Ấn Độ - Pakistan rơi vào vòng xoáy căng thẳng mới

Trong hoạt động chung được thực hiện bởi lực lượng tình báo quân sự và bộ phận đặc biệt của Cảnh sát New Delhi hôm 31-5, 3 quan chức thuộc Cao ủy Pakistan (Đại sứ quán) tại New Delhi bị bắt giữ trong khi cố gắng trao đổi các tài liệu mật bị đánh cắp, một động thái có thể làm leo thang thêm căng thẳng trong mối quan hệ vốn chẳng yên ổn gì giữa Ấn Độ với người hàng xóm kẻ thù.

Trong hoạt động chung được thực hiện bởi lực lượng tình báo quân sự và bộ phận đặc biệt của Cảnh sát New Delhi hôm 31-5, 3 quan chức thuộc Cao ủy Pakistan (Đại sứ quán) tại New Delhi bị bắt giữ trong khi cố gắng trao đổi các tài liệu mật bị đánh cắp, một động thái có thể làm leo thang thêm căng thẳng trong mối quan hệ vốn chẳng yên ổn gì giữa Ấn Độ với người hàng xóm kẻ thù.

Cao ủy Pakistan tại New Delhi. Ảnh: AFP

Cao ủy Pakistan tại New Delhi. Ảnh: AFP

Thông báo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, nhà chức trách nước này đã bắt giữ 3 quan chức thuộc Cao ủy Pakistan - gồm Abid Hussain, Tahir Khan và Javed Hussain - với cáo buộc hoạt động gián điệp. Bộ Ngoại giao Ấn Độ yêu cầu 3 nhân vật này rời khỏi Ấn Độ trong vòng 24 giờ.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ: “Chính phủ đã tuyên bố các quan chức này là những nhân vật không được chấp thuận ở nước sở tại vì đã có những hoạt động không phù hợp với thân phận ngoại giao và yêu cầu họ rời khỏi Ấn Độ trong vòng 24 giờ”. Thông báo cũng cho biết phía Ấn Độ đã gửi công hàm tới Đại biện ngoại giao của Pakistan bày tỏ phản đối về vụ việc liên quan đến hoạt động của các quan chức ngoại giao Pakistan chống lại an ninh quốc gia của Ấn Độ. Đại biện ngoại giao của Pakistan được yêu cầu phải đảm bảo rằng, không có thành viên nào trong phái đoàn ngoại giao của mình có các hoạt động gây hại cho Ấn Độ hoặc hành xử theo cách không phù hợp với vai trò ngoại giao của họ.

Trao đổi thông tin nhạy cảm

Các nguồn tin ở New Delhi cho biết, 3 nhà ngoại giao- gồm Abid Hussain, Tahir Khan và Javed Hussain - được phát hiện có liên quan trực tiếp đến Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI). Họ bị cảnh sát theo dõi khi được cho là đang đi gặp một “nhân viên quốc phòng” gần đường Arya Samaj ở Karol Bagh để trao đổi một số thông tin rất nhạy cảm.

Cảnh sát phát hiện ra rằng Abid Hussain (42 tuổi ) và Tahir Khan (44 tuổi) đang sử dụng tên và chứng minh nhân dân giả của Ấn Độ. Họ đang đi quanh thành phố trên một chiếc xe do Javed Hussain cầm lái. Các nguồn tin cho biết, những người này đã bị theo dõi một thời gian sau khi họ cố gắng liên lạc và dụ dỗ một số nhân viên quốc phòng tham gia các hoạt động liên quan đến gián điệp. Họ đã bị bắt với một số tài liệu liên quan cùng với 15.000 rupee và hai chiếc iPhone, trong đó có một chiếc họ muốn đưa cho người cung cấp thông tin.

Khi thẩm vấn, những người này tuyên bố họ được miễn trừ ngoại giao nhưng không phải như vậy. Họ tuyên bố đã liên lạc với một số người đang cung cấp cho họ thông tin nhạy cảm về việc triển khai quân sự. Hiện Ấn Độ đang tiếp tục theo dõi những người cung cấp thông tin cũng như đang điều tra thêm để xác định liệu các nhân viên khác của Cao ủy Pakistan có liên quan đến vụ gián điệp này không.

