Án Đỗ Tử Bình tham vàng lừa vua Nam chinh

Trong lịch sử nước Nam, theo hiểu biết nông cạn của người viết, nếu không phải là nhầm, thì duy nhất các vị vua nước Việt, chỉ một vị bỏ mạng nơi nước người khi chinh chiến. Ấy là vua Trần Duệ Tông. Làm trai, thân lấy da ngựa bọc thây, xem cái chết nhẹ tựa hồng mao cũng là lẽ thường tình. Nhưng cái chết của vua Trần, gián tiếp, lại từ kẻ bề tôi xúi giục mà mang họa...

Trần Duệ Tông luyện quân đánh Chiêm Thành

Trần Duệ Tông luyện quân đánh Chiêm Thành

Nơi “Lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt Nam” có đôi dòng ghi: “vua Trần Duệ Tôn đi thân chinh (1376) dẫn quân đến cửa biển Thi nại (ở phía đông huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định bây giờ), vua Chiêm là Chế Bồng Nga trá hàng rồi phục quân mà đánh chặn ngang, vua Duệ Tôn phải tử trận, quân sĩ chết mất nhiều lắm”. Kẻ có gan hùm che mắt vua, để đến nỗi vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377) dẫn quân vào đất người, rồi chết trong đám loạn quân, là Đỗ Tử Bình đấy.

Đỗ Tử Bình là ai?

Ghi chép về họ Đỗ trong sử nước Việt, rất nhỏ giọt và rời rạc. Xem ra, việc phục dựng lại gần nhất tiểu sử, gốc tích của Đỗ Tử Bình, chẳng dễ dàng gì. Đến ngay sử thần nhà Nguyễn khi biên soạn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, khi viết tới Đỗ Tử Bình, cũng không biết tung tích, quê quán thật sự của viên quan này, mà trong “lời chua”, chỉ có thể đưa ra giả thuyết rằng, Đỗ Tử Bình, có thể là người huyện Cổ Lan, và nơi ấy ở thời điểm sách “Cương mục” được viết ra, thuộc về Nam Định. Và nên nhớ, đó vẫn chỉ là ước đoán bởi họ liên hệ với sách “An Nam chí” của Cao Hùng Trưng có đề cập đến vườn Tử Bình ở huyện Cổ Lan là nơi thắng cảnh để du ngoạn, nên có thể Tử Bình là người huyện Cổ Lan chăng? Ước đoán thế, làm sao chắc chắn cho được.

Vậy nên, chỉ còn biết nhặt nhạnh dăm ba mảnh sử liệu liên quan mà phác họa lại đời làm quan của họ Đỗ mà thôi. Nhiều nhất, là “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi lại.

Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cho biết, tháng Giêng năm Mậu Tuất (1348), khi đang làm ngự tiền học sinh, vua bổ dụng Đỗ Tử Bình làm Thị giảng. Đây là chức quan làm việc trong Hàn Lâm viện, có nhiệm vụ soạn các văn bản như chiếu, chế, chỉ… của vua. Lần được bổ dụng này của họ Đỗ, có thể xem là lúc đương tiến thân của y đang lên. Và đây cũng là lúc mà tên tuổi họ Đỗ xuất hiện trong chính sử. Xem qua nơi “Việt sử cương mục tiết yếu”, ta được biết tháng 7 năm Kỷ Hợi (1359), Đỗ Tử Bình được bổ làm Tri khu mật viện sự. Tháng 12 năm Nhâm Dần (1362), Đỗ Tử Bình được dùng làm Đồng tri Môn hạ Bình Chương sự.

Vào cuối thời Trần, bên phía Chiêm Thành, Chiêm chúa là Chế Bồng Nga nhiều phen đem quân lấn sâu vào đất Đại Việt. Sự bất ổn trong quan hệ Chiêm - Việt ngày càng tăng. Quân Đại Việt đã có phen Nam tiến đánh Chiêm Thành, và Đỗ Tử Bình cũng tham gia. “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” còn ghi lại việc này. Đó là vào tháng 12 năm Đinh Mùi (1367), vua sai Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đem quân đi đánh Chiêm Thành “Thế Hưng làm thống quân, Tử Bình làm phó, kéo quân đến Chiêm Động. Người Chiêm đặt quân mai phục, ập ra đánh; quan quân tan vỡ nặng nề. Thế Hưng bị giặc bắt; Tử Bình rút về”.

Tháng 4 năm Nhâm Tý (1372) Tử Bình được cất nhắc lên cao hơn, được dùng làm Hành khiển, tham mưu quân sự. Trải qua thời gian, rõ là họ Đỗ được các vua nhà Trần ngày một tín nhiệm mà đặt vào những chức vụ cao. Gần nhất, ấy là vị trí tham mưu quân sự, đòi hòi có năng lực, nhãn quan tốt trong việc binh bị.

Trần Duệ Tông chết trong đám loạn quân

Kẻ gián tiếp hại vua

Khi nói về Đỗ Tử Bình, sử thần Ngô Thì Sĩ nhận định rằng: “Nước đến khi sắp mất, tất nhiên trời sinh ra một người để mà phá hoại. Việc Tử Bình được tiến cử, là lúc mối hấn khích ở biên giới Nhật Nam đã chớm nảy nở, cái nguy cơ tai họa của Duệ Tông đã ngấm ngầm phục sẵn, mà từ đó, dần dần gây ra mối suy sụp cho cơ nghiệp nhà Trần”. Điều ấy, xét ra quả đúng. Cứ xem những việc Đỗ Tử Bình làm, gây nên tai họa lớn cho nước, y đáng xử tội chết nghìn lần.

