Ấn Độ phát hiện ra cách để 'luồn lách' lệnh trừng phạt của Mỹ?

Trước đó vào đầu tháng 6, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã nhấn mạnh rằng họ không có ý định từ bỏ thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 với Moscow mặc cho Mỹ đe dọa trừng phạt.

Cụ thể theo một số nguồn tin giấu tên, Ấn Độ sẽ chi trả bằng đồng euro thay vì bằng USD để mua vũ khí Nga nhằm tránh bị Mỹ trừng phạt. Những người này cho biết mặc dù một phần khoản tiền chi trả đã được thực hiện bằng đồng ruble, song mới đây Moscow và New Delhi đã đạt được một thỏa thuận để ngân hàng của Nga sẽ nhận khoản tiền còn lại dưới dạng đồng euro.

Hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Nhiều hợp đồng cung cấp các loại khí tài quân sự cho Ấn Độ của Nga có tổng giá trị khoảng 4 tỉ USD đã được hai bên ký kết, trong đó có hợp động cung cấp hệ thống S-400 và 4 tàu khu trục, cũng như thỏa thuận cho thuê tàu ngầm Chakra III. Thêm vào đó, hai nước dự kiến sẽ ký kết 2 thỏa thuận nữa liên quan đến việc cung cấp súng trường AK-203 và trực thăng Ka-226 cho quân đội Ấn Độ.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Ấn Độ không được mua hệ thống S-400, đồng thời đề xuất cung cấp một hệ thống phòng không tương tư do Mỹ sản xuất.

“Về vấn đề S-400, chúng tôi kêu gọi tất cả các nước đồng minh và đối tác của chúng tôi, trong đó có Ấn Độ, từ bỏ các hoạt động giao dịch với Nga có thể khiến quốc gia này chịu các hình thức trừng phạt trong khuôn khổ Đạo luật Đối phó với kẻ thù của Hoa Kỳ thông qua trừng phạt (CAATSA). Đây là thời điểm mà chúng tôi muốn khuyến khích Ấn Độ tìm những sự lựa chọn khác”, một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết.

Đạo luật CAATSA đã được phê duyệt vào năm 2017, cho phép Washington có thể áp đặt trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào mua các loại khí tài quốc phòng do Nga sản xuất. Dù vậy, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết họ sẽ không từ bỏ thỏa thuận mua S-400 mặc cho nguy cơ bị Mỹ trừng phạt.

New Delhi cho biết họ đã sẵn sàng mua hệ thống tên lửa S-400 vào năm 2015. Thỏa thuận cung cấp vũ khí này đã được ký kết khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Ấn Độ vào năm 2018.

Anh Tuấn (lược dịch)

Từ khóa: Ấn Độ S-400 Nga thỏa thuận Mỹ trừng phạt

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/an-do-phat-hien-ra-cach-de-luon-lach-lenh-trung-phat-cua-my-post304200.info