Ấn Độ thách thức Trung Quốc, củng cố quan hệ an ninh với ASEAN

Reuters ghi nhận trong vài ngày qua, Ấn Độ rõ ràng thách thức Trung Quốc, củng cố quan hệ an ninh và ngoại giao với các nước Đông Nam Á.

Hải quân Ấn Độ đưa tàu chiến đến Biển Đông - Ảnh: Sputnik

Hải quân Ấn Độ đưa tàu chiến đến Biển Đông - Ảnh: Sputnik

Ngày 31.5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ký một thỏa thuận với Indonesia, cùng xây một quân cảng mới ở thành phố Sabang thuộc Indonesia, nhìn ra Eo biển Malacca, một trong những tuyến hàng hải tất bật nhất thế giới.

Các quan chức ngoại giao Ấn nói New Delhi nỗ lực bảo vệ một cửa ngõ tiếp cận Eo biển Malacca, vì tuyến đường biển này chuyển tải 60% hàng hóa Ấn xuất khẩu.

Đây là một quyết định nhằm chống Trung Quốc trỗi dậy cả về kinh tế lẫn quân sự. Điều chắc chắn khiến Trung Quốc tức, vào lúc Bắc Kinh đang ráo riết tạo dấu ấn hải quân trong khu vực Đông Nam Á.

Tuần trước, Hoàn cầu thời báo - phụ trang của Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) có bài xã luận mang tính cảnh báo: “Nếu thật sự Ấn muốn tiếp cận quân sự đến đảo chiến lược Sabang, thì họ có thể sai lầm tự sập bẫy vào một cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và dần dần họ sẽ tự đốt các ngón tay của họ”.

Thủ tướng Modi cũng thỏa thuận với Singapore về một cơ sở hậu cần cho tàu chiến, tàu ngầm và máy bay quân sự thực hiện các chuyến thăm đảo quốc Sư tử.

Vị lãnh đạo Ấn Độ cũng bay đến Kuala Lumpur, gặp tân Thủ tướng Mahathir Mohamad, để thực hiện nỗ lực củng cố quan hệ với 3 quốc gia Đông Nam Á có tầm ảnh huởng nhất, theo Reuters.

Về hướng tây, Ấn cũng ký một thỏa thuận để tiếp cận cảng Duqm ở vùng biển phía nam Oman, nhân chuyến thăm của ông Modi hồi đầu năm nay. Giới truyền thông nói hải quân Ấn sẽ có thể tiếp cận cảng này để tiếp nhiên liệu và thức ăn, cho phép tàu chiến Ấn hoạt động lâu ở phía tây Ấn Độ Dương.

Hồi đầu năm 2018, Ấn cũng đạt thỏa thuận trao đổi hậu cần với Pháp, để Ấn có thể sử dụng các cơ sở quân sự Pháp trên Ấn Độ Dương.

Trong ngày khai mạc Diễn đàn châu Á - Thái Bình Dương 2018, còn gọi là Đối thoại Shangri-La (SLD) hôm 1.6, Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ sẽ làm việc với 11 quốc gia Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) để quảng bá “trật tự dựa theo luật” cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong bài diễn văn, ông Modi nói: “Chúng tôi sẽ làm việc với từng quốc gia, hoặc theo công thức 3 nước hoặc hơn, để tiến đến một khu vực hòa bình và ổn định”.

Nhiều đoàn đại biểu dự SLD gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã ủng hộ tuyên bố của vị lãnh đạo Ấn. Khi SLD bế mạc ngày 3.6, Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen của Singapore nói: “Tôi tin tưởng nhiều quốc gia hài lòng vì Ấn Độ đã thể hiện thái độ mạnh mẽ dấn thân với khu vực”.

Vài năm gần đây đã hình thành “tứ giác kim cương” về an ninh-ngoại giao giữa Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn, nên thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được sử dụng nhiều, thay thế thuật ngữ ‘Châu Á - Thái Bình Dương” mà nhiều người nói là khu vực mà Trung Quốc giữ vai trò trung tâm.

Mới đây, Bộ Tư lệnh quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACOM) chính thức đổi tên thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương (INDOPACOM), với ngầm ý đề cao tầm quan trọng của Ấn Độ Dương trong chính sách quốc phòng của chính quyền Mỹ.

Theo Reuters, bất chấp sự thể hiện bên ngoài về tình hữu nghị Ấn - Trung, cùng việc Thủ tướng Ấn đề cao mối quan hệ vững mạnh giữa hai nước, Bắc Kinh đã phản ứng lạnh lẽo với chiến lược của ông Modi.

Đại tá Triệu Tiểu Trác, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc nói với các nhà báo bên lề SLD: Thủ tướng Modi đã có những bình luận về suy nghĩ của ông ấy về khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương''. .

Ông Triệu không giải thích chi tiết, nhưng Hoàn cầu thời báo dẫn lời ông: “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cùng khối liên minh Mỹ - Nhật - Ấn - Úc sẽ không thể kéo dài”.

Các nhà phân tích nói thái độ mạnh mẽ của Ấn Độ giúp trả lời các nỗi lo ngại ở Đông Nam Á, từ việc Trung Quốc bành trướng tầm ảnh hưởng đến khu vực này.

Bên cạnh đó là mối lo ngại rằng Mỹ không muốn dấn thân với Đông Nam Á, đấu đá thương mại với Trung Quốc và theo đuổi hòa bình với CHDCND Triều Tiên.

Ông C. Raja Mohan, chủ nhiệm Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học quốc gia Singapore, nói: “Ở ASEAN đang có vài sức ép đa dạng hóa quan hệ an ninh, tìm kiếm sự bảo đảm an toàn. Một Ấn Độ tích cực đang thật sự thích hợp với hoàn cảnh này”.

Nhưng ông Mohan cũng nói thêm: dù Thủ tướng Modi khởi động mạnh mẽ, không thể rõ chiến lược của ông sẽ kéo dài hay không, nhất là khả năng ông còn phải chú ý cuộc tổng tuyển cử Ấn (sẽ tổ chức trong 11 tháng nữa).

Ông Mohan nói: “Thực hiện những lời hứa luôn là một thách thức lớn cho Ấn Độ. Ông Modi đang nỗ lực cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động ở nước ngoài. Có một vài lợi thế nhưng cũng vẫn còn đó một sự thách thức”.

Trung Trực (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/an-do-thach-thuc-trung-quoc-cung-co-quan-he-an-ninh-voi-asean-89516.html