Thời vua Trần Duệ Tông, những muốn chinh phạt Chiêm Thành để cho phân rạch được thế mạnh của Đại Việt so với Chiêm quốc, vua Duệ Tông không ngừng chuẩn bị lương thảo, tích trữ khí giới, rèn luyện quân binh, quyết một phen sống mái với phía Nam. Thế nên, ngay trong năm Ất Mão (1375), vua cho tuyển lĩnh, dùng Hồ Quý Ly làm tham mưu quân sự. Sang năm sau vào dịp tháng 5, Chiêm Thành lại lần nữa vượt biên giới lấn vào đất Hóa Châu. Vua cho duyệt binh ở Bạch Hạc giang, có ý đánh Chiêm. Dẫu Ngự sử trung tán là Lê Tích, rồi Ngự sử đại phu Trương Đỗ can, nhưng vua nào có nghe, nên tháng 12 năm Bính Thìn (1376) vua thân chinh.

Lại như “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cho hay, sở dĩ một phần vua quyết ý đánh Chiêm, ấy chính là do lời nói vu của Đỗ Tử Bình. Bởi chăng trước đó, Đỗ Tử Bình trấn giữ đất Hóa Châu “chúa Chiêm là Chế Bồng Nga đưa 10 mâm vàng để dâng triều đình. Tử Bình ăn chặn, trẩm đi, lại nói dối rằng: Bồng Nga kiêu ngạo, khinh nhờn, vô lễ, nên đem quân đi đánh. Bấy giờ nhà vua mới quyết tâm thân chinh”. Rõ là ở đây, Chế Bồng Nga đã có ý sợ uy lực Đại Việt, nên mới dân vàng mà tạ lỗi. Đáng ra với trách nhiệm là kẻ đại diện cho nước ở nơi Hóa Châu, Đỗ Tử Bình phải thành thực mà tâu thưa về triều đình quan hệ hai nước ấm nồng trở lại. Nhưng mờ mắt vì vàng, hắn chẳng những không làm tròn chức trách, mà còn nhắm mắt làm bừa, tham ô luôn 10 mâm vàng ngoại giao ấy. Và thế là, chiến tranh nổ ra. Vua Việt dẫn quân thân chinh qua ải, để rồi, như lời “Việt sử diễn nghĩa” ghi:

Đánh cùng Chiêm chúa Bồng Nga,

Đồ thành bại tích thật là tại ai?

Duệ Tôn vốn chúa dụng tài,

Mới lên thừa thống trong ngoài chưa êm.

Nghe theo gian nịnh đánh Chiêm,

Thất cơ một trận sư tiềm thân vong.

Tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1377), bị trúng kế trá hàng, quan quân Đại Việt đại bại trên đất Chiêm. Vua Trần Duệ Tông chết trong đám loạn quân. Đỗ Tử Bình cũng theo đoàn quân đánh Chiêm ấy, vì lãnh hậu quân không đến cứu, nên y thoát chết mà chạy về. Theo “Toàn thư” cho biết, ngay hôm ấy, đất Thăng Long đang ban ngày mà trời tối đen như mực.

Vì tội không cứu giá, Đỗ Tử Bình bị giam vào trong cũi, và “Xe cũi chở Tử Bình về qua phủ Thiên Trường, người ta tranh nhau lấy ngói gạch ném vào thuyền mà chửi”. Khi về đến Thăng Long, Đỗ Tử Bình bị xử tội, được tha tội chết, đồ làm binh lính. Không rõ với việc sử ghi như vậy, họ Đỗ bị xét tội thất trận, không cứu vua, hay là tội tham ô 10 mâm vàng để gây nên họa binh đao. Cứ theo tình hình mà xét, thì hẳn là tội của họ Đỗ, chính là cầm quân mà không cứu vua, đến nỗi thân vàng phải lụy. Như thế, vẫn còn là nhẹ tội cho hắn lắm.

Chế Bồng Nga từng đem quân đánh vào tận Thăng Long

Ấy thế mà sau đó, dù bị đồ làm lính, nhưng rồi họ Đỗ lại còn nước quay trở lại chốn quan trường, khi sử cho hay vài năm sau, vào năm Canh Thân (1380) y được bổ dùng làm Nhập nội Hành khiển, tả tham tri chính sự, lĩnh chức Kinh lược sứ ở Lạng Giang. Chẳng những thế, sau này Bình chết, còn được thờ trong Văn Miếu nữa. Dẫu vậy, sử sau này chép rõ ràng cả.

Công tội của y, làm sao chìm lấp cho được. Thế nên lời sử thần nhà Lê Ngô Sĩ Liên quả là xác đáng “Tử Bình trộm giấu vàng cống của Bồng Nga, dối vua tâu bậy, để đến nỗi Duệ Tôn đi đánh phương Nam không trở về được, nước nhà từ đấy thường có mối lo Chiêm Thành vào cướp, tội ấy giết cũng chưa đáng”.

Trần Đình Ba

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/an-do-tu-binh-tham-vang-lua-vua-nam-chinh-372984.html