Ấn Độ thúc đẩy trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quốc phòng

Với lợi thế của một cường quốc về công nghệ thông tin, Ấn Độ đang đẩy mạnh triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào nhiều trang thiết bị, vũ khí cho quân đội nước này.

Một xe chiến đấu không người lái sử dụng trí tuệ nhân tạo của quân đội Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu triển khai một dự án quốc phòng đầy tham vọng khi mà thế giới đang tiến vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) để tăng cường tính sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang nước này một cách đáng kể bằng việc sẽ trang bị những xe tăng, tàu chiến, các phương tiện bay không người lái và vũ khí tự động hoàn toàn.

Người phụ trách về công nghiệp quốc phòng của Bộ Quốc phòng Ấn Độ Ajay Kumar cho biết, Chính phủ nước này đã quyết định trang bị những vũ khí, khí tài AI cho cả 3 quân chủng bộ binh, không quân và hải quân sau khi xem xét đến những yêu cầu của tác chiến trong tương lai.

Ông Kumar nhấn mạnh, xe tăng, tàu chiến, phương tiện bay không người lái và vũ khí robot tự hành sẽ được sử dụng rộng rãi, vì vậy Ấn Độ cũng phải bắt đầu ứng dụng AI vào quân sự như những cường quốc khác.

Quan chức đứng đầu ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ còn cho biết thêm, một lực lượng đặc biệt do Chủ tịch Tập đoàn Tata, ông Sons N.Chandrasekaran đứng đầu, đang hoàn tất các chi tiết cũng như khuôn khổ của dự án quốc phòng và dự án sẽ được thực hiện theo “mô hình quan hệ đối tác” giữa các lực lượng vũ trang với khu vực tư nhân.

Ông Chandrasekaran khẳng định, đây là sự chuẩn bị của Ấn Độ cho cuộc chiến tranh thế hệ mới vốn sẽ áp dụng ngày càng nhiều công nghệ với mức độ tự động hóa ngày càng cao. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra với dự án quốc phòng của Ấn Độ là sản xuất nhiều nhất có thể những trang bị, vũ khí, khí tài không cần người điều khiển có thể dùng cho cả bộ binh, hải quân và không quân.

Việc đẩy mạnh ứng dụng AI trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ rất thuận lợi, dựa trên nền tảng quốc gia này là một cường quốc về công nghệ thông tin và có nền tảng công nghệ AI hàng đầu thế giới. Hiện AI, với sự đi đầu của các tập đoàn như Tata, Infosys và Wipro đã tạo ra một ngành công nghiệp trị giá 143 tỷ USD và mang lại khoảng 4 triệu việc làm tại Ấn Độ. Điều đáng nói là một trong những khách hàng công nghệ AI lớn của Ấn Độ lại chính là quân đội Mỹ, nước có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới.

Việc cường quốc công nghệ thông tin và công nghệ AI như Ấn Độ triển khai dự án quốc phòng đầy tham vọng về ứng dụng AI cũng cho thấy cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới đang tiến lên một cấp độ mới.

Sự ra đời của các robot quân sự, xe tăng, máy bay, tàu chiến… ứng dụng AI sẽ dần dần thay thế vai trò của con người. Đó là bởi AI có thể tạo ra những người lính robot cực kỳ thông minh, những xe tăng, máy bay… hoạt động 24/24 giờ không mệt mỏi, có sức mạnh và sức chịu đựng phi thường...

Do mới phát triển nên những robot hay vũ tự động hóa vẫn còn những hạn chế. Tuy nhiên, trong tương lai, các robot vũ khí tự động hóa sẽ có tư duy như con người, có khả năng nhận biết, đánh giá tình hình và đưa ra quyết định, phối hợp với binh sĩ hoặc tương tác với các robot khác thực hiện tất cả các nhiệm vụ trong chiến đấu.

Hiệp hội Quốc tế về robot cho biết, mới có tổng số khoảng 11.000 robot phục vụ quân sự được sản xuất tính vào năm 2014, song với tốc độ phát triển khoảng 13%/năm, sẽ có ít nhất 230.000 robot quân sự được sản xuất vào năm 2040 và gần 1 triệu robot mỗi năm vào năm 2053. Khi đó, cả lý luận chiến tranh và nghệ thuật quân sự, phương thức tác chiến… của quân đội các nước trên thế giới đều có sự thay đổi căn bản so với hiện nay.

HOÀNG TUẤN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/an-do-thuc-day-tri-tue-nhan-tao-trong-linh-vuc-quoc-phong/768614.antd