tế của Ấn Độ. Delhi cũng tự hào là nơi có nhiều cửa hàng sách nhất cả nước, trong đó bao gồm những cửa hàng sách rất lâu đời. Dù trong thời đại của phim ảnh và sách điện tử, nhiều người dân nơi đây vẫn duy trì thói quen đọc sách in.

Tiệm sách cũ ven đường tại Connaught Place, Delhi

Nền văn hóa đọc cũng phát triển mạnh mẽ ở đây. Từ tiệm sách Amrit ở Connaught Place đã tồn tại hơn 80 năm, đến các chuỗi nhà sách nằm trong nhiều trung tâm thương mại của thành phố hay những quầy bán sách cũ ven đường, chợ sách mỗi chủ nhật tại Daryaganj.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi du khách cũng có thể thấy các “mọt sách” ở bất cứ đâu. Có những tiệm sách gắn với cả cuộc đời người ví như những câu chuyện tại tiệm sách Faqir Chand and Sons ở Khan Market.

Anh Abhinav Bahmi chia sẻ với tờ The Citizen rằng mình thuộc thế hệ thứ tư trong gia đình bán sách tại cửa tiệm này: “Có những khách hàng rất lớn tuổi đã đưa con cháu của họ đến đây và cho chúng thấy những dấu ấn của tuổi thơ, thời niên thiếu của họ đã trải qua như thế nào. Có những người dù đã không còn sống trong nước nhưng mỗi khi trở về đều ghé qua đây để hồi tưởng lại những ký ức cũ”.

Tiệm sách Faqir Chand and Sons gắn với tuổi thơ của rất nhiều cư dân Delhi

Còn theo Rajni Malhotra – chủ tiệm sách Bahrisons Booksellers, văn hóa đọc của thành phố đã có sự phát triển vượt bậc kể từ năm 1953. Theo cô, kể cả khi Internet phát triển, người dân ở đây thậm chí còn tò mò hơn về những gì mới.

Mọi người có thói quen lên mạng và tìm kiếm những tựa sách mới. Các bài đánh giá và blog trực tuyến cũng cho phép lan tỏa thông tin về những cuốn sách hay, hấp dẫn người yêu sách đến các hàng sách.

Giải thích cho điều này, nhiều chủ tiệm sách ở Delhi cho rằng, sự gia tăng số lượng độc giả trong thập kỷ qua đến từ khát khao khám phá bản thân và sự tò mò về thế giới xung quanh ngày càng lớn hơn.

Cụ thể hơn, lịch sử cung cấp cho ta những thông tin về nguồn gốc của thế hệ ông cha đi trước, những thăng trầm mà đất nước trải qua, giúp độc giả hiểu thêm về danh tính bản thân và một phần sự thật của thế giới.

Mặt khác, trong những năm gần đây, độc giả của thành phố cũng quan tâm nhiều hơn về các vấn đề xã hội và sự đa dạng văn hóa, tôn giáo, giới tính. Do đó, những cuốn sách về lịch sử, văn hóa, xã hội luôn có một sức hút to lớn đối với độc giả Delhi. Thậm chí những cuốn sách hay được đông đảo người đọc đón nhận còn được chuyển thể thành phim tài liệu, phim điện ảnh.

Theo một chủ tiệm sách khác là Sanjeev Arora của Janpath, doanh thu bán sách phi hư cấu vượt xa sách hư cấu như truyện lãng mạn và tiểu thuyết. Điều này mới xảy ra những năm gần đây. Cùng với đó là sự gia tăng đáng kể các tác giả phi hư cấu của Ấn Độ và số lượng đầu sách cũng tăng lên.

Cách đây vài năm, số lượng sách của tác giả nội địa chỉ chiếm 20% số sách được bán, phần lớn doanh thu là sách của các tác giả nước ngoài. Hiện nay sách của các tác giả Ấn Độ chiếm gần 85% tổng doanh thu của các tiệm sách.

Xu hướng này không chỉ diễn ra ở các tiệm sách lớn mà ngay cả những người bán sách rong ven đường cũng cập nhật những cuốn sách của tác giả Ấn Độ về bán.

