Ấn Độ thay đổi chiến lược chi tiêu quốc phòng vì Covid-19

Đại dịch toàn cầu Covid-19 đã phô bày ra yếu điểm của quân đội nhiều quốc gia trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng y tế quy mô lớn. Chính vì thế, chi tiêu cho quốc phòng của thế giới trong vài năm tới có thể sẽ giảm mạnh để dành nguồn lực cho y tế và xã hội.

Tuy nhiên, Ấn Độ có thể là ngoại lệ trong xu thế cắt giảm chi tiêu quân sự toàn cầu. Quốc gia Nam Á này sẽ vẫn tiếp tục duy trì mức chi quốc phòng hiện tại, nhưng thay đổi cơ cấu mua sắm trang bị quân sự ít nhất trong vài năm tới.

Cơ hội để tái cơ cấu chi tiêu quốc phòng thường niên

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hồi đầu tuần, Ấn Độ sẽ không cắt giảm chi tiêu quốc phòng do Covid-19 và đang nỗ lực tái cơ cấu lại chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh đại dịch.

Một điểm đáng chú ý trong chi tiêu quân sự hàng năm của Ấn Độ là tới 60% được dành để trả lương và đảm bảo đời sống cho bộ máy quân đội. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình 30-40% của quân đội nhiều quốc gia trên thế giới. Giới chức quốc phòng Ấn Độ đang nỗ lực để giảm mức chi tiêu này trong bối cảnh GDP của Ấn Độ trong năm 2020 có thể giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh.

 Chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ luôn được duy trì tỷ lệ cao trên GDP trong nhiều năm qua.

Chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ luôn được duy trì tỷ lệ cao trên GDP trong nhiều năm qua.

“Chúng tôi đang nỗ lực tối ưu hóa mức chi tiêu quốc phòng. Các ưu tiên sẽ phải tối giản trong ít nhất 2-3 năm tới. Chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng khi GDP của nước này giảm dưới mức 2% như dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế”, chuyên gia phân tích Laxman Kumar Behera thuộc Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ nhận định.

Theo lời chuyên gia Laxman Kumar Behera, với bài học của Covid-19, Ấn Độ chắc chắn sẽ phải dành thêm nguồn lực cho y tế vốn chỉ được chi 3,7% GDP trong năm 2019. Để so sánh, con số này ở nhiều quốc gia là 10%.

“Sau đại dịch, giới chức Ấn Độ chắc chắn sẽ ưu tiên nguồn lực cho y tế và xã hội, hơn là dùng để mua sắm trang bị quân sự”, ông Laxman Kumar Behera cho biết.

Trong hơn 1 thập niên qua, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở nhịp độ cao, Ấn Độ có điều kiện chi mạnh tay cho quốc phòng. Từ năm 2010 tới 2019, chi tiêu quốc phòng hằng năm của Ấn Độ đã leo từ vị trí thứ 9 lên thứ 3 trong danh sách Top 10 quốc gia chi tiêu cho quốc phòng hàng đầu thế giới. Ấn Độ luôn duy trì mức chi tiêu quốc phòng trên 2,3% GDP hằng năm.

“Covid-19 đã tạo ra một tiền lệ đặc biệt. Khi mối quan tâm của quốc gia không không nằm ở sức mạnh quân sự, mà là khả năng kiểm soát nguồn lực để khống chế và phòng ngừa khủng hoảng”, chuyên gia Bharat Karnad, cựu chuyên viên Trung tâm nghiên cứu Chính trị Ấn Độ nhận xét.

Việc cắt giảm lương và trợ cấp cho bộ máy quân đội có thể gây xáo trộn lớn, chính vì thế dù là vấn đề ưu tiên, nhưng đây không phải là công việc dễ dàng.

Thay đổi cơ cấu mua sắm vũ khí trang bị

Khi nguồn chi tiêu quốc phòng dành cho nhân sự khó có thể cắt giảm, thì giới chức quốc phòng Ấn Độ có thể “trông cậy” vào việc thay đổi cơ cấu mua sắm vũ khí, trang bị quân sự. Thay vì nhập khẩu, Ấn Độ đang đẩy mạnh sản xuất quốc phòng nội địa để giảm bớt sự phụ thuộc và tiêu tốn nguồn ngoại tệ ra nước ngoài.

Vấn đề trên đã được hiện thực hóa qua tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuần qua. Theo đó, các cơ sở chế tạo quốc phòng quốc doanh của Ấn Độ được yêu cầu nối lại hoạt động sớm nhất có thể và tăng cường năng lực hoạt động lên mức cao nhất có thể.

“Trong bối cảnh đại dịch, lợi ích của quốc gia phải được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi sẽ không phung phí ngoại tệ bởi các hợp đồng nhập khẩu vũ khí. Các dự kiến mua sắm vũ khí từ nước ngoài có thể tạm dừng trong vài năm tới để tập trung mua sắm các sản phẩm nội địa”, một quan chức quốc phòng Ấn Độ giấu tên cho biết.

Việc tăng cường mua sắm trang bị quân sự nội địa được coi là chiến lược đối phó với khủng hoảng do Covid-19 gây ra của quân đội Ấn Độ.

Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, khi các ngành sản xuất khác bị hạn chế hoạt động, thì ngành công việc quốc phòng Ấn Độ vẫn được ưu tiên làm việc bình thường.

Tính từ năm 2008 tới nay, Ấn Độ đã chi ra hơn 80 tỷ USD nhập khẩu trang bị quân sự, trong đó phần lớn đến từ Nga và Mỹ. Dù có nhiều nỗ lực tự chủ nguồn cung trang bị quân sự, nhưng kết quả đạt được của Ấn Độ còn nhiều hạn chế.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế có chung nhận định, sau khi dịch Covid-19 kết thúc, chiến lược mua sắm trang bị quân sự của Ấn Độ sẽ được điều chỉnh dịch chuyển hẳn về hướng ưu tiên mua sản phẩm nội địa trong nước. Điều này càng trở nên rõ ràng trong bối cảnh căng thẳng với quốc gia láng giềng Pakistan đang leo thang. Hơn thế nữa, việc ưu tiên sử dụng nguồn lực nội địa sẽ giúp Bộ Quốc phòng Ấn Độ có thể thuyết phục được giới lập pháp nước này về việc duy trì chi tiêu quân sự trong khi tăng trưởng GDP sụt giảm vì dịch bệnh.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo Armtrade, vpk, DefenseTalk)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/an-do-thay-doi-chien-luoc-chi-tieu-quoc-phong-vi-covid-19-616790