Ấn Độ xây 44 tuyến đường để tăng cường phòng thủ biên giới với TQ

Các tuyến đường mới được xây dựng trên 5 bang dọc theo biên giới với Trung Quốc sẽ cho phép Ấn Độ triển khai quân đội nhanh chóng trong trường hợp xảy ra xung đột.

Chính phủ Ấn Độ sẽ chi 2,9 tỷ USD để xây dựng 44 tuyến đường mới dọc theo biên giới với Trung Quốc, South China Morning Post trích dẫn tài liệu của chính phủ Ấn Độ cho biết. Các tuyến đường sẽ được xây dựng trên 5 bang dọc biên giới.

Kế hoạch phù hợp với một loạt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng được đích thân Thủ tướng Narendra Modi theo dõi hoặc khởi xướng, kể từ khi ông nhậm chức 4 năm trước. Kế hoạch nhằm tăng cường năng lực của các bang phía đông bắc Ấn Độ trong việc chống lại những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.

Đề xuất đã được chấp thuận bởi ủy ban nghị viện đa đảng và đang chờ sự phê duyệt của hội đồng nội các do Thủ tướng Modi đứng đầu, theo báo cáo được trích dẫn bởi Press Trust của Ấn Độ. Việc xây dựng sẽ do Cục Công trình Công cộng Trung ương (CPWD), thuộc Bộ Liên bang về các vấn đề nhà ở và đô thị, và Tổ chức đường bộ biên giới (BRO) tiến hành.

Thủ tướng Modi vẫy tay chào người dân khi ông dự lễ khánh thành cầu Bogibeel. Ảnh: AFP.

Cơ sở hạ tầng đường bộ gần biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc có tổng chiều dài hơn 4.065 km, bao gồm khu vực tranh chấp giữa hai nước. Trong hơn 5 thập niên, Ấn Độ ít quan tâm đến cơ sở hạ tầng khu vực biên giới cho đến những tháng gần đây, khi họ bị thúc đẩy bởi cuộc đụng độ ở khu vực Doklam năm 2017, lúc Trung Quốc xây dựng con đường dẫn đến khu vực này.

Các nhà phân tích cho biết những con đường được đề xuất dọc biên giới sẽ cho phép Ấn Độ triển khai quân đội một cách nhanh chóng trong tình huống cần thiết.

Jayadeva Ranade, chủ tịch Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc, nói: “Dự án tuy quan trọng nhưng có vẻ chậm khi so với quá trình xây dựng của Trung Quốc”. Ông Ranade nêu ra 3 lợi ích mà các tuyến đường mang lại cho Ấn Độ.

Dhola–Sadiya, cây cầu dài nhất Ấn Độ nối bang Assam và Arunachal Pradesh. Ảnh: Rediff.

Theo ông, thứ nhất, các tuyến đường sẽ kết nối các hoạt động kinh tế, truyền thông đến khu vực biên giới. Thứ hai, nó sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển quân đội. Hiện tại, quân đội Ấn Độ phải mất vài ngày để đi đến điểm xa nhất trong quá trình tuần tra. Thứ ba, việc triển khai thiết bị quân sự sẽ nhanh chóng hơn khi các tuyến đường đi vào hoạt động. Quân đội Ấn Độ đang mất rất nhiều thời gian do phải tháo gỡ ra để vận chuyển và lắp lại khi đến nơi.

Tháng trước, hội đồng nghị viện về các vấn đề đối ngoại đã công bố báo cáo về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của các tuyến đường biên giới và kêu gọi cuộc đại tu triệt để.

“Cơ sở hạ tầng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc đang xuống cấp nghiêm trọng. Ấn Độ phụ thuộc vào các tuyến đường độc đạo, kéo theo nhiều rủi ro nếu xảy ra xung đột quân sự. Tệ hại hơn, nhiều tuyến đường không được xây dựng cho mục đích giao thông quân sự. Người Trung Quốc đã đặc biệt tận dụng điều này trong cuộc xung đột biên giới năm 1962 và chúng ta phải rút ra bài học quá khứ về vấn đề này”, báo cáo viết.

Trong tháng 12/2018, Thủ tướng Modi đã khánh thành cây cầu Bogibeel, trên tuyến đường bộ, đường sắt dài nhất Ấn Độ. Dự án bị đình trệ trong nhiều năm kể từ khi được khởi xướng 21 năm trước tại bang Assam. Cây cầu có thể chịu được tải trọng của xe tăng hạng nặng.

Trước đó, cây cầu dài nhất Ấn Độ, dài 9,2 km nối Assam và Arunachal Pradesh đã được thông xe vào năm 2017, cho phép dễ dàng triển khai tài sản phòng thủ chiến thuật ở khu vực này.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/an-do-xay-44-tuyen-duong-de-tang-cuong-phong-thu-bien-gioi-voi-tq-post909611.html