Các nguồn tin cho biết, Abid Hussain được bổ nhiệm làm trợ lý thị thực tại Cao ủy Pakistan kể từ tháng 12-2018, trong khi Tahir Khan là một thư ký cấp cao, cũng đến Ấn Độ vào tháng 12-2018. Javed Hussain đã làm lái xe tại Cao ủy Pakistan được 5 năm rưỡi.

Đây là lần đầu tiên xảy ra vụ việc như trên kể từ năm 2016. Vào thời điểm đó, cảnh sát New Delhi đã bắt giữ một đường dây gián điệp gồm hơn một chục quan chức Cao ủy Pakistan, sau khi họ bắt được nhà ngoại giao Mehmood Akhtar, người đang nhận các tài liệu nhạy cảm về việc triển khai quân sự dọc biên giới Ấn Độ - Pakistan. Sau đó, 16 nhân viên của Cao ủy Pakistan đã bị trục xuất. Để trả đũa, Pakistan tuyên bố nhà ngoại giao Surjeet Singh của Ấn Độ tại Islamabad là người không được hoan nghênh.

Một âm mưu?

Pakistan bác bỏ cáo buộc vô căn cứ của Ấn Độ đối với các quan chức ngoại giao của mình, đồng thời cho rằng động thái trên của New Delhi là “sai” và “không có căn cứ”. Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết, hành động của Ấn Độ cùng với một “chiến dịch truyền thông được bố trí và sắp đặt từ trước là một phần trong kế hoạch tuyên truyền dai dẳng chống Pakistan”.

Islamabad cho rằng, yêu cầu trục xuất của Ấn Độ là vi phạm Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao cũng như các quy tắc trong hành xử ngoại giao. Tuyên bố cũng nêu rõ Cao ủy Pakistan tại New Delhi luôn hoạt động trong khuôn khổ các quy định của luật pháp quốc tế và các quy tắc ngoại giao, đồng thời cho rằng “hành động của phía Ấn Độ nhằm thu hẹp không gian ngoại giao đối với hoạt động của Cao ủy Pakistan”. Bộ Ngoại giao Pakistan cáo buộc Ấn Độ đã tra tấn nhân viên của mình cũng như cố gắng hạn chế không gian cho các nhà ngoại giao Pakistan. Pakistan cũng triệu tập một nhà ngoại giao Ấn Độ tại nước này tới để bày tỏ phản đối.

Theo Islamabad, hành động lần này của Ấn Độ là một âm mưu nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi “tình hình xấu đi và sự vi phạm nhân quyền” tại bang Jammu& Kashmir cũng như những khó khăn cả trong nước lẫn ngoài nước mà chính phủ của đảng BJP cầm quyền đang đối mặt. Paksitan cũng cho biết nước này đang tìm kiếm sự can thiệp của cộng đồng quốc tế để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Nam Á.

AN BÌNH

Ấn Độ thả tự do cho chim bồ câu bị nghi là “gián điệp” của Pakistan

Giới chức Ấn Độ tuyên bố thả tự do cho một con chim bồ câu bị tình nghi là “gián điệp” của Pakistan đã bị bắt giữ vài năm trước đó.

Tờ Toronto Sun của Canada ngày 1-6 đưa tin, cảnh sát Ấn Độ mới đây đã phóng thích một con chim bồ câu của Pakistan bị nghi là gián điệp. Con chim này đã bay từ Pakistan qua vùng biên giới đang tranh chấp giữa hai nước, do đó phía Ấn Độ coi đó đây là hành động do thám tình báo. Cụ thể, trong quá trình kiểm tra trên lông của con chim bồ câu cảnh sát không tìm thấy điều gì khả nghi. Cảnh sát cho biết, con chim bồ câu này ban đầu thuộc sở hữu của một ngư dân Pakistan. “Đó chỉ là một con chim vô tội”, ông Habibullah chủ sở hữu của con chim bồ câu cho hay. Theo các nguồn tin, cư dân địa phương nước láng giềng tỏ ra sợ hãi vì trên chân của con chim có viết dãy những chữ số kỳ lạ. Người ta cho rằng đó là mật mã dành cho các chiến binh đang hoạt động trong vùng lãnh thổ tranh chấp. Tuy nhiên, ông Habibullah cho biết, con chim bồ câu của ông tham gia vào các cuộc đua chim và chữ số trên đó chỉ đơn thuần là số điện thoại của chủ nuôi chim.

B.N

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_225787_an-do-pakistan-roi-vao-vong-xoay-cang-thang-moi.aspx