Ấn Độ, Trung Quốc quan hệ kinh tế ra sao trước vụ đụng độ chết người?

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ chỉ sau Mỹ, trong khi Ấn Độ là nguồn cung quan trọng của các ngành công nghệ và kĩ thuật Trung Quốc.

Biên giới hai bờ Trung - Ấn những ngày qua trở nên vô cùng căng thẳng sau vụ đụng độ làm 20 binh lính Ấn Độ tử vong. Theo Guardian, những ngày qua, người tiêu dùng Ấn Độ ồ ạt kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Chính quyền New Delhi cũng sẽ tăng thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc và cấm doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các dự án hạ tầng viễn thông Ấn Độ.

Trước vụ đụng độ ở biên giới, hai quốc gia châu Á có mối quan hệ kinh tế - thương mại chặt chẽ trong nhiều thế kỷ. Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới với GDP 13.600 tỷ USD. Trong khi đó, Ấn Độ xếp thứ 3 châu Á với GDP 2.700 tỷ USD.

Từ việc cung cấp linh kiện công nghiệp và nguyên liệu thô cho đến đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và công nghệ Ấn Độ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, chỉ sau Mỹ.

 Người dân Ấn Độ kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: AP.

Người dân Ấn Độ kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: AP.

Nhập siêu và FDI quy mô lớn

Theo thống kê của Bloomberg, Trung Quốc chiếm hơn 5% tổng sản lượng xuất khẩu của Ấn Độ và hơn 14% lượng nhập khẩu trong năm tài chính 2019 - 2020. Điều đó có nghĩa Ấn Độ đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc.

Đồng thời, Ấn Độ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới. Như vậy, Trung Quốc trở thành nguồn cung lớn nhất của Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ là khách hàng lớn thứ bảy của Trung Quốc, theo dữ liệu từ Invest India.

Trong nhiều thập kỷ qua, Ấn Độ mua từ Trung Quốc điện thoại thông minh, thiết bị kỹ thuật, linh kiện ôtô, thành phẩm thép, thiết bị viễn thông, dược phẩm, hóa chất, nhựa và nhiều sản phẩm công nghiệp thiết yếu khác. Lượng hàng Ấn Độ mua từ Trung Quốc tăng 45 lần kể từ năm 2000. Từ tháng 3/2018 đến 3/2019, Ấn Độ mua hơn 70 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc.

Trung Quốc còn trực tiếp đầu tư vào các ngành luyện kim, năng lượng tái tạo, thiết bị điện, ôtô và hóa chất của Ấn Độ. Bloomberg China Global Tracker Tracker cho biết đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Ấn Độ đạt 4,14 tỷ USD trong năm 2019. Con số theo công bố của Bộ Thương mại Trung Quốc là 8 tỷ USD trong năm 2018-2019.

Trung Quốc là nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg.

Invest India xác định có khoảng 800 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại thị trường Ấn Độ. Trong đó, có 75 công ty thuộc ngành kĩ thuật công nghệ như sản xuất điện thoại, máy tính, thiết bị điện và ôtô. Các cái tên quen thuộc của ngành điện thoại thông minh như Vivo, Oppo, Midea đều có mạng lưới hoạt động tại Ấn Độ.

Đó chưa phải là toàn bộ bức tranh về mối quan hệ kinh tế Trung - Ấn. Trung Quốc còn có những khoản đầu tư khổng lồ vào "Thung lũng Sillicon châu Á" thông qua các văn phòng ở Singapore và Hong Kong, theo một báo cáo của Gateway House.

Có thể kể đến khoản vốn mà Tập đoàn Alibaba rót vào Paytm - một cổng thanh toán và thương mại điện tử Ấn Độ - thông qua Alibaba Singapore. Tuy nhiên, những trường hợp này sẽ không được thực hiện dưới tên của nhà đầu tư Trung Quốc, do đó rất khó để quản lý rõ ràng.

Thoát Trung

Theo ước tính, hàng loạt nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc đã rót khoảng 4 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ. Tính đến tháng 3/2020, có đến 18 trong số 30 startup kỳ lân của Ấn Độ là do Trung Quốc đầu tư.

Trung Quốc cung ứng trên 2/3 nguyên liệu cho ngành dược phẩm, một trong những ngành công nghiệp lớn nhất của Ấn Độ. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc còn thống trị thị trường điện thoại thông minh tại Ấn Độ với hơn 72% thị phần, bỏ xa Samsung và Apple, theo báo cáo của Gateway House.

Sukanti Ghosh - Giám đốc Công ty tư vấn Albright Stonebridge Group - cho biết Ấn Độ là thị trường trọng điểm trong tham vọng thống trị thị trường công nghệ toàn cầu của Trung Quốc. "Cả hai nước đều hưởng lợi từ mối quan hệ này", ông nói.

Tuy nhiên, mối quan hệ chính trị - kinh tế giữa hai nước đang đang trượt tới bờ vực. Năm ngoái, Mỹ vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Nhờ đó, Mỹ nâng cao ảnh hưởng tại nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á.

Người dân Ấn Độ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc sau vụ đụng độ làm 20 binh lính Ấn Độ tử vong. Ảnh: EPA-EFE.

Tháng 4/2020, chính quyền New Delhi ban hành lệnh thắt chặt đầu tư nước ngoài, một động thái được xem là để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. "Ấn Độ cần phải giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc", ông Gopalaswami Parthasarathy - nhà ngoại giao kỳ cựu của Ấn Độ - khẳng định.

Tháng 11/2019, Ấn Độ rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, một khối thương mại kết nối Trung Quốc với các nền kinh tế lớn khác trong châu Á. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong năm 2018-2019 kim ngạch thương mại hai nước đạt hơn 87 tỷ USD. Ấn Độ đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc.

Kỹ sư Sonam Wangchuk là một trong những người đi đầu chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc tại Ấn Độ sau vụ đụng độ ở biên giới. "Chúng ta cần phải sử dụng các biện pháp kinh tế. Ấn Độ đã tốn quá nhiều tiền cho Trung Quốc. Chúng ta cần thoát khỏi cái bẫy đó", ông nhấn mạnh.

Bùi Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-do-trung-quoc-quan-he-kinh-te-ra-sao-truoc-vu-dung-do-chet-nguoi-post1097703.html