Ấn Độ sẵn sàng tình huống xấu, lo Trung Quốc-Pakistan liên thủ

Ấn Độ lo Trung Quốc-Pakistan phối hợp với nhau gây căng thẳng biên giới. Căn cứ gần biên giới Trung Quốc sẵn sàng ứng phó mọi tình huống.

Nguy cơ Trung Quốc-Pakistan liên thủ

Hãng India Today của Ấn Độ dẫn các nguồn tin nói rằng Pakistan đã di chuyển gần 20.000 binh sĩ tới Gilgit-Baltistan và Kashmir, giáp biên giới Ấn Độ, để phối hợp với việc triển khai của Trung Quốc.

Theo hãng này, Pakistan đang xem xét cơ hội để mở cuộc tấn công hai mặt trận vào Ấn Độ.

India Today cũng tuyên bố rằng Tình báo quân sự Pakistan (ISI) và quân đội đã bắt đầu "triển khai những kẻ khủng bố cứng đầu", thậm chí lên kế hoạch các chiến dịch chống lại binh sĩ Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Modi (đeo kính đen) trong chuyến thăm Ladakh ngày 3/7. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Ấn Độ Modi (đeo kính đen) trong chuyến thăm Ladakh ngày 3/7. Ảnh: Reuters.

Truyền thông Ấn Độ cũng cáo buộc Pakistan có thể tổ chức phá hoại nội bộ với gần 100 chiến binh được Pakistan hậu thuẫn bên trong lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir. Pakistan có thể kích động các cuộc tấn công chống lại quân nhân Ấn Độ được triển khai trong khu vực này.

Hồi tháng 5/2020, tướng Manoj Mukund Naravane, Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ cũng cảnh báo, Trung Quốc và Pakistan có thể liên thủ chống lại Ấn Độ và điều đó sẽ dẫn đến 1 cuộc chiến tranh trên 2 mặt trận.

Tuy nhiên, vị tướng này nhấn mạnh: “Một quốc gia không tham chiến bằng lực lượng vũ trang đơn độc, mà còn có sự tham gia của nhiều cột trụ khác như các cơ quan ngoại giao hay các cơ quan khác của chính phủ, để đảm bảo rằng chúng ta không bị dồn vào chân tường, trong tình huống mà chúng ta sẽ phải dùng toàn bộ sức mạnh để đối phó với hai kẻ thù cùng một lúc”.

Lo ngại của lãnh đạo quân đội Ấn Độ và truyền thông nước này không phải là không có cơ sở.

Hôm 4/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi để thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm căng thẳng khu vực với Ấn Độ.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc và Pakistan nên hợp tác để giải quyết các rào cản, bảo vệ lợi ích chung cũng như hòa bình, ổn định khu vực.

Ông Qureshi nói rằng Pakistan sẵn sàng tăng cường phối hợp và hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự ổn định khu vực. Ngoại trưởng Pakistan cũng khẳng định Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và Pakistan kiên quyết phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài.

Về phía chuyên gia, ông Ian Hall, giáo sư nghiên cứu quan hệ quốc tế tại trường Đại học Griffith ở Queensland, Australia, đánh giá: “New Dehli đang chịu sức ép vô cùng lớn, từ dịch Covid-19, Ranh giới kiểm soát ở Kashmir và từ Trung Quốc.

Quan hệ giữa New Dehli với Islamabad và Bắc Kinh đã tồi tệ hơn trong một vài năm qua, kết quả là cả hai quốc gia đã quyết định đẩy căng thẳng leo thang trong thời điểm chính phủ của Thủ tướng Modi đang bị căng thẳng và rối bời”.

Hiện tại, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vẫn duy trì thế đối đầu dọc theo đường biên giới tranh chấp - đường Kiểm soát thực tế (LAC) chưa được phân định rõ ràng và gây nhiều tranh cãi, từng chứng kiến gia tăng căng thẳng hồi đầu tháng 5. Cả hai bên đã triển khai hàng nghìn binh sỹ, pháo cối và xe tăng tại nhiều địa điểm dọc theo LAC.

Quân đội Mỹ sẵn sàng cho mọi tình huống

Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ ngày 4/7 cho biết các phóng viên đã được tham quan căn cứ không quân gần biên giới Trung Quốc, cho thấy không quân Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của New Delhi dọc biên giới Bắc Kinh.

Theo nhận định của hãng thông tấn ANI, căn cứ hoạt động rất "tấp nập". Máy bay chiến đấu Su-30MKI (một sản phẩm hợp tác khác giữa Nga - Ấn), MiG-29 và nhiều máy bay khác được nhìn thấy cất cánh và đáp xuống căn cứ, minh chứng cho phóng viên thấy sự chuẩn bị của không quân Ấn Độ.

Hàng loạt máy bay vận tải quân sự do Mỹ sản xuất bao gồm C-17 và C-130, cùng với máy bay Ilyushin-76 và Antonov-32 của Nga đang được sử dụng để vận chuyển binh lính và thiết bị triển khai dọc LAC với Trung Quốc.

Theo hãng thông tấn ANI, trực thăng Apache thực hiện các cuộc tập trận thường xuyên với nhiệm vụ duy nhất là chiến đấu trong khu vực Đông Ladakh. Máy bay trực thăng vận tải hạng nặng Chinook cùng với biên đội trực thăng vận tải đa dụng Mi-17 V5 của Nga được triển khai tại căn cứ này đang thực hiện các cuộc tập trận thường xuyên.

Apache cùng với trực thăng "quái vật trên không" CH-47 Chinook do nhà thầu quốc phòng Mỹ Boeing sản xuất đóng một vai trò quan trọng trong khu vực sau khi quân đội Trung Quốc bắt đầu tăng cường lực lượng dọc LAC ở Đông Ladakh vào tháng 5.

Một quan chức an ninh cấp cao của Ấn Độ cho biết, quân đội nước này rất hùng mạnh và họ cũng luôn dự tính trong đầu những tình huống bất ngờ.

Bất chấp các kế hoạch đặt ra, việc phải phân bổ nguồn lực cùng một lúc cho cả 2 mặt trận sẽ khiến các lực lượng vũ trang bị phân tán sức mạnh. Chỉ huy quân đội của Ấn Độ đã cảnh báo và kêu gọi chính phủ, trong đó có cả các quan chức ngoại giao, phòng tránh kịch bản xấu nhất này.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/an-do-san-sang-tinh-huong-xau-lo-trung-quoc-pakistan-lien-thu-3409966/