Ấn Độ quyết định mua S-400, bất chấp Mỹ đe dọa

Ấn Độ ngày 1-6 quyết định tiếp tục thỏa thuận trị giá 5,5 tỷ USD để mua hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga bất chấp Mỹ đe dọa rằng thương vụ này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Washington và New Dehli.

Ảnh minh họa. Sputnik

Theo tờ Hindustan Times, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đang yêu cầu Ủy ban Nội các phê chuẩn việc mua 5 hệ thống Triumf S-400 của Nga.

Thỏa thuận này được cho là sẽ được thông qua mặc dù phía chính quyền Mỹ đe dọa Ấn Độ rằng việc tăng cường quan hệ quân sự với Nga có thể làm ảnh hưởng đến quan hệ với Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Vũ khí của Hạ viện Mỹ Mac Thornberry cho rằng "việc mua lại công nghệ này sẽ hạn chế, mức độ mà Mỹ cảm thấy thoải mái khi đưa công nghệ bổ sung vào bất kỳ quốc gia nào chúng ta đang nói tới."

Trong trường hợp Nga và Ấn đạt được thỏa thuận mua bán vũ khí trên, phản ứng của Mỹ có thể sẽ là tố cáo Ấn Độ vi phạm lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt lên với Nga.

Ấn Độ đang buộc phải lựa chọn giữa Nga và Mỹ trong bối cảnh các nước "tranh ảnh hưởng trong khu vực" như Pakistan và Trung Quốc đã trang bị được khả năng phòng không tiên tiến.

Việc Ấn Độ lựa chọn mua S-400 của Nga, vốn được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng, có thể sẽ gây ảnh hưởng đến việc mua bán máy bay Predator và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Mặc dù Mỹ đã cải thiện hệ thống này, tuy nhiên, theo thực tế sử dụng tại Saudi Arabia, hiệu quả vẫn chưa phải là vượt trội, theo RT.

Theo phân loại của NATO, S-400 Triumf là hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga, có khả năng độc đáo và vô song, có thể bắn ba loại tên lửa tạo ra một lớp bảo vệ. S-400 cũng tích hợp một radar đa chức năng, tự động phát hiện và hệ thống nhắm mục tiêu...Nó có thể bắn hạ phi cơ cũng như tên lửa ở tầm xa tới 400km.

Theo Viện Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga hiện là đối tác vũ khí lớn nhất của Ấn Độ, chiếm đến 62% hợp đồng mua bán vũ khí của New Delhi trong năm qua.

Ấn Độ cũng không phải là nước duy nhất chịu áp lực từ phía Mỹ khi mua bán vũ khí với Nga. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ, nước "đối tác chiến lược" của Mỹ đã hứng chịu chỉ trích của Nhà Trắng khi ký thỏa thuận mua S-400 của Nga.

Duy Tiến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vu-khi-chien-tranh/an-do-quyet-dinh-mua-he-thong-phong-khong-toi-tan-bat-chap-my-de-doa-493767/