Ấn Độ vươn mình lớn mạnh (K1): Điểm sáng kinh tế thế giới

LTS: Cộng hòa Ấn Độ là một quốc gia ở Nam Á, lớn thứ 7 về diện tích và dân số thứ 2 thế giới với 1,31 tỷ người.

Xét về kinh tế, trong khi tốc độ tăng trưởng toàn cầu có xu hướng chậm lại thì Ấn Độ tăng tốc phát triển mạnh trong những năm gần đây. Theo báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới 2018, tốc độ tăng trưởng GDP Ấn Độ được dự báo 6,7% năm 2017, lên 7,2% năm 2018 và 7,4% năm 2019; tiếp tục được xem là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trung tâm Nghiên cứu CEBR của Anh còn dự báo Ấn Độ có thể vượt Anh và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới ngay trong năm nay.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ

Lịch sử ghi nhận Tiểu lục địa Ấn Độ là nơi xuất hiện nền văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại, có các tuyến đường mậu dịch quan trọng, trở nên giàu có về thương mại và văn hóa trong suốt tiến trình lịch sử nơi này. Đây cũng là nơi bắt nguồn các tôn giáo lớn: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo, Sikh giáo. Khu vực này dần bị thôn tính, chuyển sang nằm dưới quyền quản lý của Công ty Đông Ấn Anh đầu thế kỷ 18, sau đó Anh Quốc trực tiếp tiếp quản vào giữa thế kỷ 19. Ấn Độ trở thành quốc gia độc lập năm 1947 sau cuộc đấu tranh mạnh mẽ dưới hình thức bất bạo động do Mahatma Gandhi lãnh đạo.

 Thủ tướng N. Modi - biểu tượng đổi mới sáng tạo của Ấn Độ.

Thủ tướng N. Modi - biểu tượng đổi mới sáng tạo của Ấn Độ.

Theo công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) năm 2016 tổng sản phẩm nội địa của Ấn Độ xấp xỉ 2.250 tỷ USD, đứng thứ 7 thế giới và thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản) và có GDP danh nghĩa 1.604 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,8%/năm kéo dài suốt trong 2 thập niên qua.

Vì thế, Ấn Độ trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Về lịch sử phát triển, trước năm 1991, chính phủ Ấn Độ theo chính sách quản lý nhà nước tập trung, tạo bức tường ngăn cách với thế giới bên ngoài. Một cuộc khủng hoảng sâu sắc về cán cân thanh toán năm 1991 buộc Ấn Độ phải tự do hóa nền kinh tế và chuyển đổi theo hướng thị trường tự do. Mô hình kinh tế Ấn Độ đã bắt đầu mang màu sắc tư bản chủ nghĩa, trở thành thành viên của WTO từ 1-1-1995.

Theo đường lối kinh tế tự do, Ấn Độ đã có bước phát triển rất nhanh, đến 2010 được xếp hạng 51 trên thế giới về năng lực cạnh tranh, hạng 7 về thị trường tài chính, 44 về trình độ phát triển kinh doanh, 39 về đổi mới, cách tân nền kinh tế… Nhờ GDP tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng.

Tuy vậy, Ấn Độ vẫn phải đối mặt nhiều thách thức: Là nơi có số lượng nhiều nhất người sống dưới chuẩn nghèo quốc tế (1,25USD/ngày), 48% số trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu cân, suy dinh dưỡng.

Đến nay Ấn Độ đã định hình các ngành sản xuất công nghiệp như dệt nhuộm, viễn thông, hóa chất, dược phẩm, công nghệ sinh học, gang thép, thiết bị vận tải, dầu mỏ, sản xuất phần mềm. Về nông nghiệp, Ấn Độ có các mặt hàng chủ lực như gạo, lúa mì, hạt có dầu, khoai tây, bông, đay, trà, mía đường. Đặc biệt, Ấn Độ được nhìn nhận là nơi gia công phần mềm hàng đầu thế giới; phát triển chỉ đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ.

Ngành công nghiệp ô tô của Ấn Độ cũng tăng trưởng nhanh thứ 2 thế giới, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Riêng ngành công nghệ thông tin, Ấn Độ đã tạo việc làm cho 2,8 triệu chuyên viên, đạt doanh thu 100 tỷ USD, bằng 7,5% GDP và đóng góp đến 26% kim ngạch xuất khẩu.

Một góc đô thị Ấn Độ đông đúc người xe.

Chính sách kinh tế ModinomicsTrong cuộc bầu cử năm 2014, Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do Đảng Nhân dân Ấn Độ của ông N.Modi làm nòng cốt đã giành chiến thắng tuyệt đối, thành lập chính phủ mà không cần liên minh với các đảng khác.