Hơn thế nữa, đã có nhiều nhà văn Ấn Độ hiện đại nổi tiếng, cả với các tác phẩm bằng tiếng Ấn Độ và tiếng Anh. Nhà văn Ấn Độ duy nhất đoạt giải Nobel văn học là nhà văn dùng tiếng Bengal – Rabindranath Tagore.

Người Ấn Độ không chỉ đọc một mình và im lặng

Các hiệu sách của Delhi đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các phong trào văn hóa đọc mới trong thành phố.

Tiệm sách Amrit đã có tuổi đời hơn 80 năm

Từ năm 2014, các nhà sách lớn, trong đó có Amrit tại Connaught Place, đã thúc đẩy trào lưu đọc các dòng sách về thơ ca đối với giới trẻ. Đại diện của nhà sách này cho biết, những khách hàng nhí quen thuộc của tiệm sách đã chia sẻ rằng chúng yêu thích đọc và làm thơ.

Trào lưu đọc thơ cũng bắt nhịp với sự gia tăng của văn hóa trình diễn và phong trào sáng tác thơ ca trên nhiều nơi khác nhau của thành phố. Các cuộc thi tìm kiếm tài năng, biểu diễn thơ ca tại các trường học và đại học đã thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên tham gia.

Thơ trình diễn trở thành một hình thức giải trí phổ biến gần như nhạc sống ở các quán cà phê và quán bar địa phương, và được giới trẻ tích cực sử dụng như một phương tiện thể hiện bản sắc và tiếng nói của cá nhân.

Có thể giải thích cho điều này như sau, truyền thống văn học sớm nhất Ấn Độ là hình thức truyền miệng, và sau này mới ở hình thức ghi chép. Đa số là các tác phẩm linh thiêng như (kinh) Vedas và các sử thi Mahabharata và Ramayana. Văn học Sangam từ Tamil Nadu thể hiện một trong những truyền thống lâu đời nhất Ấn Độ.

Văn hóa “indie” cũng không giới hạn trong thơ. Một số cửa hàng độc lập như MayDay ở Shadipur có bán tạp chí và tác phẩm tự xuất bản, lưu hành số lượng ít, thường kết hợp nghệ thuật và thơ ca với các vấn đề xã hội liên quan của những nhà thơ tự do.

Đáng nói, sự quan tâm này còn mở rộng ra các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác như phim ảnh, âm nhạc, nhảy múa. Ấn Độ cũng là nước sản xuất ra số lượng phim hàng năm cao nhất thế giới. Trong đó có một số lượng lớn tác phẩm điện ảnh sử dụng tiếng Kannada, tiếng Malayalam, tiếng Tamil, tiếng Telugu và tiếng Bengal.

Thơ trình diễn là một hình thức giải trí phổ biến gần như nhạc sống ở các quán cà phê

Còn âm nhạc Ấn Độ được thể hiện ở rất nhiều hình thức. Âm nhạc cổ điển bao gồm hai hình thức chính là Carnatic từ Nam Ấn, và Hindustani từ Bắc Ấn. Còn loại hình âm nhạc phổ thông nổi tiếng nhất được gọi là Filmi.

Âm nhạc dân gian từ mỗi nơi trên đất nước cũng mang đến màu sắc cá biệt cho nền nhạc nước này. Có nhiều hình thức nhảy múa cổ điển hiện diện ở Ấn Độ mang đậm yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng, ví như Bharatanatyam, Kathakali, Kathak và Manipuri.

Những hiểu biết về các loại hình nghệ thuật khác khiến việc trình diễn thơ trở nên phong phú và đa dạng hơn.

Tóm lại, có thể thấy người Ấn Độ ngày nay tin rằng tri thức chính là “mắt, mũi, miệng, tai” của họ. Chính vì thế, họ dành nhiều thời gian để đọc sách, tiếp cận tri thức, chiêm nghiệm và chia sẻ với tất cả những người khác.

ĐỖ TRANG

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/an-do-xung-danh-quoc-gia-nghien-doc-sach-nhat-the-gioi-d131757.html