Ấn Độ triển khai kế hoạch ấp ủ hơn 3 năm cho binh sĩ biên giới: Nhận thêm lạc đà, 'hổ mọc thêm cánh'?

Lạc đà hai bướu sẽ tham gia phục vụ hậu cần cho binh sĩ Ấn Độ ở vùng biên giới trên núi cao.

Theo India Today, lạc đà hai bướu sẽ được quân đội Ấn Độ sử dụng để di chuyển và tuần tra ở khu vực đồi núi ở đông Ladakh. Kế hoạch này đã được chuẩn bị từ 3 năm trước và sắp tới sẽ được triển khai giữa bối cảnh mâu thuẫn Trung-Ấn tiếp tục leo thang dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC).

Trong số những địa điểm triển khai lạc đà hai bướu, đáng chú ý nhất là Daulat Beg Oldie (DBO) và Depsang - những khu vực tập trung một lượng lớn quân đội từ cả hai nước Trung Quốc và Ấn Độ. Được biết, những địa điểm này có độ cao trung bình cao hơn 5km so với mực nước biển.

Lạc đà hai bướu, hay còn được gọi là lạc đà Bactrian, thường sinh sống tại thung lũng Nubra ở Ladakh ở độ cao gần 4km so với mực nước biển. Những con lạc đà được quân đội sử dụng đang được nuôi bởi viện nghiên cứu quốc phòng tại Leh, do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đảm nhiệm.

Ảnh: Abhishek Bhalla/India Today

Ảnh: Abhishek Bhalla/India Today

Sau nhiều thử nghiệm và nghiên cứu so sánh với lạc đà một bướu được đưa tới từ Rajasthan, các nhà khoa học cho biết lạc đà hai bướu phù hợp với nhiệm vụ ở vùng đồi núi hơn.

Việc nhân giống lạc đà sẽ được chuẩn bị ở Leh để đảm bảo rằng quân đội sẽ có đủ quân số lạc đà theo yêu cầu. Một nguồn tin cho biết theo ước tính, khoảng 50 lạc đà sẽ được giao cho lính biên phòng Ấn Độ.

Manoj Batra, một sĩ quan thú y của Quân đội Ấn Độ, cho biết: "Lạc đà hai bướu rất phù hợp với các điều kiện ở vùng núi. Chúng có thể thồ hơn 170kg ở độ cao 5,6km so với mực nước biển, nhiều hơn rất nhiều so với ngựa. Lạc đà cũng có thể sống sót ít nhất 72 tiếng mà không cần uống nước".

"Chúng sẽ được sử dụng cho mục đích di chuyển, tuần tra và được giao cho quân đội trong 5-6 tháng tới".

Các sĩ quan cho hay lạc đà sẽ được đưa tới vùng Daulat Beg Oldie để thử nghiệm khả năng thực tế.

Lạc đà hai bướu cũng thường xuất hiện trên "con đường tơ lụa" giữa Tây Tạng và Ladakh. Hiện tại, một giống ngựa có tên là Zanskar đang được quân đội Ấn Độ sử dụng nhưng dường như chúng di chuyển không đủ nhanh trên địa hình cát. Tuy nhiên, ngựa leo núi tốt và có thể chở theo 40-50kg hàng hóa - ít hơn lạc đà hai bướu rất nhiều.

Vùng Ladakh chỉ có khoảng 350-400 con lạc đà hai bướu, do đó việc nuôi dưỡng và sinh sản sẽ được các chuyên gia theo dõi để đảm bảo nhu cầu của quân đội. Ngoài ra, những con lạc đà lớn tuổi sẽ được thay thế bằng lạc đà sung sức hơn.

Theo India Today, quân đội Ấn Độ đang tìm cách nâng cao năng lực tuần tra ở những vùng xa xôi hẻo lánh nhưng gặp nhiều áp lực từ quân đội Trung Quốc, bao gồm DBO và Depsang.

Được biết, dự án sử dụng lạc đà đã được đưa ra từ sau vụ đối đầu Doklam hồi năm 2016 giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở ngã ba Sikkim giữa Ấn Độ - Tây Tạng (Trung Quốc) - Bhutan.

Tất Đạt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/an-do-trien-khai-ke-hoach-ap-u-hon-3-nam-cho-binh-si-bien-gioi-nhan-them-lac-da-ho-moc-them-canh-82020199185810791.htm