Điều này là nhờ “mô hình Gujarat” - những chính sách mà ông đã áp dụng thành công ở bang Gujarat - đã khơi dậy niềm tin của người Ấn Độ về việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, sẽ triển khai trên toàn bộ đất nước. Các quyết sách đem lại thịnh vượng và phồn vinh cho người dân Gujarat trở thành nền tảng cho chính sách kinh tế mới, được gọi là Modinomics. Trên vai trò Thủ tướng, ông Modi đặc biệt coi trọng phát triển những lĩnh vực chủ chốt của Ấn Độ: Xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp mạng lưới thông tin, phát triển ngư nghiệp, đẩy mạnh ngành công nghiệp chế tạo trong nước…

Do hệ thống kết cấu hạng tầng đất nước còn nhiều yếu kém, Thủ tướng Modi chú trọng việc thiết kế, xây dựng các đường cao tốc, sân bay, hệ thống kho vận, bến bãi. Ông đã công bố kế hoạch 5T, gồm: Nhân tài, Thương mại, Công nghệ, Du lịch, Truyền thông - là những vấn đề quan trọng nhằm thực hiện cải cách sâu rộng, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước.

Những sáng kiến, khẩu hiệu của ông đưa ra là để làm, không phải để nói, để định hướng, như “Sản xuất tại Ấn Độ”, “Thương hiệu Ấn Độ”, “Ấn Độ kỹ thuật số”, “Kỹ năng Ấn Độ”, “Ấn Độ trong sạch”… đã giúp đẩy mạnh thực hiện các dự án quan trọng, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng nên đã thúc đẩy đầu tư, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế vượt trội.

Nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đối mặt nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế suy giảm sâu, xã hội bất ổn, ông Modi đặt ưu tiên hàng đầu là phục hồi nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thổi luồng sinh khí mới trong đời sống xã hội. Chỉ sau hơn 2 năm dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, những thành quả của chính sách Modinomics đã bắt đầu hiển hiện, tạo sự phát triển bứt phá nền kinh tế Ấn Độ, dần tạo ra diện mạo và vị thế mới của đất nước này.

Ngoài các chính sách kinh tế mới, ông Modi còn tỏ rõ thái độ lãnh đạo quyết đoán và nghệ thuật, đã vực dậy nền kinh tế thành công: Tăng trưởng kinh tế cao trong khi thâm hụt ngân sách giảm, chỉ số lạm phát được khống chế, cải thiện đời sống người dân một cách thực chất. Nhờ chính sách cải cách, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ ngày càng gia tăng mạnh mẽ trong khi xu thế chung trên toàn cầu lại sụt giảm.

Năm 2015 Ấn Độ đã vượt Trung Quốc dòng vốn này, thành quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới với 63 tỷ USD; năm 2016 tiếp tục gia tăng lên 75 tỷ USD và chưa thấy dấu hiệu dừng lại. Chính sách Modinomics đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển chưa từng có, đưa Ấn Độ trở thành một nhân tố có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực và trên thế giới.

Lấy lại bước sẩy chân
Ấn Độ đất rộng, người đông, người dân phân chia theo đẳng cấp xã hội. Các tầng lớp được xác định bằng hàng ngàn nhóm thế tập nên đối mặt gian nan tình trạng ngược đãi và phân biệt. Nhờ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong các thập niên gần đây, thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn phải tiếp tục xử lý các vấn nạn và thách thức: tỷ lệ nghèo đói cao, tàn phá hệ sinh thái và tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên nước và khoáng sản, nạn tham nhũng, giáo dục và y tế thiếu thốn…

Phát triển kinh tế những năm gần đây là thành tựu nổi bật, nhưng quá trình này cũng xảy ra những cú “sẩy chân”, gây sốc lớn. Một là, lệnh đổi tiền bất ngờ được Thủ tướng Modi đưa ra vào tháng 12-2016, rút 86% số tiền giấy ra khỏi lưu thông. Hai là, chương trình cải tổ hệ thống thuế quy mô lớn nhằm đưa 29 tiểu bang của nước này thành một thị trường chung. Với các động thái này, chính phủ dự báo sẽ có sự giảm tốc tăng trưởng nhưng thực tế sự sụt giảm diễn ra quá mạnh. Hãng CNN đưa tin tốc độ GDP 6 tháng đầu năm 2017 giảm về mức 5,7% so với 7% cùng kỳ, là mức tăng chậm nhất trong 3 năm.

Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất cho thấy Ấn Độ lại tiếp tục phục hồi đà tăng trưởng. Theo đó, kinh tế quý IV-2017 của Ấn Độ đạt mức 7,2% nhờ sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp; cao hơn mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 6,8%. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley phát biểu: “Tăng trưởng kinh tế mạnh cho thấy có vẻ như ảnh hưởng bất lợi của 2 cải cách cơ cấu quan trọng nhất giờ đã lùi lại phía sau. Hy vọng trong những quý tới, chúng ta có thể chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn”.

Với sự phục hồi mạnh mẽ, IMF dự báo GDP của Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,4% năm 2019 và 7,8% năm 2020, tiếp tục nới rộng khoảng cách với Trung Quốc. Hiện tại, chính quyền của Thủ tướng N.Modi đang ấp ủ dự định triển khai chiến lược phát triển với tầm nhìn xa hơn. Ông Amitabh Kank, một cố vấn chính sách hàng đầu của chính phủ, cho rằng với những cải cách lớn đã làm được, Ấn Độ có thể đạt mức tăng trưởng 10% hoặc hơn nữa, “là điều có thể làm được”.
(còn tiếp)

Lê Duyên

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ho-so/an-do-vuon-minh-lon-manh-k1-diem-sang-kinh-te-the-gioi-55111.html